TPHCM mong muốn bán đại trà thuốc điều trị COVID-19
Với việc 2 hãng dược nắm bản quyền sản xuất thuốc điều trị COVID-19 đã đồng ý nhượng quyền cho Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế TPHCM mong muốn trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tham mưu với Chính phủ cho phép bán đại trà thuốc điều trị COVID-19 cho người dân như thuốc điều trị cảm cúm thông thường.
Sáng 8/12, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND TPHCM khóa X, đại biểu Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TPHCM thắc mắc: Khi nào thuốc điều trị COVID-19 được bán rộng rãi tại các nhà thuốc để người dân hoàn toàn chủ động để mua thay vì phải chờ cấp phát như hiện nay?
Trả lời chất vấn của các đại biểu, giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết trong giai đoạn đầu của đợt dịch bệnh vừa qua, số lượng F0 điều trị tại nhà rất lớn nhưng chưa có thuốc nên ngành y tế rất bối rối vì số F0 cách ly tại nhà bệnh trở nặng rất nhiều.
“Hiện nay, hầu hết người dân TPHCM đã được tiêm vắc xin. Thuốc điều trị cũng đã có. Thuốc Molnupiravir đã chứng minh hiệu quả sau thời gian thử nghiệm. Gần đây, thị trường có thêm một loại thuốc điều trị COVID-19 khác do hãng dược Pfizer (Mỹ) sản xuất cũng đã chứng minh hiệu quả điều trị cao”, ông Thượng thông tin.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết cả hai hãng dược phẩm đang nắm bản quyền sản xuất thuốc điều trị COVID-19 nói trên đã đồng ý nhượng quyền sản xuất thuốc cho Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xem xét, cấp phép sản xuất trong nước.
“Hy vọng không lâu nữa, thuốc điều trị COVID-19 sẽ phong phú và không còn khan hiếm như vừa qua. Và Bộ Y tế sẽ tham mưu Chính phủ cho phép bán thuốc điều trị COVID-19 đại trà. Khi đó, người dân có thể đến hiệu thuốc mua như thuốc cảm cúm thông thường”, ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.
Theo giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, TPHCM vừa tiếp nhận bổ sung 25.000 liều thuốc Molnupirvir hôm 7/12 và số thuốc này đã được phân bổ ngay cho các địa phương, dành ưu tiên cho nhóm có nguy cơ (cao tuổi, bị bệnh nền, chưa tiêm vắc xin…).
Đại biểu linh mục Trần Quang Vinh bày tỏ lo ngại về tình trạng nhiều F0 cố tình không khai báo bệnh với y tế địa phương để tránh bị cách ly, ảnh hưởng đến công việc, đời sống….
“Lãnh đạo Sở Y tế có giải pháp gì để quản lý các F0 trong cộng đồng cố tình không khai báo bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan cho cộng đồng và qua đó điều trị bệnh cho bệnh nhân”, linh mục Trần Quang Vinh chất vấn.
Theo giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, hiện nay, F0 trong cộng đồng rất nhiều vì TPHCM không còn xét nghiệm đại trà, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng như thời gian trước. Có tình trạng người dân tự mua que thử nhanh và khi có kết quả dương tính thì không nói với ai vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết để giải quyết vấn đề này, TPHCM cần có giải pháp phù hợp như truyền thông nâng cao nhận thức công dân trong công tác phòng chống dịch.
“Trong cộng đồng, 9 người làm tốt nhưng chỉ cần 1 người làm không tốt thì cũng thất bại. Ngoài 5K, vắc xin, thuốc điều trị, ý thức của người dân cũng rất quan trọng trong phòng chống dịch”, ông Thượng nhấn mạnh.
Theo giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, UBND TPHCM đã ban hành quy chế quản lý F0 cách ly và điều trị tại nhà, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan. Nếu tuân thủ quy định trên thì hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, cần tăng cường kiểm tra và có chế tài xử phạt vi phạm.
Ông cho biết ngành y tế TPHCM sẽ tham mưu các biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm như các trường hợp biết mình là F0 vẫn ra đường, đến nơi khác làm việc thay vì cách ly tại nhà.
Theo ông Tăng Chí Thượng, nếu người dân đồng hành cùng thành phố thực hiện các biện pháp phòng chống dịch thì hy vọng dịch bệnh sẽ giảm. Đến thời điểm nào đó, TPHCM sẽ giống như Singapore, không công bố số ca nhiễm và tử vong mỗi ngày, không quan trọng vấn đề số ca mắc mới, mà xem COVID-19 như một bệnh thường khi người nhiễm không có diễn tiến nặng.
Theo Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, TPHCM đang quản lý và chăm sóc 85.351 F0, trong đó có 66.564 F0 đang điều trị tại nhà, 5.295 điều trị tại cơ sở phường, xã, thị trấn (tầng 1), chiếm 84,2%. Tại tầng 2, số F0 đang điều trị là 11.692 trường hợp (chiếm 13,7%). Tầng 3 (bệnh viện hồi sức cho các trường hợp nặng) có 1.800 trường hợp, chiếm 2,1%, trong đó, có hơn 400 trường hợp thở máy xâm lấn.
Số ca mắc COVID-19 tại TPHCM đang ở xu hướng tăng dần 3 tuần vừa qua. Cụ thể, tuần từ ngày 12 - 18/11, TPHCM có 8.432 ca mắc mới; từ ngày 19 - 25/11, TP.HCM có 8.721 ca mới và tuần từ ngày 26/11-2/12, TP có 9. 301 ca mới.