TPHCM muốn làm mái che nắng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Bến Bạch Đằng
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu nghiên cứu nhiều giải pháp tạo bóng mát vào ban ngày để phục vụ người dân và du khách tại tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng (quận 1), trong đó có giải pháp thiết kế loại hình mái che căng bạt nghệ thuật kết hợp chiếu sáng mỹ thuật vào ban đêm.
Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch Phan Văn Mãi về phương án chỉnh trang khu vực trung tâm thành phố.
Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp UBND Quận 1 nghiên cứu đề xuất phương án tạo bóng mát vào ban ngày để phục vụ người dân và du khách tại tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng, nghiên cứu nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp thiết kế loại hình mái che căng bạt nghệ thuật kết hợp chiếu sáng mỹ thuật vào ban đêm, trình UBND TP trong tháng 6/2023.
UBND quận 1 được giao làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, xác lập cụ thể các vị trí đủ điều kiện để tổ chức bãi giữ xe và nhà vệ sinh công cộng, phục vụ nhu cầu của người dân và du khách khi đến đường đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng.
Đồng thời, xây dựng và triển khai Kế hoạch tăng cường thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị tại khu vực này, có giải pháp xử lý, sắp xếp phù hợp đối với các trường hợp buôn bán hàng rong, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Trước đó, vào tháng 3/2023, Sở Quy hoạch Kiến trúc (QH-KT) TPHCM cũng đã có văn bản gửi UBND TP đề xuất tăng cường mái che trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1) để vừa che nắng, che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch.
Nói về đề xuất này, Sở QH-KT cho biết, sau khi hoàn trả, tái lập mặt bằng thi công tuyến đường sắt đô thị trên trục đường Lê Lợi (quận 1), yếu tố cảnh quan và các tiện ích đáp ứng cho mọi hoạt động mua sắm, đi bộ của người dân, du khách vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.
Do không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày tạo bóng mát cho vỉa hè như trước nên giải pháp hiện nay là tăng cường mái che để vừa che nắng che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch bên phần đường Lê Lợi cùng hướng lưu thông với chợ Bến Thành.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cũng cho biết việc lắp mái che không đồng nghĩa với việc thay thế cây xanh và ngoài đề xuất lắp mái che, đoạn đường Lê Lợi cũng sẽ được nghiên cứu trồng thêm cây xanh trên nguyên tắc những loại cây to, rễ sâu phải được cân nhắc để tránh ảnh hưởng đến các công trình ngầm bên dưới (nhà ga và công trình ngầm của tuyến metro số 1).
Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia lĩnh vực quy hoạch đô thị, TPHCM có khí hậu hai mùa mưa - nắng rõ rệt. Do đó, việc lắp mái che cũng rất cần thiết. Tuy nhiên, mái che trên đường Lê Lợi phải vừa gắn công trình lịch sử như chợ Bến Thành và một số nhà phố cũ vừa gắn với các công trình mới. Giữa công trình cũ và mới cần tính việc lắp mái che xuyên suốt hai bên đường đủ dài, tránh đoạn có, đoạn không.
“Mái che mưa nắng có nhiều cách làm. Tuy nhiên, TPHCM cần nghiên cứu kiến trúc, nghiên cứu đô thị để xây dựng diện mạo đô thị. Tất cả phải gắn kết công trình thật hài hòa. Việc lắp mái che phải tính toán cao độ, độ hài hòa, thiết kế mái ra sao để che mưa nắng liên tục... tránh mất tiền lại không phù hợp với diện mạo đô thị” - TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến.
Trước mắt, để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách đi bộ từ công viên bến Bạch Đằng qua tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ, Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở QH-KT chủ trì phối hợp Sở GTVT, Sở Xây dựng, UBND quận 1 và các đơn vị liên quan lựa chọn các vị trí phù hợp để đề xuất làm cầu bộ hành thông qua trục đường Tôn Đức Thắng kết nối với công viên bến Bạch Đằng. Trên cơ sở đó đề xuất thiết kế cầu đi bộ đảm bảo mỹ quan, hài hòa, thuận tiện, an toàn trong sử dụng và tôn tạo thêm cảnh quan cho khu vực này.