Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT), đến tháng 11-2023, thành phố có 69 vị trí rào chắn trên 28 tuyến đường, chủ yếu tập trung ở các cửa ngõ khu vực phía Đông và phía Nam của thành phố. Sở GTVT nhìn nhận, thời điểm cuối năm nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại tăng cao nên việc rào chắn đường dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông rất cao.
Trong ảnh là một khoảng lớn lòng đường Lương Định Của (thành phố Thủ Đức) bị chiếm dụng để thi công. Tại hiện trường, phần rào chắn chiếm dụng hết một nửa con đường, phần còn lại bị lấn chiếm không nhỏ bởi các khối bê tông kè đường.
Đây là dự án đã thi công 8 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Việc thi công kéo dài không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn gây ô nhiễm tiếng ồn và không khí tại khu vực.
Cách đó không xa, dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM làm chủ đầu tư dựng đã rạp đường để thi công từ năm 2019 đến nay.
Việc rào đường lại để thi công hình thành những nút thắt cổ chai trên đường làm người dân di chuyển khó khăn hơn.
Ngã tư Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyệt cũng được rào chắn để thi công hầm chui kết nối với nhà ga T3 – sân bay Tân Sơn Nhất. Dự kiến cầu tạm 5 làn xe sẽ được lắp đặt trên tuyến Trần Quốc Hoàn để đảm bảo quá trình thi công không ảnh hưởng, xáo trộn đến tình hình giao thông.
Một lô cốt thuộc gói thầu xây dựng cầu bộ hành thuộc dự án metro Bến Thành- Suối Tiên cũng chiếm dụng một nửa làn đường Võ Nguyên Giáp.Đây là tuyến đường quan trọng nối thành phố Thủ Đức với trung tâm thành phố, rào chắn khiến khu vực thường xuyên ù ứ vì đường bị chiếm dụng.
Đây là hạng mục thi công này thuộc dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 do Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội làm chủ đầu tư, tại khu vực thi công, mặt đường vừa bị rào lại lởm chởm đá dăm khiến người dân đi lại khó khăn gấp bội.
Minh Hoàng