TPHCM: Nhà 'chuồng cọp' - nơi bà hỏa ẩn mình

Những năm gần đây, nhiều chung cư cũ đang bị người dân tận dụng cơi nới ban công, lắp khung sắt bít kín xung quanh như 'chuồng cọp'. Không chỉ ban công, các cửa sổ cũng được người dân hàn kín. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường nếu xảy ra hỏa hoạn. 'Chuồng cọp' chỉ là giải pháp phòng, chống tội phạm nhưng nhưng vô tình bít lối thoát hiểm, khi có sự cố cháy xảy ra rất khó thoát thân cho gia chủ.

Những chung cư không lối thoát

Theo ghi nhận của Phóng viên Báo Công an TPHCM, hiện nay đi ra đường không khó để bắt gặp những chung cư được người dân thiết kế theo kiểu "chuồng cọp". Đặc biệt là các chung cư cũ xây từ trước năm 1975 của thế kỷ trước. Không dừng lại đó, các chung cư là nhà ở xã hội, chung cư cho người thu nhập thấp tại TPHCM như: Khu chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q3), chung cư Ngô Gia Tự, Ấn Quang (Q10) được các gia chủ tận dụng ban công, giếng trời để cơi nới và rào kín bằng lưới sắt như kiểu "chuồng cọp", tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là khi xảy ra hỏa hoạn.

Chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) được xây dựng từ trước năm 1975 của thế kỷ trước. Những căn chung cư chỉ được xây cao 4 - 5 tầng nhưng hệ thống điện và hệ thống chữa cháy đều xuống cấp khiến nhiều người không khỏi bất an về vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Nhiều chung cư cũ bịt kín khung sắt, rất nguy hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn

Nhiều chung cư cũ bịt kín khung sắt, rất nguy hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại chung cư Ấn Quang (Q10), có 7 dãy chung cư đã xuống cấp, nhìn rất nhếch nhác. Tại đây, dây điện các loại đã cũ kỹ, đan xen chằng chịt bên ngoài. Phía bên trong các dãy hành lang chung cư, hệ thống dây điện, cầu dao điện cũng rất cũ, tạo nên nỗi bất an về an toàn điện và phòng, chống cháy nổ.

Bà Nguyễn Thị Lành (63 tuổi, sống tại chung cư Thanh Đa, Q.Bình Thạnh) cho biết, do chung cư cũ và diện tích của mỗi căn hộ khá nhỏ nên nhiều người đã tận dụng nới khoảng không ở ban công phía sau ra để làm nơi chứa đồ đạc, trồng rau, phơi quần áo và nuôi thú cưng... Một số người rào lưới sắt để đồ đạc không bị rơi mất và cũng đề phòng trộm cắp. Tại chung cư Thanh Đa có tới 95% các hộ dân ở đây thiết kế thêm phần lồng sắt bao ngoài lan can.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hiện nay TPHCM còn tồn tại 84 chung cư được xây dựng trước năm 1975. Những căn nhà cũ này được gia chủ thiết kế thêm "chuồng cọp", "chuồng cu" để tận dụng thêm không gian cho gia đình. Xây "chuồng cọp", "chuồng cu" là bài toán chống trộm, tăng diện tích được giải quyết hiệu quả. Tuy nhiên, đây lại chính là trở ngại lớn nhất để người dân thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn.

Trong những năm gần đây, tại TPHCM, Hà Nội và nhiều TP lớn trên cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ cháy, cướp đi hàng trăm sinh mạng. Một trong những lý do khiến cho nạn nhân khó thoát ra ngoài, cũng như việc chữa cháy, cứu người bị cản trở, ít nhiều là do "chuồng cọp", "chuồng cu". "Chuồng cọp" là các lồng sắt bịt kín ngoài ban công, sân thượng mà gia chủ thường làm để cơi nới diện tích nhà nhưng đa phần là mục đích chống trộm hay leo vào từ ban công, sân thượng. Trong khi đó, việc xây dựng, cơi nới thêm diện tích của các hộ dân không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, mà còn gây cản trở rất nhiều cho lực lượng cứu hỏa khi xảy ra sự cố cháy nổ. Khi cháy nổ xảy ra, "chuồng cọp" lại chính là hiểm họa cho nạn nhân, bởi khói lửa bao trùm, lối thoát nạn duy nhất là ban công hoặc sân thượng đã bịt kín. "Chuồng cọp" lúc này trở thành lồng giam kiên cố khiến nạn nhân khó thoát ra ngoài và người ngoài muốn vào cứu cũng không dễ dàng.

Nhiều hộ dân ở chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh, cơi nới lắp khung sắt bịt kín ban công

Nhiều hộ dân ở chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh, cơi nới lắp khung sắt bịt kín ban công

Theo tìm hiểu, tình trạng "chuồng cọp" ở các khu chung cư cũ đã xảy ra từ lâu. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm giám sát như chính quyền địa phương, thanh tra xây dựng cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở. Bên cạnh đó cần biện pháp mạnh tay để bảo đảm an toàn PCCC, đặc biệt là ở các khu chung cư cũ.

Lực lượng Công an đã nhiều lần đưa ra cảnh báo tới người dân cần nâng cao cảnh giác về công tác PCCC, đặc biệt là những người đang sinh sống tại các khu nhà nhà trọ, chung cư nằm trong các hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước. Người dân tuyệt đối không hàn, gắn các lồng sắt tại ban công, lối thoát hiểm. Thực tế cho thấy giá thuê ở khu vực TPHCM rất cao nên phần lớn lao động lựa chọn thuê trọ, nhà tại các hẻm nhỏ, chung cư cũ để phù hợp với điều kiện kinh tế.

Khẩn trương phá bỏ "chuồng cọp"

Chị Vũ Thị Thu Thủy (43 tuổi, ngụ Q10) cho rằng, TPHCM là khu vực kinh tế trọng tâm của Miền Nam và cả nước, nên tập trung đông người lao động, học sinh, sinh viên từ khắp nơi về đây sinh sống, vì thế nhu cầu về nhà ở, phòng trọ và chung cư rất lớn. "Trước đây, ngay cả ban ngày có người ở nhà cũng không dám mở cửa cho thông thoáng vì sợ trộm, cướp. Nhưng nhờ có khung sắt bảo vệ nên tôi cảm thấy an toàn và thoáng mát hơn, còn việc nguy hiểm, cháy nổ thì tính sau", chị Thủy nói.

Tính tới tháng 7 năm nay, chị Thủy đã có 6 năm đi thuê nhà trọ. Theo chị Thủy, những năm trước khu vực này rất nhiều trộm vặt nên hầu như nhà nào cũng trang bị thêm khung sắt tại các cửa sổ, lan can và nhà chị đang ở cũng là một trong những nhà có lồng sắt. Theo chị Thủy, có thêm khung sắt đồng nghĩa với việc an toàn, có thêm diện tích để phơi quần áo, cất đồ dùng, thậm chí là trồng thêm vài loại rau, hoa quả.

Nhà "chuồng cọp" khi xảy ra cháy sẽ không có lối thoát

Nhà "chuồng cọp" khi xảy ra cháy sẽ không có lối thoát

Cùng quan điểm, chị N.L.H, cư dân của chung cư Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) cho hay, căn hộ của chị không hàn khung sắt ngoài ban công. Tuy nhiên, hàng xóm sát vách nhà chị lại đang sử dụng khung sắt gắn vào lan can. Thậm chí, căn hộ được một ô cửa sổ nhưng gia đình này vẫn quyết định hàn khung sắt bên ngoài. Chị H. đã nhiều lần giải thích về mối nguy hiểm khi xảy ra hỏa hoạn nhưng gia đình này vẫn không thay đổi thiết kế khung ban công với lý do gia đình chỉ có con nhỏ và vợ ở nhà, phải làm vậy cho an toàn.

Trả lời phóng viên, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, có một thực trạng tồn tại lâu nay là người dân thường hàn, gắn các lồng sắt hay khung bảo vệ ở các căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ. Đây là giải pháp phòng, chống tội phạm của người dân. Nhưng đối với lĩnh vực PCCC thì lại ngăn chặn lối thoát nạn. Nếu xảy ra cháy, gây khó khăn cho lực lượng chức năng muốn tiếp cận hiện trường, gây nguy hiểm. Thời gian qua đã có nhiều vụ cháy mà nạn nhân không thể thoát ra ngoài do bị "chuồng cọp" vây kín.

Không chỉ gần đây, nhiều năm qua đã có nhiều vụ cháy xảy ra tại những căn nhà được xây và gia cố theo kiểu "chuồng cọp" như thế này. Đã có những vụ hỏa hoạn để lại hậu quả thảm khốc. Và ở TPHCM, không khó để bắt gặp những căn nhà được quây kín như thế, thậm chí không có lối thoát hiểm.

Khi phóng viên đi thực tế tại cư xá Thanh Đa thì ở đây toàn là những căn nhà được bao kín bởi khung sắt, không lối thoát. Khi được hỏi về mục đích của việc rào kín nhà lại thì người dân tại cư xá này cho hay, một phần là để chống trộm, phần khác để trẻ em không té ngã, đồng thời họ tận dụng ban công để thêm diện tích sử dụng, phơi quần áo.

Theo ông Lê Hoàng Châu, nếu việc lắp những lồng sắt này có dấu hiệu cơi nới, mở rộng so với thiết kế được duyệt thì vi phạm quy định về xây dựng. Bên cạnh đó, nếu các lồng sắt ngăn lối thoát nạn và lối tiếp cận của lực lượng chức năng thì vi phạm quy định pháp luật về PCCC. Theo đó, muốn sử dụng "chuồng cọp" thì người dân phải mở lối thoát nạn và có phương án thoát ra bên ngoài, tạo điều kiện để lực lượng chức năng tiếp cận cứu hộ, cứu nạn nếu chẳng may có sự cố cháy xảy ra. Vì vậy, ở các chung cu cũ, người dân cần trang bị thêm dây thoát hiểm để thoát từ trên "chuồng cọp" xuống dưới.

Một phương án khác là cần sớm phá bỏ "chuồng cọp" bằng cách tháo bỏ hoặc làm cửa cho "chuồng cọp". Phá bỏ "chuồng cọp" rõ ràng là rất khó nhưng hiện nay chính là thời cơ để vận động người dân bỏ "lồng sắt giam giữ" gia đình mình; mạng sống bên trong "chuồng cọp" bao giờ cũng quý giá hơn tài sản mà cái "chuồng cọp" ấy bảo vệ.

Hiện nay, việc bảo đảm an toàn PCCC cho nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ đang là vấn đề cấp bách, đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, để bảo đảm hành lang pháp lý thống nhất, rõ ràng và chặt chẽ trong việc đầu tư xây dựng và quản lý các loại hình nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ, Sở Xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ, tiêu chuẩn PCCC làm cơ sở quản lý các loại hình nhà ở nêu trên.

Nam Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/toan-dan-phong-chay-chua-chay/nha-chuong-cop-noi-ba-hoa-an-minh_164569.html