TPHCM: Phá thế co cụm và phòng thủ để phát triển

Tại Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 20, khóa XI (mở rộng), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã dành nhiều thời gian đề cập đến việc 'dám nghĩ, dám làm' của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo ông, đây là vấn đề lớn TP sẽ tiếp tục triển khai. Vấn đề hiện nay là làm sao khuyến khích, khơi dậy cho đội ngũ cán bộ tinh thần dám nghĩ, dám làm để sáng tạo nhằm đạt hiệu quả cao vì lợi ích chung.

Những chỉ báo đáng ngại

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2023 ước tính đạt hơn 360.600 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 3,6%. Đáng lo là 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm, trong đó kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; trong quý 1, TPHCM chỉ giải ngân được 2% vốn đầu tư công. Điểm sáng là ngành buôn bán lẻ, tài chính ngân hàng, dịch vụ lưu trú, ẩm thực tăng.

Không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, các chỉ số khác của TPHCM cũng đáng quan ngại. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo thường niên "Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh" (PCI) 2022, TPHCM chỉ có 65,86 điểm, đứng thứ 27/63 tỉnh thành, tụt 13 bậc so với năm 2021. Chỉ số năng lực cạnh tranh là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các địa phương. Chỉ số năng lực cạnh tranh của TPHCM dù không phải quá thấp nhưng cũng phản ánh tình trạng trì trệ trong cải cách thủ tục hành chính. Đáng nói, trong cấu phần PCI, chỉ số gia nhập thị trường của TPHCM xếp thứ hạng 43; tiếp cận đất đai xếp thứ 54; chi phí không chính thức xếp thứ 60; tính năng động của chính quyền tỉnh là 62.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tàu Metro số 1 trên hành trình từ ga Rạch Chiếc đến ga Suối Tiên

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tàu Metro số 1 trên hành trình từ ga Rạch Chiếc đến ga Suối Tiên

Báo cáo PCI cũng cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế đã gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,54% năm 2022. Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM Phạm Phú Trường, thủ tục hành chính đang là vấn đề lớn mà chủ yếu là từ sự e ngại, dè dặt của cán bộ và sự thiếu nhất quán, thiếu cơ chế giúp cho cán bộ tự tin giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Đáng lo hơn, tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, dẫn đến cán bộ TPHCM không dám quyết, dám làm, những việc trong thẩm quyền nhưng vẫn phải hỏi xin ý kiến Trung ương.

Tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM sáng 16-4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng có thông tin đáng lo ngại: Thời gian qua TPHCM có 584 văn bản hỏi ý kiến. Bộ KH-ĐT đã có 604 văn bản trả lời. Đáng lưu ý là hầu hết các vấn đề được hỏi Bộ KH-ĐT đều thuộc thẩm quyền của TP.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam - PAPI 2022 do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chủ trì, vừa công bố hôm 12-4, TPHCM đứng thứ 42, dù từ tháng 7-2022 TPHCM đã ban hành kế hoạch nhằm nâng cao Chỉ số PAPI giai đoạn 2022 - 2025. Với chỉ số này, TPHCM chưa bao giờ lên nhóm thứ nhất, vẫn trong nhóm trung bình thấp.

Khuyến khích tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm

Vấn đề lớn nhất của TPHCM có lẽ là công tác cán bộ và thủ tục hành chính, trong đó nổi lên vấn đề đầu tư công. Vì sao trong quý I/2023, TPHCM chỉ giải ngân được 2% vốn đầu tư công - tức khoảng 951 tỷ đồng?

Năm 2023, TPHCM được phân bổ 70.000 tỷ đồng cho vốn đầu tư công, bao gồm vốn Trung ương và địa phương, cao gấp hai lần so với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. TPHCM quyết tâm đặt mục tiêu giải ngân đạt trên 95% số vốn này. Nhưng với tốc độ giải ngân như vậy, làm sao hoàn thành kế hoạch, dù lãnh đạo TPHCM đã siết kỷ cương, kỷ luật đối với đầu tư công, ý thức được đây là lĩnh vực dẫn dắt đầu tư xã hội. Đây cũng là một trong những lý do UBND TPHCM lấy chủ đề năm 2023 là "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội", nhưng kết quả vẫn không như ý.

Ngày 18-4, tại Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến công tác đầu tư công, mức thu phí, mua sắm vật tư y tế

Ngày 18-4, tại Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất thông qua nhiều nghị quyết liên quan đến công tác đầu tư công, mức thu phí, mua sắm vật tư y tế

Sáng 16-4, tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TPHCM nâng cao tinh thần trách nhiệm, cùng với các biện pháp về cán bộ, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc. Động viên, khuyến khích tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thủ tướng đề nghị "phải bảo vệ cả người dám nói nữa, chứ không phải chỉ dám nghĩ, dám làm. Có những cái không đúng phải nói lại, chưa đúng thực tế phải nói nhiều lần". Đồng thời Thủ tướng cũng đề nghị TP xử lý dứt điểm tồn đọng liên quan đến cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với khả năng, năng lực, cũng như nhiệt huyết. Xử lý người vi phạm và kịp thời khen thưởng những người có thành tích. "TP phải rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý, tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm không dám làm, hoặc tiêu cực, tham nhũng, những vụ việc kéo dài", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng tại cuộc họp này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thừa nhận với Thủ tướng có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức của TPHCM sợ trách nhiệm, sợ sai, thiếu chủ động, sáng tạo trong thi hành công vụ. Theo ông Mãi, các sở, ban, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện, cơ chế đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các đơn vị chưa rõ ràng, chưa tạo động lực thúc đẩy thực thi nhiệm vụ. Một bộ phận lãnh đạo công chức, viên chức chưa thực sự tích cực trong công việc, cũng như thiếu tính chủ động, sáng tạo; thiếu quyết tâm cao trong thực thi công vụ. "Ban Thường vụ Thành ủy TP sẽ có chỉ thị chấn chỉnh tình trạng này", ông Phan Văn Mãi phát biểu.

Lãnh đạo TPHCM cũng ngay lập tức đưa ra các biện pháp tích cực. Trong thông báo kết luận của Ban chỉ đạo Thành ủy TPHCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công, các công trình, dự án trọng điểm tại TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cùng các lãnh đạo TPHCM sẽ làm tổ trưởng 13 tổ công tác trực tiếp giám sát, đôn đốc tiến độ hơn 38 dự án trọng điểm.

Ban Thường vụ Thành ủy TP phân công các thành viên Thường trực Thành ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm tổ trưởng các tổ công tác trực tiếp giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện từng dự án và việc giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trọng điểm của TP; kịp thời ghi nhận khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy...

Song song với đó, TPHCM cũng xử lý rất quyết liệt về công tác cán bộ. Ngay trong cuộc họp trên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng thẳng thắn nhìn nhận điều thực sự đáng lo hiện nay là nguồn nhân lực của hệ thống chính trị TP quá tải, thậm chí có nơi không đáp ứng được. "Chúng tôi xử lý rất nhiều. Cán bộ yếu, thấy không phù hợp thì điều chuyển, yếu nữa thì cho nghỉ, thậm chí kỷ luật. TPHCM đã làm nghiêm, làm mạnh... Ai chậm trễ, ai tránh né, ai trì trệ, ai thiếu trách nhiệm, ai sợ sai phạm, ai không dám làm, thận trọng quá mức, cầu an..., chúng tôi đều có biện pháp, thậm chí thay đổi thi đua luôn..." - Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Đã "bắt được bệnh", đã thấy những điểm thắt với các biện pháp và nỗ lực vượt bậc, trong 3 quý còn lại của năm 2023, lãnh đạo TPHCM tin tưởng sẽ lấy lại những gì đã mất, đưa TP trở lại đầu tàu kinh tế của cả nước.

Kỳ vọng nghị quyết mới

Ngày 28-3, Chính phủ đã có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (thay thế Nghị quyết 54) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay. Nếu được đồng ý bổ sung, nghị quyết sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới theo thủ tục rút gọn.

Dự thảo lần này đưa ra 7 nhóm chính sách đặc thù cho TPHCM, gồm chính sách về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TPHCM và TP.Thủ Đức.

Chính phủ kỳ vọng nghị quyết này sẽ đưa TPHCM trở thành TP thông minh, dịch vụ công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, cũng như là trung tâm tài chính, thương mại, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, xây dựng TPHCM thành hạt nhân của vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước, nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế. Đến năm 2045, TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á, người dân có chất lượng cuộc sống cao.

XUÂN NHÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/pha-the-co-cum-va-phong-thu-de-phat-trien_146111.html