Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản gắn với xuất khẩu và chế biến
Đông Nam bộ (ĐNB) có lợi thế nhiều cây công nghiệp, cây ăn trái chủ lực có diện tích lớn. Đây cũng là vùng thuộc tốp đầu phát triển về chăn nuôi của cả nước. Trồng trọt, chăn nuôi của vùng đều chuyển hướng theo quy mô công nghiệp hàng hóa lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Các tỉnh, thành vùng ĐNB đều phát triển mạnh về công nghiệp nên thu hút đông nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. ĐNB đang đẩy mạnh liên kết xây dựng vùng nguyên liệu gắn với xuất khẩu, chế biến.
Phát triển sản xuất hàng hóa
ĐNB có nhiều cây trồng chủ lực lớn nhất nước. Cụ thể, cây điều có diện tích hơn 192 ngàn hécta, chiếm 61% diện tích điều của cả nước; cao su có diện tích hơn 547 ngàn hécta, chiếm gần 60% diện tích cao su của cả nước; diện tích cây hồ tiêu khoảng 38 ngàn hécta, chiếm 30% diện tích hồ tiêu của cả nước.
ĐNB còn có thế mạnh về phát triển cây ăn trái. Những nhóm cây công nghiệp và cây ăn trái chủ lực của vùng đều là những cây trồng thuộc tốp đầu về xuất khẩu mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam như: chuối cấy mô, sầu riêng, cây có múi...
Không chỉ có diện tích lớn, các tỉnh, thành trong vùng ĐNB đã quy hoạch hình thành những vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp, cây ăn trái theo quy mô hàng hóa lớn, đạt chuẩn xuất khẩu. Các tỉnh, thành trong vùng ĐNB đang tập trung chuyển đổi sang hướng sản xuất hữu cơ, làm nông nghiệp xanh gắn với nông nghiệp tuần hoàn để làm ra sản phẩm an toàn, không chỉ tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa mà còn đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu cả về sản lượng và chất lượng.
Đồng Nai thuộc tốp đầu của vùng ĐNB về phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn trái. Đến nay, Đồng Nai phát triển được hơn 168,4 ngàn hécta cây lâu năm, tăng 257 hécta so với năm ngoái. Trong đó, tổng diện cây ăn trái gần 81,8 ngàn hécta, tăng gần 2,2 ngàn hécta; cây công nghiệp lâu năm gần 86,7 ngàn hécta, tăng 101 hécta. Nhiều loại cây ăn trái như: xoài, chuối, mít, sầu riêng… đang có xu hướng tăng mạnh về diện tích do đạt hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, diện tích chuối với 16,9 ngàn hécta, sản lượng hơn 340 ngàn tấn/năm…
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh Ngụy Hoa Tường nhận xét, trái chuối tươi của Đồng Nai nói riêng, các tỉnh, thành lân cận nói chung rất ngon, Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu chuối tươi và các trái cây khác từ Việt Nam. Lãnh sự quán Trung Quốc sẽ hỗ trợ quảng bá chuối tươi và nhiều loại trái cây khác của Việt Nam đến người dân Trung Quốc.
ĐNB cũng đi đầu cả nước về phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp với quy mô lớn, là vùng chăn nuôi trọng điểm của cả nước. Đặc biệt, ĐNB dẫn đầu cả nước trong chăn nuôi theo chuỗi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Hiện vùng tập trung đông các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Đồng Nai vẫn giữ vững vị trí là thủ phủ chăn nuôi lớn của cả nước và có tổng đàn chăn nuôi thuộc tốp đầu vùng ĐNB. Hiện tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt gần 2,2 triệu con. Trong đó, tổng đàn heo chiếm chủ yếu với gần 2,1 triệu con. Tổng đàn gia cầm hiện có hơn 24,2 triệu con; trong đó tổng đàn gà đạt gần 20,1 triệu con. Nhiều năm qua, Đồng Nai đã tích cực triển khai xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đến nay, tỉnh vẫn duy trì 5 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên địa bàn các huyện: Định Quán, Vĩnh Cửu, Long Thành, Cẩm Mỹ, Trảng Bom.
Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn với khoảng 90% tổng đàn nuôi theo quy mô trang trại. Các trang trại đều ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn.
Theo Phó giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG, ĐNB đã hình thành các chợ đầu mối, chuỗi siêu thị, các cửa hàng thực phẩm tiện lợi… quy mô lớn và hiện đại thuộc tốp đầu cả nước. Trong đó, hầu hết các tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam đều có đầu tư hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng phân phối hàng hóa tại các tỉnh, thành ĐNB. Các tỉnh, thành trong vùng ĐNB đã liên kết với nhau trong tổ chức chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ nông sản.
Liên kết vùng thu hút đầu tư chế biến
Các vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi của vùng ĐNB thu hút đầu tư theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đáp ứng tốt thị trường trong nước và xuất khẩu. Tiêu biểu, hiện Đồng Nai đã quy hoạch được 98 vùng sản xuất tập trung, 8 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với nhiều cây trồng chủ lực có lợi thế xuất khẩu như: chuối cấy mô, sầu riêng, xoài…
ĐNB tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản. Trong đó, Đồng Nai đang là trung tâm chế biến thức ăn chăn nuôi của vùng ĐNB nói riêng, của cả nước nói chung. Toàn tỉnh có khoảng 40 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, đạt tổng công suất thiết kế trên 3 triệu tấn sản phẩm/năm; trong đó có nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.
ĐNB cũng đang đứng thứ 2 cả nước về diện tích ca cao và đứng đầu cả nước về sản lượng ca cao nhờ có lợi thế về thổ nhưỡng và đội ngũ nông dân có tay nghề giỏi nên cây trồng này đạt năng suất cao. Thời gian qua, các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu ca cao ở vùng ĐNB thường xuyên hợp tác với các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh trong đầu tư nghiên cứu giống ca cao, nghiên cứu đa dạng các sản phẩm chế biến từ ca cao. Cụ thể, Trường đại học Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đã hợp tác với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức thực hiện các đề tài nghiên cứu chế biến các loại thực phẩm, nước uống có giá trị kinh tế cao từ các phế phẩm của trái ca cao như: sản xuất bánh cookie và mì ăn liền không chiên bổ sung bột vỏ quả ca cao; quy trình sản xuất xúc xích chay và pectin từ bột quả ca cao; quy trình sản xuất nước uống dinh dưỡng từ thịt quả ca cao...
Theo giáo sư Divina M. Amalin, thuộc Ban Điều phối ca cao Philippines, Việt Nam nói chung, vùng ĐNB nói riêng, có tiềm năng phát triển ca cao rất đặc biệt so với các nước trong khu vực như: đất đai, kỹ thuật tốt và lợi thế về tổ chức sản xuất. Vùng ĐNB đã hướng đến sự phát triển bền vững khi xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu. Tiêu biểu như các mô hình chuỗi liên kết sản xuất - chế biến của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (tỉnh Đồng Nai) và Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Vũng Tàu... đã hình thành các chuỗi liên kết rất tốt từ xây dựng vùng nguyên liệu đến chế biến.
Các tỉnh, thành vùng ĐNB như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… đang hình thành các trung tâm cung ứng, chế biến nông sản, các chuỗi logistics dành riêng kết nối tiêu thụ nông sản. Các tỉnh, thành trong vùng ĐNB phát triển mạnh về công nghiệp, thu hút đông lao động làm việc. Theo đó, ĐNB đang là thị trường tiêu thụ lớn thuộc tốp đầu cả nước, nhất là về mặt hàng nông sản. Các tỉnh, thành trong vùng ĐNB có sự hợp tác chặt chẽ trong xây dựng, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản của cả vùng. Đây cũng là điểm cộng để thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư vào chế biến nông sản, sản phẩm chăn nuôi.