TPHCM quyết tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ!

Với quyết tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, TPHCM sẽ hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển ngành. Đáng chú ý là thành phố đã chuẩn bị quỹ đất hơn 300 héc ta để phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào hoạt động góp phần phát triển kinh tế thành phố.TPHCM dự kiến sẽ Tổ chức Hội thảo quốc tế về kinh nghiệm kêu gọi đầu tư, quản lý 'Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao' để học tập kinh nghiệm thành công của quốc tế về hình thành mô hình khu công nghiệp này tại các quốc gia trong khu vực.

Sự quyết tâm này của chính quyền thành phố xuất phát từ nhu cầu thực tế cần phải chuyển đổi theo hướng công nghệ cao, gia tăng giá trị sản phẩm, giảm tình trạng thiếu lao động phổ thông để tăng cạnh tranh, cũng như đáp ứng nhu cầu tăng cao của các nhà sản xuất quốc tế tại Việt Nam và từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp trong nước.

Bức thiết phải chuyển đổi!

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền (Đại học Nguyễn Tất Thành), các ngành thâm dụng lao động không còn phù hợp, trong khi sản xuất sản phẩm đầu cuối với công nghệ cao thì quá tầm so với nền kinh tế thành phố còn non trẻ. Do đó, việc thu hút công nghiệp hỗ trợ (CNHT) công nghệ cao là phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay của Thành phố.

Trên thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố còn phát nhỏ lẻ. CNHT chủ yếu là phục vụ sản xuất sản phẩm với yêu cầu công nghệ đơn giản, thay thế các thiết bị trong dây chuyền nhập khẩu, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Phần lớn các sản phẩm hỗ trợ cho ngành phụ thuộc vào nhập khẩu.

Quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM đang gặp phải nhiều hạn chế về công nghệ, kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực. Các khu/cụm công nghiệp của thành phố hiện đang phát triển theo hướng đa ngành, còn thiếu các khu phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba), tình trạng chung là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư khi ứng dụng công nghệ cao. Đa số doanh nghiệp khá lúng túng trong việc chọn công nghệ, nhà cung ứng.

Đáng chú ý không chỉ doanh nghiệp trong nước sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu mà ngay cả các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài cũng chậm thay đổi công nghệ. Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, các khu chế xuất trên địa bàn thành phố đã cho thuê đất được 30 năm nay nhưng ít doanh nghiệp hoạt động sản xuất tại đây thay đổi thiết bị công nghệ để tăng tính cạnh tranh.

Nhà sản xuất FDI tăng tìm nhà cung cấp Việt Nam!

Trong những năm qua, có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối của các nước có nhà máy tại Việt Nam tìm kiếm nhà cung cấp trong nước để tối ưu hóa trong sản xuất nhằm giảm chi phí và đáp ứng linh phụ kiện kịp thời. Dịch Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng ở các nước bị đứt gãy đã góp phần làm gia tăng nhu cầu tìm các nhà cung ứng tại chỗ.

Thế nhưng việc tìm kiếm nhà cung cấp ở Việt Nam thay thế theo các doanh nghiệp là rất khó khăn. Mới đây, vào cuối tháng 11 rồi, tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ (SFS) 2021 ở TPHCM, có đến 22 tập đoàn đa quốc gia, nhà sản xuất đã đưa ra nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước với danh mục đặt hàng lên đến hơn 400 chi tiết linh kiện, như điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa…

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ khí Duy Khanh, và là Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TPHCM (HAMEE), cho biết nhiều tập đoàn quốc tế tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng quy mô, tăng cường nội địa hóa để giảm chi phí và hạn chế rủi ro, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. “Điều kiện để nắm bắt cơ hội này là doanh nghiệp phải hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất và hướng tới sản xuất công nghệ cao”, ông Tống lưu ý.

Còn Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, khi các yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào… của thành phố không còn là thế mạnh, đòi hỏi thành phố phải thay đổi mô hình tại các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng tăng tính tự động hóa trong sản xuất.

Đồng hành với doanh nghiệp

Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại TPHCM tự tin về trình độ kỹ thuật, tay nghề, khả năng nắm bắt kỹ thuật mới nhưng đang gặp vướng mắc lớn về tài chính để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại cho sản xuất. Theo các doanh nghiệp, vốn đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, thường tương đương vốn đầu tư đất đai, nhà xưởng nên đa số doanh nghiệp không đáp ứng được.

Trước thực trạng khó khăn đó, lãnh đạo Huba kiến nghị nhà nước tạo điều kiện thuận lợi kiến tạo thị trường trong và ngoài nước nhằm giúp ngành công nghiệp hỗ trợ có nền tảng phát triển. Ngoài ra, cần thông tin, truyền thông rộng rãi, khuyến khích đầu tư; có cơ chế thẩm định, phê duyệt dự án đơn giản, tạo tâm lý cho doanh nghiệp quyết tâm hơn trong đầu tư, hỗ trợ một phần lãi vay, thời gian hỗ trợ dài hơn.

Tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ nói trên, ông Võ Văn Hoan, cho rằng tư duy phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có từ hơn 10 năm nay. Các nghị quyết, văn kiện, kế hoạch chỉ đạo của UBND TPHCM cũng đã thể hiện rất rõ ràng. TPHCM mong các doanh nghiệp từng bước chuyển đổi quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đẩy nhanh việc thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại hơn.

Thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ tiếp tục hoạt động đối với các doanh nghiệp ưu tiên thay đổi công nghệ để doanh nghiệp trở thành đầu đàn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ và sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó là nghiên cứu thêm cơ chế chính sách về đất đai, thuế, hải quan, thủ tục, kích cầu… để làm sao có thể hỗ trợ doanh nghiệp các khoản vay lớn nhằm đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ thiết kế, sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế Thành phố.

Về nỗi lo của nhiều doanh nghiệp là khó tìm được địa điểm đầu tư do đất trong khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM không còn nhiều, ông Hoan cho biết TPHCM đang chuẩn bị hơn 300 héc ta đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ trợ ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, hình thành những doanh nghiệp thiết kế, sản xuất để cung cấp sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cho công nghiệp hỗ trợ.

Theo các doanh nghiệp, nếu hình thành được khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao như vậy và tập hợp được các doanh nghiệp công nghệ cao vào thì sẽ tạo nên hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở phát triển ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh, giúp kinh tế thành phố phát triển.

Về điều này, các chuyên gia cho rằng cần có sự xem xét, điều chỉnh quy định về doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nếu tiêu chuẩn quá khắt khe thì khả năng cao là doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực đáp ứng.

Về chính sách, Huba cho rằng nên bổ sung ưu đãi cho doanh nghiệp ứng dụng toàn phần hoặc từng phần công nghệ cao (trang thiết bị công nghệ cao, nguyên vật liệu là sản phẩm công nghệ cao, giải pháp công nghệ cao…) trong sản xuất các sản phẩm thông thường.

Quốc Hùng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tphcm-quyet-tam-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro/