TPHCM: Rà soát hơn 4.600 nhà thuốc, phát hiện sữa giả trước khi tiêu thụ
TPHCM rà soát tình hình kinh doanh sữa tại hơn 4.600 nhà thuốc, phát hiện một đơn vị tại quận Bình Thạnh có sữa giả nhưng chưa kịp tiêu thụ.

Sữa giả mà cơ sở tại quận Bình Thạnh (TPHCM) kinh doanh là Bold Milk cơ xương khớp Clostrum.
Ngày 6/5, thông tin từ Sở Y tế TPHCM, đơn vị có văn bản gửi UBND TPHCM về việc rà soát tình hình kinh doanh sữa giả tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở buôn, bán lẻ thuốc.
Theo đó, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh qua kiểm tra từ các đơn vị, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố không kinh doanh và sử dụng sữa giả trong khuôn viên cơ sở.
Các phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện kiểm tra, khảo sát 4.641 nhà thuốc trên địa bàn (chiếm khoảng 60% tổng số nhà thuốc đang hoạt động). Bước đầu ghi nhận có 21/22 quận, huyện, TP Thủ Đức chưa phát hiện cơ sở kinh doanh sữa giả.
Riêng Phòng Y tế quận Bình Thạnh phát hiện một cơ sở kinh doanh sữa giả là nhà thuốc M.A.6 có địa chỉ tại Phường 3 (quận Bình Thạnh, TPHCM).
Sữa giả mà cơ sở này kinh doanh là Bold Milk cơ xương khớp Clostrum, số lượng 6 hộp mua từ Công ty TNHH We United. Tuy nhiên, cơ sở này chưa bán và công ty đã thu hồi.
Trước tình hình đó, Sở Y tế tiếp tục ghi nhận và báo cáo về UBND TPHCM nếu phát hiện việc kinh doanh sữa giả tại các cơ quan quản lý. Đồng thời, UBND TPHCM có văn bản gửi các đơn vị về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả.
UBND TPHCM vừa chỉ đạo Sở Công Thương tăng cường phối hợp với các cơ quan và lực lượng chức năng liên quan để đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất – kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là nhóm mặt hàng dược phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn thành phố.
Sở Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan chức năng và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức trong việc tăng cường công tác quản lý thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, thành phố yêu cầu thường xuyên rà soát hoạt động kinh doanh dược phẩm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; phối hợp chặt chẽ để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Sở Y tế TPHCM phải tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về dược tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm. Quản lý chặt chẽ các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc, chỉ mua bán thuốc có giấy đăng ký lưu hành, hóa đơn chứng từ đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.