TPHCM siết chống dịch theo tinh thần mới
Chính quyền, Công an, Quân đội cùng các lực lượng tình nguyện viên khắp cả nước tiếp tục hướng về TPHCM nhằm hỗ trợ tối đa giúp thành phố thực hiện nghiêm và có hiệu quả giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, để người dân yên tâm 'ai ở đâu thì ở đó'.
Từ 0h ngày 23/8 đến 6/9, TPHCM siết chặt kiểm soát việc tham gia giao thông, chỉ những người thuộc diện ưu tiên, thực hiện công vụ mới được ra đường nhưng buộc phải có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định. Đồng thời, ngành Y tế tăng cường tối đa nguồn lực để thực hiện xét nghiệm tầm soát COVID-19 cho toàn bộ người dân ở “vùng đỏ” (vùng có nguy cơ rất cao), hơn 400 trạm y tế lưu động được thành lập để cấp cứu, chăm sóc sức khỏe người dân, theo dõi điều trị F0 tại nhà.
Để thực hiện các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM đã kêu gọi sự chung tay, góp sức của các lực lượng Y tế, Công an, Quân đội trong cả nước tăng cường hỗ trợ. Đáp lại lời kêu gọi, hàng chục nghìn nhân viên y tế, quân nhân, công an từ khắp cả nước đã đến TPHCM để tăng cường, hỗ trợ chống dịch.
Hai ngày qua, hàng trăm quân nhân, học viên Học viện Quân y đã có mặt TPHCM để nhận nhiệm vụ tăng cường hỗ trợ chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), từ ngày 21 đến 23/8, có khoảng 1.000 cán bộ, học viên Quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào TPHCM để phục vụ công tác phòng, chống dịch theo đường hàng không.
Lực lượng tăng cường của Cục Quân y sẽ chia thành các tổ quân y lưu động, với nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, triển khai thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc- xin, quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường. Đồng thời, quản lý, chăm sóc các trường hợp F0, cách ly, điều trị tại gia đình và phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu.
“Lần này lực lượng Quân y của Học viện Quân y sẽ vào các đợt để triển khai tại 400 trạm y tế lưu động tại TP Thủ Đức và 22 quận, huyện thuộc TPHCM để điều trị các trường hợp F0 tại nhà. Những việc này để giảm tải cho các bệnh viện dã chiến từ tầng 2 trở lên và cũng phát hiện sớm được những trường hợp F0 tại nhà, giảm thiểu tỉ lệ bệnh nhân tăng nặng và giảm thiểu ca tử vong”, đại tá Nguyễn Vân Giang thông tin.
“Hôm nay ở quê gửi vào một thùng thịt, cá, rau củ đủ để gia đình sử dụng trong vòng hai tuần, kèm theo sự hỗ trợ từ Công an, Quân đội, gia đình tôi sẽ chấp hành nghiêm việc ở trong nhà để phòng dịch”, anh Nguyễn Văn Luân (ngụ phường An Phú Ðông, quận 12) nói. Cũng như anh Ðông, chị Lê Thị Diệu (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, hai tuần tới gia đình chị chỉ ở nhà. “Nhất quyết không ra đường nữa. Khi nào hết chỗ thực phẩm này, tôi sẽ nhờ chính quyền địa phương ‘đi chợ hộ’ để mua thêm ít rau củ, thịt cá và gạo”, chị Diệu cho hay.
Trong ngày 22/8, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết”, Sư đoàn 5, Quân khu 7 đã tổ chức lễ xuất quân, cử gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ TPHCM chống dịch.
Cùng với lực lượng Quân đội, Bộ Công an cũng đã tăng cường hàng trăm cán bộ, chiến sĩ từ các địa phương đến hỗ trợ TPHCM trong việc đảm bảo an ninh trật tự, kiểm soát người dân lưu thông trên các tuyến đường. Trong đêm 21/8, hơn 300 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên đã hành quân đến TP.HCM để nhận nhiệm vụ. Ngay sau khi tập kết tại Nhà thiếu nhi TP Thủ Đức, lực lượng Cảnh sát cơ động đã ổn định đội hình để tiến hành xét nghiệm nhanh COVID-19 trước khi thực hiện nhiệm vụ.
Sau đó, tiểu đoàn 3 của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên đã di chuyển đến các chốt kiểm soát trên địa bàn TPHCM để nhận nhiệm vụ. Tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 tranh thủ sắp xếp chỗ ăn, nghỉ dã chiến trước khi tăng cường xuống các phường, xã để áp dụng biện pháp mạnh “ai ở đâu thì ở đó”, quản lý giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt; bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở cho người dân. “Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên sẽ hỗ trợ 12 chốt kiểm soát COVID-19 cửa ngõ TPHCM, mỗi chốt 24 cán bộ, chiến sĩ chia thành 3 ca (mỗi ca 8 người). Các tổ công tác này có nhiệm vụ tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự tại khu vực các chốt trạm, đồng thời làm tốt công tác ngăn chặn không cho người dân từ các nơi qua lại khu vực TPHCM để đảm bảo làm tốt công tác phòng dịch”, thượng tá Nguyễn Văn Bốn, Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Tây Nguyên chia sẻ.
Đại tá Phạm Đức Châu Trần, Chỉ huy trưởng, Ban chỉ huy Quân sự TP Thủ Đức, TPHCM cho biết, theo chỉ đạo từ Bộ Tư lệnh TPHCM, từ ngày 23/8, lực lượng thuộc Ban chỉ huy Quân sự TP Thủ Đức sẽ tham gia vào việc đảm bảo an ninh trật tự tại các chốt kiểm soát của địa phương, đồng thời, tham gia phát loa tuyên truyền, cung cấp nhu yếu phẩm “đi chợ giúp dân” để người dân yên tâm ở tại nhà.
Ðến từng nhà dân để tiêm vắc-xin
Hôm qua 22/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn việc triển khai tiêm vắc- xin từ ngày 23/8 đến ngày 6/9. Theo đó, việc tiêm vắc -xin COVID-19 tại các “vùng đỏ” và “vùng cam” gồm TP.Thủ Ðức và các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn sẽ được tổ chức theo hướng đưa đội tiêm vắc-xin di động đến tận nhà dân để tiêm. Ngoài ra, sẽ tổ chức đội tiêm ở địa điểm phù hợp, bên trong hoặc sát khu phong tỏa để thuận tiện cho bà con đến tiêm chủng. Theo Sở Y tế TPHCM, tại các khu chung cư, lực lượng y tế sẽ phối hợp với ban quản lý chung cư tổ chức điểm tiêm, mời tuần tự các hộ cùng tầng ra tiêm, có thể tổ chức vào buổi tối. Các đội tiêm và phục vụ tiêm được trang bị đầy đủ thiết bị, quần áo bảo hộ. Ðến ngày 22/8, toàn thành phố đã tiêm được gần 5,3 triệu người.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tphcm-siet-chong-dich-theo-tinh-than-moi-post1368540.tpo