TPHCM: Tăng cường các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học
Sở GD-ĐT TPHCM và Ban quản lý an toàn thực phẩm TP vừa ký kết Kế hoạch liên tịch về bảo đảm an toản thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2022.
Theo đó, nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học, góp phần đảm bảo sức khỏe cho học sinh, Sở GD-ĐT TP yêu cầu 100% các bếp ăn tập thể, căn tin trong trường học thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định.
Ngoài ra, 100% bếp ăn tập thể thuê nấu, căn tin trong trường học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm. 100% bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, vận hành hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm theo 3 cấp trong khối giáo dục.
Đặc biệt, sở này cũng quy định 100% cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm tại các trường, phòng GD-ĐT trên địa bàn TP được tập huấn triển khai hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm; 100% người quản lý, nhân viên trực tiếp chế biến thức ăn được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, không bị mắc các bệnh lý liên quan (tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp) khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Mỗi đơn vị trường học tổ chức một cuộc diễn tập điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm quy mô lớn trong trường học.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP yêu cầu tất cả đơn vị trường học tổ chức bếp ăn nội trú, bán trú, căn tin phải đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh (đối với các trường học không có bếp ăn nội trú, bán trú) bắt buộc phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Các nhà trường kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh căn tin trong trường học bảo đảm an toàn theo quy định, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm..., đồng thời có nguồn gốc, xuất xử rõ ràng thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm.
Trường học tiếp tục mở rộng triển khai thực hiện việc sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, đảm bảo kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm sử dụng tại các bếp ăn, căn tin. Cụ thể, nguồn thực phẩm được chế biến trong trường học phải đạt một trong các chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO22000, "Chuỗi thực phẩm an toàn", Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc các chứng nhận quốc tế khác về an toàn thực phẩm.
Riêng đối với Chương trình "Sữa học đường" cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TPHCM lưu ý vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện nay, ngành GD-ĐT TP đang triển khai hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học, duy trì chế độ báo cáo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, hàng năm và báo cáo đột xuất tình hình vận hành theo 3 cấp gồm cấp trường, cấp Phòng GD-ĐT và cấp Sở GD-ĐT.
Ngoài ra, các trường cũng tăng cường truyền thông đến phụ huynh, học sinh không mua quà vặt, ăn uống trước cổng trường nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.