TPHCM: Tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu tôm hùm đất
Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm (Cục Hải quan TPHCM) cho biết, ngày 11/7, đơn vị đã có Văn bản số 852/CBLXL-CBL gửi các đơn vị trực thuộc về việc tăng cường kiểm soát tôm hùm đất (crawfish).
Theo đó, yêu cầu Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn KV1, KV3, KV4, Hiệp Phước, Đội Kiểm soát Hải quan tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất. Đồng thời, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này vào Việt Nam.
Được biết, tôm hùm đất là loại thủy sản bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam từ hơn 10 năm nay. Thế nhưng từ tháng 5/2024 trở lại đây, trên thị trường, hoạt động kinh doanh, buôn bán loài tôm này diễn ra khá sôi động và công khai, từ loại còn sống đến loại đã được chế biến. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, để được nhập khẩu tôm hùm đất sống, người nhập khẩu phải được Tổng cục Thủy sản cấp phép nhập khẩu theo quy định. Đến thời điểm hiện nay, Cục Thú y chưa hướng dẫn bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kiểm dịch nhập khẩu tôm hùm đất sống.
Theo khảo sát trên các chợ hải sản online cho thấy, tôm hùm đất sống nhập từ Trung Quốc được rao giá bán lẻ từ 360.000 - 370.000 đồng/kg, giảm 30 - 40% so với cùng kỳ 2023. Dù vậy, giá loại này đang đắt hơn tôm sú, càng và tôm bạc của Việt Nam và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Những năm trước, khi loại tôm này ồ ạt vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành và cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, truy quét. Bởi tôm hùm đất là nhóm sinh vật ngoại lai, phá hoại mùa màng, thường đào hang, làm hỏng đê điều. Vì là giống ăn tạp, chúng có khả năng thích nghi tốt với môi trường, dẫn tới có thể phát tán mầm dịch bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm cũng như một số loài ký sinh trùng. Từ năm 2013, loài tôm này được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu và phát triển.
Trước đó, ngày 19/6, Tổng cục Hải quan đã ban hành Văn bản số 2842/TCHQ-GSQL yêu cầu các đơn vị Hải quan tăng cường kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng tôm hùm đất vào Việt Nam. Cụ thể, căn cứ khoản 7 Điều 7 và Điều 50 Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 quy định những hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó bao gồm hành vi nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại (bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại).
Căn cứ Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Thủy sản thì tôm hùm đất không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; căn cứ Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tôm hùm đất thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Để kịp thời ngăn chặn và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng tôm hùm đất bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát Hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này vào Việt Nam.
Còn về mặt hàng tôm hùm đất đông lạnh, theo quy định sản phẩm thủy sản đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam làm thực phẩm phải bảo đảm điều kiện có nguồn gốc từ các cơ sở có trong Danh mục cơ sở sản xuất được phép xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thủy sản vào Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ; đồng thời phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho lô hàng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tôm hùm đất là loài thủy sinh không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại. Do đó, việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản. Để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.