TPHCM: Tập trung giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Sáng 9-10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức Tọa đàm 'Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập tại TPHCM'.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu đề dẫn tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM Nguyễn Huy Cận cho biết thời gian qua, hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập có sự đồng thuận và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp và lan tỏa rộng khắp trong xã hội, góp phần thiết thực thực hiện thành công mục tiêu khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thành phố học tập.

Trong bối cảnh TPHCM vừa được công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, tọa đàm nhằm cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những cách làm hiệu quả, phù hợp nhằm tiếp tục đề ra các giải pháp đẩy mạnh việc triển khai thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Trong đó, việc thảo luận tập trung trao đổi các giải pháp về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng và phát triển tổ chức hội khuyến học các cấp, phát huy vai trò nòng cốt của hội khuyến học cũng như vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, xây dựng xã hội học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030.

Ở cấp độ địa phương, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Khuyến học quận 4 đánh giá, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập không chỉ có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp giáo dục mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội.

Hội Khuyến học quận 4 đã tham mưu Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 4 phối hợp với Phòng GD-ĐT quán triệt việc triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”, đẩy mạnh các mô hình “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Dòng họ học tập”, “Gia đình học tập”…

Nhờ sự chủ động, linh hoạt trong việc triển khai các hoạt động, đến nay quận 4 có 100% Đảng bộ, chi bộ cơ sở có tổ chức hội; 100% phường có Hội Khuyến học; 100% trường học, cơ quan, đơn vị, khu phố có chi hội khuyến học với 35.947 hội viên, đạt tỷ lệ hơn 18% tổng số dân tham gia phong trào thi đua xây dựng xã hội học tập.

Tại huyện Củ Chi, bà Lê Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Củ Chi, thông tin, nhờ đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, thời gian qua, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục các bậc học trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực.

"Trong những năm qua, câu lạc bộ khuyến tài của huyện nói chung, các xã nói riêng có nội dung hoạt động ngày càng phong phú với nhiều chủ đề sáng tạo, ý nghĩa. Huyện Củ Chi đang xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Cha mẹ tinh thần” nhằm chăm lo, động viên học sinh nghèo, cơ nhỡ, mồ côi để các em có thêm niềm tin, động lực tiếp tục đến trường, qua đó đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, mở rộng các hình thức gây quỹ khuyến học, khuyến tài”, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Củ Chi chia sẻ.

Ghi nhận những cách làm hay của các địa phương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

 Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Trong đó, việc TPHCM được công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vừa là vinh dự vừa là bước ngoặt đặt ra nhiều thách thức mới.

Do đó, công tác khuyến học, khuyến tài cần thực hiện sâu hơn, rộng hơn và cao hơn. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị.

“Để công tác khuyến học, khuyến tài phát huy hiệu quả nhiều hơn nữa, tôi cho rằng cần phát huy vai trò chỉ đạo của các cấp ủy đảng. Trong đó, cần tập trung vào một số yêu cầu mũi nhọn như quan tâm hơn về chế độ, chính sách, công tác nhân sự ở các địa phương; tập trung các giải pháp chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu học tập của tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi. Ngoài ra, công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trên cơ sở các mô hình học tập đang triển khai, các địa phương, đơn vị tiếp tục đổi mới cách thức thực hiện để ngày càng thu hút sự tham gia của mọi người dân", Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM bày tỏ.

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-tap-trung-giai-phap-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-khuyen-hoc-khuyen-tai-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-post762794.html