TPHCM: Tập trung giải pháp xử lý dứt điểm các 'điểm đen' tai nạn, ùn tắc giao thông
Ngày 15/9, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên giải trình 'Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn TPHCM'. Bà Nguyễn Thị Lệ-Chủ tịch HĐND TPHCM và ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch HĐND TP, chủ trì phiên giải trình. Đến dự có Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường.
Kéo giảm tai nạn giao thông hơn 10%
Báo cáo tại phiên giải trình, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Thành Lợi cho biết thời gian qua, công tác triển khai thực hiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông được quan tâm với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ, qua đó đã góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; góp phần tích cực trong công tác kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm hơn 10% trên cả 3 mặt so với cùng kỳ năm 2022.
Về xử lý điểm đen TNGT, đầu năm 2022, trên địa bàn TP còn 4 điểm đen. Trong năm 2022, xóa được 2 điểm đen, phát sinh mới 7 điểm đen. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn TP có 9 điểm đen. Ban An toàn giao thông TP phối hợp Công an TP, Sở Giao thông vận tải, các sở, ban ngành, các quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai thực hiện các giải pháp xóa các điểm đen tai nạn giao thông; tổng hợp tình hình tổ chức giao thông, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP và phối hợp với các đơn vị liên quan xác định điểm đen và nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông để tổ chức kiểm tra khảo sát và đề xuất các giải pháp thực hiện nhằm khắc phục những bất hợp lý trong công tác tổ chức giao thông, góp phần phòng chống và kéo giảm tai nạn giao thông.
Xử lý người đứng đầu để lấn chiếm lòng lề đường dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông
Tại phiên giải trình, đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc- Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho rằng việc rào chắn vỉa hè được cho là 1 trong những giải pháp để ngăn các trường hợp chạy xe trên lề đường. Tuy nhiên, về chức năng của lề đường là chỗ dành cho người đi bộ, do đó, TP cần đưa ra giải pháp để ngăn chặn người vi phạm luật giao thông, không thể đưa ra giải pháp làm hạn chế hay làm mất đi quyền lợi của người không vi phạm, trong đó có những người yếu thế, người đi xe lăn; đồng thời, trong tổ chức quản lý giao thông nói chung, trong đó có lề đường, TP cần quan tâm cải thiện hạ tầng giao thông nhằm xóa bỏ rào cản, để tạo điều kiện thuận lợi cho người yếu thế được tham gia giao thông an toàn.
Đại biểu Lê Minh Đức- Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, nêu lên hạ tầng giao thông TP thời gian qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu phát triển. Nhiều dự án theo quy hoạch được phê duyệt nhiều năm trước nhưng vẫn bị ách tắc, chậm trễ.
Điểm nghẽn lớn nhất là vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng... Hiện nay, TP thực hiện Nghị quyết 98, trong đó có các giải pháp thúc đẩy hạ tầng giao thông TP. UBND TP sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết 98 như thế nào để khai thác tối đa cơ hội, nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông TP trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường giải trình, thời gian qua, dù có chỉ đạo, ra quân nhiều nhưng hiệu quả quản lý về giao thông chưa cao, chưa mang tính bền vững. Bởi việc triển khai quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, nhiều địa phương chưa xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm lòng đường hè phố, có một phần là câu chuyện sinh kế của người dân.
Nêu giải pháp cho thực trạng này, ông Bùi Xuân Cường yêu cầu Ban An toàn giao thông TP đưa ra một số địa bàn để xử lý cho rõ trách nhiệm của người đứng đầu được giao nhiệm vụ để xảy ra vi phạm sử dụng lòng lề đường dẫn đến tai nạn giao thông. Nếu để xảy ra hậu quả thì chỉ xếp loại người đứng đầu tối đa là hoàn thành nhiệm vụ, đối với trường hợp nghiêm trọng thì xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông, ông Bùi Xuân Cường cho biết, TP sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý, xử phạt và điều phối giao thông; xử lý các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông, đặc biệt xử lý nghiêm hành vi không chấp hành tín hiệu, đi xe trên vỉa hè, lấn đường. TP sẽ bố trí đủ lực lượng CSGT điều tiết giao thông vào khung giờ cao điểm tại các giao lộ phức tạp, nhất là 24 điểm ùn tắc giao thông, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái – Phú Hữu. Ngoài giờ cao điểm, có thể huy động thêm thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, lực lượng tình nguyện.
Ưu tiên các công trình giúp kéo giảm ùn tắc, tai nạn
Kết luận tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ ghi nhận và đánh giá cao UBND TP và các sở, ban ngành có liên quan đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong thời gian qua, và đã đạt được những kết quả tích cực. ..
Trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông theo hướng đi vào chiều sâu, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Đồng thời, tập trung rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2030 nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đã đề ra; Đến hết năm 2025, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP ước đạt 2,5km/km2; Rà soát các dự án giao thông trọng điểm, đánh giá tác động, xác định thứ tự ưu tiên để cân đối, bố trí vốn đầu tư hiệu quả; ưu tiên các công trình giao thông mang tính cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP Thủ Đức, các quận, huyện.
Bên cạnh đó, khắc phục các hạn chế trong công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý lòng đường, vỉa hè gắn với triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22-CT/TU của Thành ủy về tiếp tục tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP.
Trong đó, quan tâm nghiên cứu số lượng, chế độ, chính sách đối với lực lượng quản lý trật tự đô thị thuộc UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện để phát huy vai trò của lực lượng này, nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị như Chỉ thị của Thành ủy yêu cầu.
Ngoài ra, cần tập trung các giải pháp để kéo giảm, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các điểm ùn tắc giao thông. Chỉ đạo các sở, ban ngành phối hợp giải quyết dứt điểm 224/451 kiến nghị điều chỉnh khắc phục bất hợp lý về công tác tổ chức giao thông.
Đối với Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP, đã được HĐND TP cho ý kiến tại Nghị quyết số 25/NQ-HĐND, bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu UBND TP cần được sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện trong đó có rà soát các nội dung không còn phù hợp, không khả thi để có điều chỉnh từ đó có giải pháp thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra góp phần trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông như chỉ tiêu về vận tải hành khách công cộng; vấn đề kiểm soát phương tiện cá nhân... và báo cáo kết quả thực hiện cho HĐND TP.