TPHCM - Thành phố hội tụ bản sắc văn hóa truyền thống - Bài 1: Mạch ngầm di sản giữa đời thường
Một buổi sáng thứ hai đầu tuần, trong căn phòng nhỏ ở Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình, khoảng chục thành viên câu lạc bộ (CLB) dân ca Tây Bắc (trực thuộc Hội Di sản văn hóa TPHCM) lại chỉnh từng dây đàn, trau chuốt lời ca và nắn nót mỗi động tác múa sao cho thật ngọt, thật dẻo. Tiếng đàn tính và giọng hát then quyện vào âm thanh phố phường sôi động bên ngoài khung cửa sổ…
LTS: Sài Gòn - Gia Định - TPHCM hơn 300 năm tuổi, mang trong mình bức tranh văn hóa đa sắc màu. Trải qua dòng chảy lịch sử với rất nhiều giai đoạn tiếp biến, thành phố không chỉ là nơi hội tụ mà còn là nơi giao thoa, nơi những giá trị văn hóa đa dạng cùng nhau phát triển, tạo nên một bản sắc độc đáo. Mỗi dòng di sản, như những con sông nhỏ đổ về biển lớn, góp phần bồi đắp nên một nền văn hóa giàu bản sắc, làm nên linh hồn của mảnh đất phương Nam này.
Len vào đời sống
Thành viên CLB Dân ca Tây Bắc đa phần là cán bộ hưu trí, có người đã bước qua tuổi 80 như nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên - người được mệnh danh là cánh chim đầu đàn của CLB. Khi chùm xóc (một nhạc cụ trong hát then) vang lên, người nghệ nhân già so dây, tiếng đàn tính và những lời hát then cất lên như mang cả hơi thở của núi rừng Tây Bắc vào khán phòng nhỏ. Điệu múa nón, múa đàn nhịp nhàng, uyển chuyển theo từng bước chân và những đôi tay dẫu đã không còn mềm mại.
Theo chị Nguyễn Thị Thủy, Chủ nhiệm CLB Dân ca Tây Bắc, CLB chính thức được thành lập cách đây hơn 5 năm nhưng thực tế đã hoạt động từ khoảng hơn 20 năm trước. Hiện CLB đang hoạt động định kỳ vào thứ hai và thứ tư hàng tuần. Ngày đầu năm mới 2025, các thành viên CLB sẽ lên đường tham gia biểu diễn ở Sóc Trăng, Cà Mau, cũng như biểu diễn giao lưu với các hội đồng hương Cao Bằng, Lạng Sơn…
Trong số các loại hình di sản văn hóa từ các vùng miền tụ hội tại TPHCM, dân ca quan họ Bắc Ninh thâm nhập vào đời sống và hoạt động sôi nổi hơn cả. Ngày 1-5-1998, CLB dân ca quan họ đầu tiên trên đất phương Nam này được nghệ sĩ Quý Thăng thành lập, lấy tên Mười Nhớ. 3 năm sau, CLB Dân ca quan họ Trúc Xinh ra đời tại Trung tâm Văn hóa quận Tân Bình, sau đó chuyển lên sinh hoạt tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM vào năm 2003 và hoạt động đến nay.
Nghệ sĩ Ngọc Quang, Chủ nhiệm CLB, cho biết, các thành viên sinh hoạt định kỳ vào sáng thứ bảy hàng tuần, truyền dạy những làn điệu dân ca quan họ lời cổ với lối hát truyền thống đã thu hút đông đảo các thành viên đến học. Khi các liền anh trong tà áo dài khăn đóng, liền chị xúng xính áo tứ thân nón quai thao biểu diễn các làn điệu quen thuộc: Lý cây đa, Tương phùng tương ngộ, Người ở đừng về…, hình ảnh về một miền quê Kinh Bắc sống động như hiện lên trước mắt.
Không thực sự quá phổ biến nhưng loại hình ca trù cũng đã có mặt tại mảnh đất phương Nam này từ khá lâu. Năm 2000, TS Nguyễn Nhã đã thành lập CLB Ca trù Trường Đại học Hùng Vương và sau này là CLB Ca trù và hát thơ Lạc Việt (thời gian gần đây không còn biểu diễn hay sinh hoạt thường xuyên).
Mới đây, Hội Di sản văn hóa TPHCM đã thành lập Chi hội Tinh Văn Diễn Cầm gồm nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó hạt nhân là ca trù do nghệ sĩ Mai Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, Phó Giám đốc Trung tâm Văn học Nghệ thuật TPHCM làm chi hội trưởng.
"Ban đầu, tôi chỉ dự định làm theo sở thích và nguyện vọng của cá nhân nhằm tập hợp những người có nghề và yêu nghề. Tuy nhiên, theo thời gian, mọi người ngày càng biểu diễn tốt hơn, bài bản hơn nên tôi mới đề xuất thành lập một chi hội”, nghệ sĩ Mai Thanh Sơn chia sẻ.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến đờn ca tài tử. Thành phố hiện có khoảng 300 CLB, đội nhóm đờn ca tài tử thuộc các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa các phường, xã và tư nhân đang hoạt động với hơn 1.200 thành viên (gồm nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca).
Tối thứ năm hàng tuần, tại Nhà truyền thống quận Bình Thạnh, buổi sinh hoạt giao lưu diễn ra sôi nổi với sự góp mặt của khá đông hội viên CLB Đờn ca tài tử Gia Định, và các tài tử của một số CLB các quận, huyện khác. Dưới mái hiên nhà truyền thống, một sân khấu dã chiến được dựng, khi tiếng đàn, lời ca cất lên tất cả hòa chung một nhịp.
Nghệ nhân ưu tú Phương Hậu, phụ trách CLB, người có thâm niên theo nghề hơn 30 năm, chia sẻ: “CLB thành lập năm 1998, hiện đang có khoảng 25 người sinh hoạt thường xuyên, nhỏ nhất mới là học sinh cấp 1, lớn nhất thì đã trên 70 tuổi. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng giữ nếp sinh hoạt để có nơi tập luyện, giao lưu, khán giả thích ca tài tử nắm được lịch đến tham gia, giúp các buổi sinh hoạt thêm phong phú”.
Sức sống mới
Đầu tháng 11-2024, tại Đường sách TPHCM, NXB Nghệ An phối hợp nhóm Vinh Xưa, đưa hai tác giả là PGS-TS Phan Đức Dư và nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần từ Nghệ An vào giao lưu với bạn đọc phía Nam qua chương trình Quê ta tỉnh Nghệ - thành Vinh. Tại chương trình, không ít bạn đọc tỏ ra ngạc nhiên lẫn thú vị khi được nghe những làn điệu ví giặm hoặc những bài hát về xứ Nghệ như: Vinh thành phố bình minh, Thương về xứ Nghệ, Giọng Nghệ tìm về… do chính những người con xứ Nghệ đang sinh sống ở TPHCM thể hiện.
Bạn Thùy Nhi (26 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 1, TPHCM), bày tỏ: “Thỉnh thoảng lướt TikTok, tôi có gặp được một số video ngắn các nghệ sĩ hát ví giặm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe trực tiếp như thế này. Những ca từ gần gũi, mộc mạc nhưng không kém phần sâu sắc, cộng thêm cách hát đầy du dương, khiến tôi nghe rất xúc động”.
Chỉ sau 2 năm dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vào ngày 17-9-2016, tại Nhạc viện TPHCM, CLB Ví giặm Nghệ Tĩnh phía Nam chính thức được thành lập, dưới sự “đỡ đầu” của Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TPHCM. Ngay từ khi ra đời, CLB đã tham gia biểu diễn dịp: Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM, các hoạt động văn nghệ nhân các ngày lễ hội lớn ở thành phố…
Từ hiệu ứng của CLB Ví giặm Nghệ Tĩnh phía Nam, hai năm sau, CLB Dân ca Thanh Xuân ở Dĩ An (Bình Dương) cũng được thành lập, chọn dân ca ba miền để sinh hoạt, nhưng lấy ví giặm làm nòng cốt. Đến năm 2022, CLB Ví giặm TP Thủ Đức ra đời; và mới nhất, vào tháng 11-2024, có thêm CLB Dân ca ví giặm Lam Hồng (quận Gò Vấp). Điều này cho thấy, ví giặm đã không còn là “tài sản” riêng của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, mà đã trở thành món ăn tinh thần cho rất nhiều người dân ở các vùng miền.
Trong lễ khai mạc Giải vô địch Teqball thế giới năm 2024 diễn ra tại TPHCM vào cuối năm 2024, tiết mục biểu diễn hát bài chòi của nghệ sĩ Nguyễn Linh Trúc Lai và nghệ sĩ Trung Kiên đã khiến khán giả vô cùng thích thú và tò mò, trong đó có rất nhiều du khách quốc tế. Trước đó, tại lễ hội Tết Việt năm 2024 do Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM tổ chức, hay nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật tại TPHCM, loại hình hát bài chòi cũng tạo được dấu ấn sâu đậm nơi khán giả.
“Các bản bài chòi thường được hát mạnh mẽ, lực, cách hát dứt khoát, mới lạ và khá khác biệt với những làn điệu dân ca khác nên dễ tạo ấn tượng với người xem. Nếu có nhiều sân khấu trình diễn, tôi nghĩ hát bài chòi sẽ trở nên gần gũi, thân quen hơn với khán giả, nhất là khán giả trẻ”, nghệ sĩ Nguyễn Linh Trúc Lai nói.
Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM cho biết: TPHCM là nơi tụ hội cư dân từ khắp nơi. Họ mang theo bên mình các loại hình ca hát đặc trưng của các vùng miền. Đây là nguồn sức sống mãnh liệt, giúp cho các đội, nhóm, CLB có thể tồn tại và phát triển.
Những loại hình di sản này không chỉ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận quần chúng nhân dân ở TPHCM. Quan trọng hơn, nó còn góp phần đưa các di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta ra thế giới một cách dễ dàng hơn. Thông qua những buổi sinh hoạt, biểu diễn có sự góp mặt của nhiều loại hình khác nhau đã góp phần tạo nên tính đa dạng cả về âm điệu, màu sắc, phục trang.