TPHCM thu hút nhiều doanh nghiệp Singapore mở văn phòng đại diện
Trong số gần 1.900 văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn TPHCM thì số lượng văn phòng của thương nhân Singapore chiếm tỷ lệ cao nhất, bỏ xa số văn phòng đại diện của các thương nhân đến từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Thông tin này được ghi nhận tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan quản lý nhà nước do Sở Công Thương TPHCM tổ chức vào ngày 31-3.
Số văn phòng đại diện của thương nhân đến từ Singapore là 371, kế đến là Nhật Bản 260, Hồng Kông là 216…
Đại diện Sở Công Thương và các sở ban ngành giải đáp những thắc mắc của đại diện các văn phòng đại diện nước ngoài
Tại sự kiện, đại diện Sở Công Thương cũng kêu gọi, khuyến khích văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tại TPHCM kết nối với ngành công thương trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, thành phố là nơi tập trung đông nhất văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài, với gần 1.900 văn phòng đang thực hiện chức năng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy cơ hội đầu tư, kinh doanh dịch vụ… của thương nhân đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong số đó, rất nhiều văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài có những đóng góp đáng kể đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội của thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung.
Đáng chú ý, trong 2 năm vừa qua, vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, các văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài vẫn giữ vững nhịp cầu thương mại, đầu tư giữa các thương nhân nước ngoài với các đối tác Việt Nam.
Trong lĩnh vưc xuất khẩu, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các văn phòng đại diện đã góp phần lan tỏa hàng hóa mang thương hiệu, xuất xứ Việt Nam ra thị trường thế giới, góp phần đưa Việt Nam thành một trong số các quốc gia có mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân cao nhất thế giới và khu vực, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2011-2020 là 14,6%/năm và năm 2021 là 19%, ông Tú nói.
Tốp văn phòng đại diện nước ngoài tại TPHCM theo lĩnh vực hoạt động. Nguồn: Sở Công Thương TPHCM
Bên cạnh đó, thông qua giới thiệu, xúc tiến của các văn phòng đại diện, người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận, trải nghiệm hàng hóa chất lượng cao, thiết bị, công nghệ hiện đại, ứng dụng khoa học, phương thức quản lý tiên tiến để nâng cao chất lượng cuộc sống và năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ.
Hầu hết các chương trình, đề án trọng điểm của thành phố và Việt Nam trong lĩnh vưc đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, cầu đường, cảng biển, hàng không, khai thác nhiên liệu, khoáng sản trên đất liền và thềm lục địa đều có sự tham gia của các chuyên gia, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đang đặt văn phòng đại diện tại TPHCM.
Sự kiện thu hút đại diện của hàng trăm văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài về xuất khẩu hàng dệt may, nông-thủy hải sản, thực phẩm, đồ gỗ, giày dép; nhập khẩu thiết bị, máy móc; nguyên vật liêu, hóa chất công nghiệp, dược phẩm, hóa sinh; thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa tổng hợp và dịch vụ logistics, công nghệ thông tin.
Theo ông Tú, Sở Công Thương có kế hoạch tổ chức các buổi gặp gỡ, tham vấn, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác với các nhóm văn phòng đại diện theo từng chủ đề riêng biệt, trong đó ưu tiên thực hiện về các chuyên đề xúc tiến thương mại theo từng nhóm thị trường, nhóm hàng hóa để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, sở cũng tổ chức chuyên đề phát triển tổng thể ngành logistics gắn liền với xây dựng các trung tâm logistics và chuyển đổi số ngành logistics trên địa bàn thành phố. Hay các chuyên đề phát triển thương mại điện tử, trong đó chú trọng mô hình thương mại điện tử B2B và hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; chuyên đề về phát triển kinh tế số…
Lê Hoàng