TPHCM: Thúc đẩy hợp tác đa quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi mong muốn thúc đẩy các sáng kiến đổi mới và hợp tác đa quốc gia, kêu gọi đầu tư tư nhân nhằm từng bước chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và bền vững hơn.
Chiều 24/1, UBND TPHCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới – World Bank tại Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TPHCM. Ông Phan Văn Mãi- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam chủ trì hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết TPHCM được xác định là một trong 10 TP trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn TP hơn 60 triệu tấn CO2.
Trong đó, có 3 nguồn thải chính là từ hoạt động công nghiệp (khoảng gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (khoảng hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. TPHCM đang phải đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.
Cùng với xu hướng chung của Thế giới, TPHCM đã chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, ưu tiên hàng đầu nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
TP đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn và hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.
TP chủ động tham khảo, hợp tác phối hợp trao đổi với các tổ chức quốc tế có kinh nghiệm để học hỏi, rút kinh nghiệm, hướng tới phát triển xanh, bền vững. TP đã hoàn thành xây dựng khung chính sách tăng trưởng xanh TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Qua hội nghị này, TPHCM rất mong muốn được nghe ý kiến, đề xuất và kinh nghiệm của quý vị về các chủ đề chính như đổi mới công nghệ xanh, quản lý nguồn nước và năng lượng, các giải pháp cho sự phát triển đô thị bền vững. Đồng thời, TP mong muốn thúc đẩy các sáng kiến đổi mới và hợp tác đa quốc gia, kêu gọi đầu tư tư nhân nhằm từng bước chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và bền vững hơn” – ông Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn.
Bà Carolyn Turk- Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam, cho rằng thách thức mà World Bank nhìn thấy trong thúc đẩy tăng tưởng xanh ở TPHCM cũng là cơ hội. Cụ thể, các thách thức về kinh tế, môi trường và tài chính đều là thách thức của bất kỳ TP nào ở Châu Á. Về mặt kinh tế, các nhà đầu tư hay các nhà sản xuất tìm kiếm các nơi đặt môi trường sản xuất có kinh tế xanh và phát thải carbon thấp.
Theo bà Carolyn Turk, TPHCM có tham vọng giảm 10% phát thải CO2 và mục tiêu này sẽ thực hiện được. Tất nhiên, để thực hiện được, TP cần chiến lược phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển dịch. TP là trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam nhưng đang gặp thách thức lớn do biến đổi khí hậu.
65% diện tích ở TP có độ cao dưới 1,5 m, tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số làm tăng sức ép lên khu vực xanh. Do ngập lụt hàng năm, nên thiệt hại về kinh tế của Việt Nam có thể lên tới 250 triệu USD mỗi năm. Con số này có thể tăng lên trên 350 - 500 triệu USD mỗi năm nếu biến đổi khí hậu gia tăng.
Riêng tại TPHCM, thiệt hại về kinh tế do biến đổi khí hậu có thể lên đến 50 triệu USD mỗi năm. Trong năm gần nhất con số rủi ro bằng tiền có thể lên tới 84 triệu USD do ngập lụt. Nguy cơ ngập của TP đi theo hướng không thuận lợi và chúng ta cần bảo vệ sự phát triển của TP bằng quản lý ngập tốt.
Theo Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam, TPHCM đang gặp thách thức về tài chính. TP cần tiếp cận tài chính và tài trợ cho chuỗi cung ứng. Động lực từ khu vực tư nhân để xanh hóa chuỗi cung ứng là rất cần thiết. Việc sử dụng cơ chế khuyến khích về thuế để khuyến khích tư nhân áp dụng phương pháp sản xuất xanh đã được sử dụng, song không phải quốc gia nào cũng có thể thực hiện ưu đãi về thuế do giới hạn ngân sách.
"Đây là thách thức và cũng là cơ hội, World Bank mong muốn đồng hành cùng TPHCM đi đến tương lai và hỗ trợ TP trong việc giảm phát thải carbon và phát triển bền vững” – bà Carolyn Turk nhấn mạnh.
Hội nghị đã diễn ra 3 phiên thảo luận về các chủ đề chuyên sâu như: Khuôn khổ phát triển và tài chính nền tảng thúc đẩy tăng trưởng xanh; Định hướng chiến lược cho khung kinh tế xanh TP; Đề xuất các dự án kêu gọi đầu tư phát triển tăng trưởng xanh TP và các báo cáo tham luận mang tính gợi mở vấn đề.
Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp từ trong và ngoài nước cùng với các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, các chuyên gia trong nước và chuyên gia ở các quốc gia.
Điều này đã thể hiện kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đối với TP, trong bối cảnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang là yêu cầu tất yếu của Việt Nam và là xu thế chung mà tất cả mọi quốc gia trên thế giới đều mong muốn đạt tới.
Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo sở, ngành TPHCM đã gặp gỡ các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài. Hoạt động nằm trong khuôn khổ hội nghị kêu gọi đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TPHCM.
Đề cập đến Nghị quyết 98, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết có rất nhiều nội dung có thể thực thi như huy động nguồn tài chính lớn, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ông Phan Văn Mãi mong muốn thông qua Nghị quyết 98 TP huy động nguồn lực để tập trung hình thành Trung tâm tài chính quốc tế. Khi có Trung tâm sẽ thu hút được nhiều nguồn lực hơn nữa đầu tư vào TP. TPHCM xây dựng các đề án đề xuất huy động nguồn lực tài chính lớn để thực hiện các đầu việc lớn; đơn cử như xây dựng hệ thống Metro, TP phải huy động nguồn lực đủ lớn với cách làm phù hợp để hoàn thiện hệ thống này…