TPHCM tiêu hủy hơn 50 tấn nội tạng không rõ nguồn gốc trị giá gần 4,5 tỷ đồng

Sau vụ 'lòng xe điếu', Chi cục Quản lý thị trường TPHCM mới đây đã tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại TP Thủ Đức trị giá gần 4,5 tỷ đồng, xử phạt 315 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ.

Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM chiều 15/5, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết tình hình thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn, kém chất lượng trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp.

Điển hình, sau vụ "lòng xe điếu", Chi cục Quản lý thị trường TPHCM mới đây đã tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại TP Thủ Đức, trị giá gần 4,5 tỷ đồng; xử phạt 315 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ.

Theo ông Huy, những ngày qua, các đội quản lý thị trường đã đồng loạt kiểm tra, tại cả thị trường truyền thống và thương mại điện tử, để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan đến mặt hàng lương thực, thực phẩm, sữa, dược phẩm...

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM tại họp báo. Ảnh: Q.H

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM tại họp báo. Ảnh: Q.H

“Chiều 14/5, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố đã kiểm tra và phát hiện một điểm kinh doanh tại chợ Bình Tây bày bán hàng chục hộp yến sào tinh chế loại 100 gram/hộp, trị giá gần 60 triệu đồng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; một điểm tại Quận 8 đang giới thiệu, bày bán hơn 100 gói bột thực phẩm các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên website thương mại điện tử”, ông Huy nói.

Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố còn phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi; 18.200 chai bia nhập lậu tại Quận 12; hơn 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc đang được kinh doanh trái phép...

Về những hàng hóa vi phạm trong môi trường thương mại điện tử, Chi cục Quản lý thị trường Thành phố đã kiểm tra, xử lý 393 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử từ năm 2024 đến tháng 5/2025.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Lực lượng quản lý thị trường xử lý hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Ảnh: QLTT

Lực lượng quản lý thị trường xử lý hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Ảnh: QLTT

“Chi cục đã tạm giữ 128.999 đơn vị sản phẩm gồm vàng trang sức, quần áo, thực phẩm, mỹ phẩm... với tổng trị giá hơn 8,8 tỷ đồng và đã xử phạt hơn 8 tỷ đồng”, ông Huy nói thêm.

Để kiểm soát thực phẩm từ các địa phương về thành phố, Sở Công Thương TPHCM tới đây sẽ xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác với các sở: Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường của các tỉnh, thành phố có lượng lớn nông sản, thực phẩm cung cấp cho TPHCM để kiểm soát chất lượng hàng hóa ngay tại nguồn sản xuất.

Sở Công Thương TPHCM cũng đẩy mạnh chương trình "Tick xanh trách nhiệm". Mục tiêu dài hạn là tất cả sản phẩm lưu thông trên địa bàn thành phố đều được dán logo này, qua đó người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện và truy xuất thông tin về chất lượng, quy trình sản xuất, chỉ dẫn địa lý của sản phẩm thông qua mã QR.

Đặc biệt, các ban ngành sẽ đẩy mạnh phối hợp kiểm tra tại các cửa ngõ, chợ đầu mối, trong đó có việc kiểm tra các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật, và các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản.

Quốc Hải

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sau-vu-long-xe-dieu-tphcm-thu-giu-hon-50-tan-noi-tang-khong-ro-nguon-goc-2401488.html