TPHCM: Tranh chấp trong đấu thầu quốc tế dự án hơn nửa tỉ đô la
Dự án Vệ sinh Môi trường TPHCM (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) giai đoạn 1 đã hoàn thành đúng mục tiêu của dự án. Dự án này đã xử lý vấn đề ngập úng, chất lượng nước của kênh được cải thiện rõ rệt, không còn mùi hôi thối, không khí trong lành, hai bờ kênh được tạo cảnh quan đẹp đẽ, được trang bị một số thiết bị tập thể dục, có đường đi dạo...
Nhờ thế, cư dân có môi trường thoáng mát để thư giãn và vận động, nhiều người dân cho rằng đây là khu vực đáng sống nhất của TPHCM. Tuy nhiên, gần đây dự án này (giai đoạn 2) lại gây xôn xao trên công luận vì khiếu nại của các bên tham gia dự thầu.
Nguyên nhân khiếu nại
Dự án vệ sinh môi trường TPHCM - giai đoạn 2 được Thủ tướng phê duyệt năm 2003. Năm 2014, UBND TPHCM có quyết định phê duyệt đầu tư với tổng số vốn 524 triệu đô la, trong đó vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) là 450 triệu đô la và vốn đối ứng ngân sách TPHCM 74 triệu đô la. Thời gian thực hiện dự án từ 2015 - 2020.
Ngày 7-3-2019, Ban Quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường TPHCM đã quyết định phê duyệt chọn nhà thầu là Liên danh Acciona (Tây Ban Nha) và Vinci (Pháp) bỏ thầu hơn 240 triệu đô la. Ngày 8-3-2019, hợp đồng nói trên được ký kết.
Tuy nhiên sau đó, UBND TPHCM nhận được nhiều công văn kiến nghị, khiếu nại của các liên danh tham dự đấu thấu là Liên danh Samsung - Kolon - TSK và Liên danh Suez - Posco, công văn của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Bộ Công an và đặc biệt là của Văn phòng Chính phủ về những khiếu nại của các liên danh và đề nghị UBND TPHCM xem xét, giải quyết đúng quy định pháp luật.
Đứng trước thực trạng nói trên, UBND TPHCM vừa có công văn khẩn gửi Thủ tướng về kiến nghị của liên danh Samsung - Kolon -TSK và liên danh Suez - Posco đối với kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL-02 dự án vệ sinh môi trường TPHCM.
Khi cơ quan cho vay vốn (WB) và chủ đầu tư (TPHCM) khẳng định khiếu nại của 2 liên danh nói trên không có cơ sở, thì đáng lẽ phải căn cứ vào luật đấu thầu để giải quyết.
Một khi ba bên: tư vấn, WB và TPHCM đã nhất trí rồi thì 2 liên danh khiếu nại vẫn có thể nhờ Trọng tài hoặc Tòa án Kinh tế phân xử (tùy điều kiện trong hồ sơ mời thầu).
Xử lý phải dựa vào Luật đấu thầu
1. Liên danh Samsung - Kolon -TSK bỏ thầu thấp hơn 14,7 triệu đô la so với Liên danh thắng thầu Acciona - Vinci nhưng vẫn bị loại vì đã vi phạm Luật đấu thầu (điều 6), Nghị định 63/2014 (điều 2) về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu: TSK - thành viên của liên danh dự thầu sở hữu 2,32% cổ phần trong Nippop Koei (đơn vị tư vấn chấm thầu).
Việc loại nhà thầu này là có căn cứ vì đã vi phạm cả quy định đấu thầu của Việt Nam lẫn WB. Dù Công ty tư vấn Nippop Koei đã bị thay thế nhưng liên danh đã không thực hiện quy định của WB về tài liệu đấu thầu: các đơn vị dự thầu có trách nhiệm thông báo về các tình huống xung đột lợi ích. Đã mở thầu rồi thì không thể thay tài liệu đấu thầu được nữa.
TPHCM cần gửi cho Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công an (Cục An ninh kinh tế) tài liệu chứng minh Công ty TSK trong liên danh và công ty tư vấn có quan hệ sở hữu. WB đã phát hiện điều này và thông báo cho TPHCM thì thành phố gửi văn bản này cho các cơ quan trên là đủ.
Theo Luật đấu thầu, điều 90 quy định xử lý vi phạm trong đấu thầu thì có biện pháp cấm tham gia đấu thầu (còn có các biện pháp khác như xử lý hành chính..., tùy theo mức độ vi phạm).
2. Liên danh Suez - Posco bỏ thầu nhiều hơn Liên danh Acciona - Vinci khoảng 10 triệu đô la và nếu tổng điểm không cao nhất thì khó có lý do thắng thầu. Tuy nhiên, họ vẫn có đơn đề nghị xét lại về kỹ thuật.
3. Trong Luật đấu thầu (điều 92), nghị định 63/2014 (điều 120) có quy định quy trình xử lý đơn đề nghị của bên dự thầu về kết quả xét thầu. Theo đó, bên dự thầu gửi kiến nghị cho chủ đầu tư, bên mời thầu. Nếu không trả lời thì có quyền gửi văn bản kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn. Theo quy định hội đồng tư vấn cấp trung ương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập, ở địa phương do Sở Kế hoạch và Đầu tư lập. Hội đồng tư vấn có thể đề nghị người có thẩm quyền xem xét tạm dừng cuộc thầu.
Như vậy vào thời điểm hiện nay, TPHCM cần trả lời cho 2 liên danh về việc không xét lại kết quả đấu thầu, nếu cần, thì giải thích lý do họ không được chọn, nhất là khi WB đã nhất trí (bằng văn bản) với thành phố về việc này.
Nếu 2 liên danh Samsung và Posco không nhất trí thì họ gửi tiếp đơn đến Thủ tướng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thành lập Hội đồng tư vấn để xem xét đề nghị về kết quả đấu thầu của TPHCM vì nếu để Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM lập hội đồng thì không khách quan, vừa “vừa đá bóng vừa thổi còi”!. Do quy định về bên kiến nghị phải nộp kinh phí nên Sở Kế hoạch và Đầu tư không thể tự đứng ra thành lập hội đồng tư vấn. Xin lưu ý, đến thời điểm này thì chưa có căn cứ để dừng cuộc thầu.
Tập đoàn AF Consult Switzerland (Thụy Sỹ) là tư vấn hỗ trợ quản lý dự án để đánh giá độc lập lại quá trình đấu thầu. Công ty này được thuê có lẽ theo quy định của WB. Đối với bên Việt Nam, kết luận của công ty này là để tham khảo, giống như hội đồng tư vấn. Việc chờ kết luận của Công ty AF là thận trọng, nhưng không biết phải chờ bao lâu nữa?
TPHCM và WB có thể thông báo cho công ty thắng thầu về thời gian phải chờ đợi này. Nếu họ không đồng ý chờ thì bắt buộc phải giải ngân theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Nếu sau đó AF cũng như hội đồng tư vấn không phát hiện sai sót gì thì Thủ tướng và WB ra thông báo cho TPHCM và 2 công ty có đơn đề nghị. Nếu AF hay hội đồng tư vấn phát hiện có sai sót thì Thủ tướng sẽ xem xét có nên dừng hay không (phụ thuộc vào sai sót nghiêm trọng đến mức nào).
Nếu phải dừng và tiền đã giải ngân cho Liên danh Acciona - Vinci thì đấy là trường hợp xấu nhất. Bên nào sai thì phải chịu thiệt hại vì đó là luật phải thi hành.
Sao cái gì cũng "lên Thủ tướng"?
Giá cả thấp hay cao trong việc đấu thầu chỉ là một yếu tố trong quyết định trúng thầu. Các yếu tố khác gồm có kinh nghiệm trong ngành nghề, xung đột lợi ích... Để không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án vệ sinh môi trường TPHCM thì cần phải thực hiện theo hợp đồng đã ký đúng Luật đầu tư của Việt Nam và theo đúng phương pháp đấu thầu của WB.
Khi TPHCM trả lời cho 2 liên danh về việc không xét lại kết quả chấm thầu vào thời điểm này thì cũng nên có công văn trả lời cho Bộ Công an và đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng để biết rằng theo Luật đấu thầu thì việc xem xét không thuộc thẩm quyền của TPHCM nữa, mà thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phải nói là bộ phận tham mưu giúp việc của nhiều ngành ở trung ương và các địa phương hiện vẫn còn rất yếu kém về năng lực quản trị và bản lĩnh nên nhiều việc trong tầm tay, cứ đùn đẩy lên Thủ tướng, việc khiếu nại của các nhà thầu lần này cũng là một ví dụ điển hình.
Dự án Vệ sinh Môi trường TPHCM – Giai đoạn 2 với mục tiêu thu gom và xử lý nước thải cho lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè và khu vực quận 2, hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa cho khu vực quận 2. Dự án bao gồm các nội dung chính như sau:
+ Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè để xử lý nước thải từ lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè và nước thải từ quận 2
+ Xây dựng tuyến cống bao để chuyển tải nước thải từ giếng bờ Đông của Sông Sài Gòn thông qua trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè hiện hữu, đến khu vực dự án tại quận 2 nơi nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè được xây dựng.
Tô Văn Trường