TPHCM trước sức ép chuyển đổi ngành công nghiệp để tăng trưởng
Ngành công nghiệp TPHCM đang đứng trước hàng loạt thách thức, cụ thể là tỷ trọng đóng góp trong nền công nghiệp cả nước đang sụt giảm dần, giá trị gia tăng thấp. Để tiếp tục duy trì đà phát triển, ngành kinh tế này sẽ phải thực hiện cuộc chuyển đổi theo hướng tuần hoàn, phát triển xanh và bền vững.
Ngày 26-4, Sở Công thương TPHCM phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050” với sự tham gia của 200 chuyên gia, doanh nghiệp.
Các ý kiến cho rằng trong bối cảnh phát triển công nghiệp hiện nay cần theo xu hướng mới để nâng cao giá trị, sáng tạo và lợi thế địa phương để khai thác tối đa quỹ đất hạn hẹp của TPHCM.
Ngành công nghiệp của thành phố đang lạc hậu
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cho rằng nền kinh tế bền vững dựa trên nền tảng công nghiệp sản xuất. Bởi nền tảng sản xuất mới đáp ứng yêu cầu phục vụ người tiêu dùng, tránh nguy cơ bị phụ thuộc.
TPHCM hướng đến phát triển hiện đại, công nghệ cao nhưng vẫn đặt trọng tâm cho phát triển sản xuất. Tuy vậy, ông Hoan thừa nhận ngành công nghiệp sản xuất của thành phố đang bị lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, tỷ trọng thâm dụng lao động cao, giá trị gia tăng thấp.
Những biểu hiện này không chỉ xuất hiện trong từng cơ sở sản xuất của tư nhân mà còn biểu hiện ở cả những doanh nghiệp lớn đang sản xuất tập trung ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Do vậy, theo người đại diện của chính quyền thành phố là cần thiết phải thay đổi trong tư duy, hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố trong việc chuyển đổi sản xuất công nghiệp.
Là một trung tâm lớn về công nghiệp, TPHCM có vai trò lớn và đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp của cả nước. Mặc dù vậy, tỷ trọng công nghiệp TPHCM trong cơ cấu công nghiệp cả nước có xu hướng giảm dần.
Năm 2010 công nghiệp TPHCM chiếm 15,38% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cả nước, nhưng đến năm 2021 chỉ còn chiếm 8,7%, tức giảm 6,68 điểm phần trăm so với năm 2010.
Theo Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, việc giảm tỷ trọng trong cơ cấu công nghiệp cả nước thời kỳ 2011-2021 gắng liền với tốc độ tăng trưởng công nghiệp thành phố chậm hơn tốc độ tăng trưởng công nghiệp cả nước.
Cụ thể giai đoạn 2011-2015 công nghiệp thành phố tăng trưởng bình quân 5,87%/năm trong khi đó công nghiệp cả nước tăng bình quân 7,39%. Giai đoạn 2016-2021 công nghiệp thành phố tăng trưởng 2,67%/năm, công nghiệp cả nước tăng trưởng 6,8%/năm.
Như vậy cả thời kỳ 2011-2021, công nghiệp thành phố bình quân chỉ tăng 4,11%, trong khi đó cùng thời gian này công nghiệp cả nước tăng bình quân 7,07%/năm. Đặc biệt, năm 2021 công nghiệp thành phố giảm sâu trong khi cả nước tăng trưởng 4,47%/năm.
Những hạn chế về nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn đã ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp thành phố.
Kết quả nghiên cứu của Viện này chỉ ra, TPHCM đứng trước những thách thức lớn về quỹ đất cho phát triển công nghiệp. So với các địa phương khác lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước… hiện không còn nhiều “đất sạch” để cho lĩnh vực này phát triển.
Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch sản xuất ra các tỉnh cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Ứng dụng công nghệ trong sản xuất công nghiệp còn nhiều hạn chế cũng ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp thành phố.
Theo ông Vũ, việc ứng dụng các công nghệ cao vào sản xuất của doanh nghiệp chiếm tỷ trọng khá thấp, thậm chí thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Số lượng doanh nghiệp công nghiệp đa số có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực cạnh tranh hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Các ý kiến còn cho rằng, tái cơ cấu ngành công nghiệp còn chậm. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của công nghiệp công nghệ cao có tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân của cả nước. Riêng 4 ngành công nghiệp trọng yếu chưa tạo ra đột phá trong phát triển công nghiệp thành phố.
Thành phố cũng chưa có lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp nổi trội, mang tính định hướng, dẫn dắt…
Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Linh, Viện Nghiên cứu Chiến lược – Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), cũng nhận diện một số vấn đề trong phát triển công nghiệp TPHCM. Đó là tốc độ tăng trưởng thấp, tỷ trọng công nghiệp giảm; môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh gắn với các chỉ số cải cách hành chính liên tục giảm. Cơ cấu ngành công nghiệp với tỷ trọng công nghiệp công nghệ thấp vẫn ở mức cao; phân bố không gian công nghiệp lạc hậu; liên kết trong phát triển công nghiệp còn mờ nhạt…
Cần hướng đi nâng cao giá trị và sáng tạo
Từ những thách thức trên, các chuyên gia chỉ ra TPHCM cần định hướng lại chính sách phát triển công nghiệp trong tình hình mới.
Theo đại diện của Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, thành phố nên tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế của thành phố vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp.
Nêu các giải pháp, ông Nguyễn Mạnh Linh, cũng cho rằng thành phố cần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế của thành phố.
Ông Linh cũng đề nghị cần thúc đẩy liên kết trong sản xuất công nghiệp, cụ thể là tổ chức các hoạt động kết nối, tăng cường liên kết, giao lưu, trao đổi thông tin giữa Viện, Trường và doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI…
“Về thu hút đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, cả về nhà đầu tư và lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án có giá trị gia tăng và tác động lan tỏa cao”, ông Linh nêu ý kiến.
Tuy nhiên, điều quan trọng theo ông Linh, thành phố cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch. Đẩy mạnh số hóa các thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI).
PGS.TS Lại Quốc Đạt , Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế chung của sản xuất công nghiệp thế giới nhằm bảo toàn nguồn tài nguyên thiên nhiên trái đất. Với điều kiện, vị trí địa lý TPHCM hiện tại, giai đoạn này thành phố nên phát triển các giải pháp công nghệ để chuyển giao cho các địa phương, vùng nguyên liệu,… Còn nhóm công nghiệp chế biến sâu có lợi thế xuất khẩu, thành phố nên đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Ngành cơ khí – tự động hóa, nên tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ như công nghệ khuôn mẫu, công nghệ in 3D, ứng dụng IoT, AI. Theo chuyên gia, phát triển công nghiệp hỗ trợ là bệ đỡ cho ngành cơ khí – tự động hóa. Còn cao su – nhựa, tập trung vào vật tư y tế, vật liệu composite…
Các ý kiến còn cho rằng, việc thúc đẩy phát triển công nghệ hỗ trợ cũng là một trong những lực đẩy quan trọng góp phần tạo ra giá trị gia tăng cho các ngành công nghiệp của thành phố; giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, là nền tảng, là cơ sở để sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty tập đoàn ô tô Trường Hải, đề nghị TPHCM nên tư duy phát triển công nghiệp không chỉ cho bản thân thành phố mà cần cho cả miền Nam và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Tài cho rằng cần hình thành trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp để có thể hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp. Mặt khác, thành phố cũng đừng để địa giới hành chính ràng buộc mình, đồng thời Trung ương sẽ phải vào cuộc để thay đổi, đề ra chiến lược ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.