TPHCM và những chỉ số
Ngày 9-5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. TPHCM giữ thứ hạng PCI (27) trong khi tăng tốc ở PGI, từ thứ hạng 49 lọt vào nhóm 5 tỉnh thành có chỉ số xanh tốt nhất.
Như vậy, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, TPHCM đã có năm 2023 trụ hạng thành công ở PCI, còn lại tất cả đều thăng hạng. Trong đó, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tăng 7 bậc, Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) xếp thứ hạng thứ 2 cả nước (sau Hà Nội), Bộ chỉ số Sipas 2023 (mức độ hài lòng của người dân) và chỉ số thành phần trong PAPI đã cho thấy là địa phương “được người dân lựa chọn nhiều nhất muốn chuyển đến sinh sống” của cả nước...
Có một mẫu số chung trong các bộ chỉ số xếp hạng, đó chính là quyết tâm và hành động của lãnh đạo thành phố trong các quyết sách được thể hiện liên tục, mạnh mẽ. Riêng ở chỉ số xanh, điểm số phản ánh thực tế, nhất là tính thực thi của thành phố khi năm qua đã có sự chuyển động mạnh mẽ từ nhận thức đến cái bắt tay triển khai đồng bộ từ chính sách, tham vấn các nội dung, quy trình thực hiện và nhất là áp lực đã được chuyển thành động lực thị trường ở các doanh nghiệp trong đầu tư, quản trị môi trường, nguyên liệu sản xuất. Trong đó phải kể đến “hàm lượng xanh” được dự phóng và đưa vào trong các quy hoạch tổng thể, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như các quyết sách chuyển đổi - tái cấu trúc lĩnh vực kinh tế chủ lực của thành phố. Từ điểm mấu chốt này đã tác động đến nhận thức và hành động của doanh nghiệp và lựa chọn của người dân.
Hơn nữa, đã nói đến “xanh” không thể không nhắc đến (chuyển đổi) “số”, gần như là 2 ưu thế phản ánh tính linh hoạt trong thích ứng, sức sáng tạo trong phát triển của thành phố. Điều này được lượng hóa trong thang điểm về Quản trị điện tử (ở cả 2 chỉ số PAPI và PII) đều có thứ hạng cao và phản ánh một “triết lý” quản trị rất phù hợp: ứng dụng công nghệ để giảm thiểu sự tham gia trực tiếp của sức người; hạn chế sự “can thiệp”, biến đổi bằng việc nương theo tính tuần hoàn của tự nhiên, bảo vệ - cân bằng môi trường thiên nhiên - xã hội.
Hoặc như trong cả 2 bảng xếp hạng PAPI và Par Index, TPHCM đều ghi nhận điểm tăng ở chỉ số thành phần Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Cải cách chế độ công vụ dựa trên công tác tuyển dụng, bố trí theo vị trí việc làm, bồi dưỡng công chức, viên chức, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ.
Trên bình diện chung của cả nước, ở các chỉ số như Chi phí không chính thức, Thủ tục gia nhập thị trường đều ghi nhận điểm tăng. Điều này khi đặt cạnh các chỉ số khảo sát về mức độ hài lòng, tin cậy của người dân, doanh nghiệp đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và cung ứng dịch vụ hành chính công đều có sức tăng càng lý giải tính đúng đắn và hiệu quả của công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tất nhiên, dù đã có sự cải thiện về thứ hạng nhưng cơ bản thành phố vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó có một “chỉ số” rất quan trọng là dù người dân thành phố đánh giá tình hình kinh tế hiện tại đang ở mức tốt và rất tốt nhưng đã có sự sụt giảm hơn so với 5 năm trước. Cải thiện “chỉ số” này không chỉ là mục tiêu mang tính cải cách, cạnh tranh mà mọi tiêu chí cạnh tranh, cải cách đều để đạt cho bằng được mục đích vì mức kinh tế - chất lượng sống cao nhất, tốt nhất của người dân.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-va-nhung-chi-so-post739302.html