TPHCM với 'năng lượng' tăng trưởng mới từ doanh nghiệp SME

Hai thập kỷ sau đổi mới, lực đẩy cho kinh tế của TPHCM không chỉ đến từ các tập đoàn, xí nghiệp lớn mà đã xuất hiện thêm một nguồn năng lượng mới từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Đến nay, kinh tế TPHCM đang cảm nhận rõ sự cộng hưởng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, SME để hướng đến một kỷ nguyên tăng trưởng thần kỳ tiếp theo.

Kinh tế TPHCM đang cảm nhận rõ được sự cộng hưởng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp SME để hướng đến một kỷ nguyên tăng trưởng thần kỳ tiếp theo - Ảnh: Lê Vũ

Kinh tế TPHCM đang cảm nhận rõ được sự cộng hưởng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp SME để hướng đến một kỷ nguyên tăng trưởng thần kỳ tiếp theo - Ảnh: Lê Vũ

Đi lên trong sự linh hoạt

Theo sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2024, TPHCM tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm kinh doanh hàng đầu Việt Nam với số lượng doanh nghiệp hoạt động là 273.071, chiếm 29,6% tổng số doanh nghiệp cả nước lớn hơn so với nhiều thành phố và địa phương lớn khác. Trong đó, Hà Nội có 192.197 doanh nghiệp, chiếm 20,9%, Bình Dương có 43.274 doanh nghiệp, chiếm 4,79%, Đồng Nai có 26.647 doanh nghiệp, chiếm 2,9%, Đà Nẵng có 25.797 doanh nghiệp, chiếm 2,8% và Hải Phòng có 21.037 doanh nghiệp, chiếm 2,3%.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai, các SME chiếm phần lớn trên 98% trong tổng số doanh nghiệp hoạt động tại TPHCM. Trong các năm 2023 và 2024, nhóm này chiếm khoảng 75-78% tổng vốn đầu tư xã hội toàn thành phố. Lực lượng doanh nghiệp với đa phần là SME hùng hậu này tạo ra phần lớn việc làm chiếm khoảng 60% lực lượng lao động, theo báo cáo của UBND TPHCM. Điều này giúp tăng thu nhập cho người lao động hậu Covid 19 đồng thời đóng góp vào việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và TPHCM trong năm 2024.

Có thể thấy, hầu hết mức bình quân đầu người về các chỉ tiêu này tại TPHCM cũng cao hơn đáng kể so với bình quân chung của cả nước, cho thấy hiệu quả hoạt động kinh doanh vượt trội của các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM.

Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ trọng đóng góp của SME vào GRDP của TPHCM có sự biến động qua các năm, với mức đóng góp bình quân là 20,40%. Đến giai đoạn trước khi bị tác động của Covid-19, từ năm 2016 - 2019, đóng góp của SME vào GRDP của TPHCM có xu hướng tăng trưởng ổn định và liên tục qua từng năm, đạt 26,86% vào năm 2019. Tuy nhiên, với ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 và các khó khăn của nền kinh tế hậu Covid, đóng góp của khu vực SME giảm xuống trung bình khoảng 25% trong những năm gần đây.

Bên cạnh sự hiện diện và đóng góp của các doanh nghiệp lớn và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các SME cũng tạo nên sự đa dạng và linh hoạt cho nền kinh tế TPHCM trong những giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua.

Doanh nghiệp SME không chỉ tạo ra nhiều việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước mà còn là lực lượng tiên phong trong việc đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới. Nhiều mô hình phát triển kinh tế mới gắn với các SME được cả nước áp dụng được bắt nguồn từ TPHCM.

Theo báo cáo của Sở kế hoạch và đầu tư TPHCM (nay là Sở tài chính TPHCM), tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số của thành phố đạt 12,88% (33.453 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin); tỷ lệ doanh nghiệp nền tảng số là 11,63% (30.190 doanh nghiệp nền tảng số trên địa bàn thành phố) và tỷ lệ SME sử dụng nền tảng số đạt 71,18%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử 95,21%...

Như vậy, trong giai đoạn phục hồi kinh tế vừa qua, nhóm SME với tính linh hoạt cao và có khả năng thích ứng với các thay đổi của thị trường đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế số, nền tảng dịch vụ số tốt hơn so với các doanh nghiệp lớn. Với số lượng lớn, SME có sự đóng góp đáng kể vào GDP và có vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Tính linh hoạt và khả năng tạo ra sự cạnh tranh, các SME không chỉ là nền tảng vững chắc mà còn là nguồn năng lượng dồi dào cho sự phát triển kinh tế năng động và bền vững của TPHCM.

Để SME lớn dần trong kỷ nguyên mới

Tuy nhiên, một thực tế cần thừa nhận là, sau Covid-19, các doanh nghiệp lớn của TPHCM đang mất dần vị thế dẫn đầu trên cả nước. Năm 2022, chỉ có một doanh nghiệp của TPHCM nằm trong tốp 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất. Thậm chí, không có doanh nghiệp nào của thành phố lọt vào tốp 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo VNR500. So với năm 2010, số lượng doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của TPHCM cũng giảm từ năm xuống còn ba vào năm 2022.

Tương tự, mặc dù dịch vụ là thế mạnh của TPHCM nói chung và các SME của thành phố nói riêng nhưng tốc độ tăng trưởng chậm hơn bình quân cả nước giai đoạn 2010-2024 đã khiến tỷ trọng mảng này trong cơ cấu kinh tế thành phố giảm dần. Theo khảo sát, khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ là thị trường tiêu thụ giảm sút, tình trạng nợ đọng gia tăng. Điều này cũng đặt ra thách thức cho các SME hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ giá trị gia tăng cao và những lĩnh vực dịch vụ mới nổi như kinh doanh trên nền tảng số và thương mại điện tử.

Trong nhiều năm vừa qua, các SME cũng thường đóng vai trò là nhà cung cấp đầu vào, đối tác phân phối hoặc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong các khu công nghiệp trọng điểm. Mối liên kết này tạo ra chuỗi giá trị, tăng cường hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh cho cả hệ thống kinh tế của TPHCM và vùng kinh tế Đông Nam bộ.

Tuy nhiên, sau Covid-19 và với sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, quá trình liên kết sâu hơn giữa các SME vào hệ thống chuỗi giá trị này cũng chưa được phát triển như kỳ vọng. Do vậy, mức độ đóng góp giá trị gia tăng và giá trị nội địa vào xuất khẩu, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo vẫn chưa cao.

Trong kỷ nguyên tăng trưởng mới, động lực phát triển của SME sẽ được thúc đẩy cùng với chiến lược phát triển doanh nghiệp và doanh nhân nói chung.

Với tinh thần cải cách tinh gọn và sáp nhập các địa phương, cùng các cơ chế và chính sách đặc thù và đột phá, trong thời gian tới, TPHCM sẽ mở rộng quy mô địa giới và tiếp tục phát triển các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp. Việc cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối chiến lược và một môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh được nâng cấp, sẽ là cơ hội cho sự phát triển và lớn mạnh của nhóm SME.

Các SME của TPHCM cũng được kỳ vọng từng bước phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tham gia vào các công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, góp phần tái định vị nền kinh tế đất nước trong một một thế giới đầy biến động hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/tphcm-voi-nang-luong-tang-truong-moi-tu-doanh-nghiep-sme/