TPHCM xây dựng 'Công sở thông minh'
Sở Nội vụ TPHCM đang xây dựng đề án 'Công sở thông minh' – một mô hình công sở ứng dụng nền tảng số, cho phép làm việc không phụ thuộc vào không gian công sở truyền thống.

Quang cảnh hội thảo
Thông tin đáng chú ý trên được ông Nguyễn Sỹ Long, Phó trưởng Phòng công chức, viên chức, Sở Nội vụ TPHCM cho biết tại hội thảo "Đánh giá thực trạng tổ chức và phương thức vận hành của chính quyền TPHCM", do Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức vào ngày 26-4.
Theo ông Nguyễn Sỹ Long, TPHCM trong quá trình hiện đại hóa quản lý hành chính, nhất là khi Thành phố đang và sẽ quản lý một địa bàn rộng lớn với yêu cầu phát triển như một siêu đô thị. Trong bối cảnh ấy, mô hình vận hành truyền thống không còn phù hợp, đòi hỏi phải chuyển đổi sang nền hành chính thông minh. Sở Nội vụ đang xây dựng đề án "Công sở thông minh" – một mô hình công sở ứng dụng nền tảng số, cho phép công chức được làm việc ngoài môi trường công sở truyền thống.
Quá trình thí điểm mô hình này tại Sở Nội vụ, nhiều thay đổi tích cực, năng suất lao động tại Sở Nội vụ tăng cao. Sở cũng đã tham mưu cho TPHCM kiến nghị với Trung ương cho tiếp tục áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 để Thành phố có những chính sách thúc đẩy hiện đại hóa công vụ .

Ông Nguyễn Sỹ Long phát biểu tại hội thảo
Ông Ngô Sỹ Long cho biết thêm, TPHCM đang tập trung vào giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Song, thách thức về “chảy máu chất xám” vẫn còn lớn, đòi hỏi Thành phố tiếp tục hoàn thiện cơ chế thăng tiến, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc và cơ hội phát triển để cạnh tranh với các địa phương và khu vực tư.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM phát biểu tại hội thảo
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, thời điểm UBND TPHCM đặt hàng nghiên cứu đề tài "mô hình tổ chức và vận hành chính quyền TPHCM" là lúc TP đang triển khai mô hình chính quyền đô thị. Đến nay, Trung ương đã có kết luận về việc sáp nhập và tổ chức bộ máy tại địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm đề xuất, Trường Đại học Kinh tế - Luật và các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu các vấn đề về tổ chức bộ máy, nhất là cấp xã theo hướng mô hình tự chủ toàn diện, có đủ năng lực xử lý tất cả các vấn đề tại địa bàn mình quản lý; bám sát các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, nhằm đề xuất khung pháp lý, tiêu chuẩn năng lực cán bộ... phù hợp và khả thi.
PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết, Hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng và phương thức vận hành của chính quyền TPHCM” nhằm trao đổi, thảo luận về thực trạng tổ chức và phương thức vận hành của chính quyền TPHCM trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện và sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện tổ chức bộ máy và phương thức vận hành của chính quyền TPHCM trong thời gian tới
PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật phát biểu tại hội thảo
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tphcm-xay-dung-cong-so-thong-minh-post792656.html