'Không thể gửi hồ sơ giấy' trong mô hình cấp xã mới sau khi sáp nhập
Theo các chuyên gia, phải ứng dụng số để tối ưu hóa quy trình làm việc tại cấp xã mới sau khi sắp xếp đơn vị hành chính nhằm giảm bớt giấy tờ và chi phí vận hành.
Ngày 26-4, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng tổ chức và phương thức vận hành của chính quyền TP.HCM”
Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp TP với chủ đề “Bộ máy chính quyền đô thị và phương thức vận hành theo các đặc trưng của TP.HCM” do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hòa, Trưởng Bộ môn Quản lý công là chủ nhiệm cùng nhóm giảng viên của Khoa Quản trị kinh doanh và các nhà khoa học khác thực hiện.

PGS. TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, trao đổi tại hội thảo. Ảnh: MINH THƯ
Chuyển đổi mô hình làm việc của công chức
PGS.TS Nguyễn Xuân Tế, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học, Đại học Văn Lang, cho rằng trong quá trình sắp xếp ĐVHC cấp xã, cần rà soát và cắt giảm những cán bộ, công chức dư thừa bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong đánh giá, phân loại và điều chuyển cán bộ.
Theo ông, việc giảm biên chế cần được thực hiện theo hướng không làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, bảo đảm không thiếu nhân lực ở các khâu quan trọng.
Đồng thời, tái cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo số lượng và chất lượng ở các vị trí then chốt. Chuyển một số công chức sang các công việc khác phù hợp với năng lực và nhu cầu công việc của xã hội.

PGS.TS Nguyễn Xuân Tế, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học, Đại học Văn Lang, cho rằng cần tối ưu hóa quy trình làm việc sau khi sáp nhập xã. Ảnh: MINH THƯ
“Đảm bảo rằng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực và kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc trong một bộ máy hành chính tinh gọn” – ông nói và gợi ý phải đào tạo lại cán bộ công chức để nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin, quản lý dữ liệu, và kỹ năng làm việc nhóm.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Tế, trong bối cảnh này, phải thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động quản lý hành chính, từ việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính đến việc quản lý dữ liệu. Sử dụng phần mềm quản lý tài chính, hồ sơ công việc và ứng dụng số để tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm bớt giấy tờ và chi phí vận hành.
Mặt khác, cần đẩy mạnh phát triển, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân, giúp giảm bớt khối lượng công việc trực tiếp tại các bộ phận hành chính cấp xã. Muốn vậy phải xây dựng hệ thống dữ liệu hành chính điện tử liên thông giữa các cấp, từ cấp xã đến cấp TP, giúp cán bộ, công chức dễ dàng tiếp cận thông tin và giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả.

Cán bộ, công chức TP.HCM đang tiếp nhận hồ sơ. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa các quy trình làm việc, cắt giảm các bước trung gian không cần thiết, giảm thiểu thủ tục hành chính và thời gian giải quyết công việc. Cải tiến quy trình làm việc theo hướng công khai, minh bạch, giảm thiểu sự can thiệp của các yếu tố chủ quan.
“Chuyển từ mô hình làm việc theo giờ và vị trí cố định sang mô hình đánh giá công việc theo kết quả, giúp tăng tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, công chức; đồng thời giảm bớt sự cứng nhắc trong tổ chức cũng như điều hành công việc” – PGS.TS Nguyễn Xuân Tế nêu.
Ông cho rằng cần sử dụng công cụ quản lý công việc như phần mềm quản lý dự án, hệ thống quản lý tài chính, quản lý hồ sơ điện tử... để giảm thiểu sự phức tạp trong công việc và nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ.
Không thể áp dụng hồ sơ giấy
Ths Nguyễn Sĩ Long, Sở Nội vụ TP.HCM, cho rằng sau khi sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM mới không còn là đô thị đặc biệt mà là siêu đô thị lớn nhất khu vực.

Ths Nguyễn Sĩ Long, Sở Nội vụ TP.HCM, nhấn mạnh không thể áp dụng hồ sơ giấy tại 102 phường, xã mới sau sáp nhập. Ảnh: MINH THƯ
Để vận hành bộ máy hành chính của TP.HCM mới, Ths Long cho rằng cần có giải pháp về chuyển đổi số trong quản lý hành chính. “Chúng ta có nhiều trung tâm hành chính cấp xã, không thể áp dụng mô hình vận hành như trước, văn bản hành chính không thể gửi đường văn thư, thông qua quy trình xử lý hồ sơ giấy mà phải chuyển qua số hóa” – ông Long nói.
Theo ông Long, tại Sở Nội vụ đang thực hiện mô hình công sở thông minh. Trong đó, lãnh đạo cấp phòng trở lên có thể ký hồ sơ trên điện thoại di động thông qua chữ ký số, phát hành văn bản trên môi trường điện tử, không phải in bất kỳ hồ sơ nào trừ văn bản mật.
“Thực hiện số hóa, năng suất lao động của Sở Nội vụ tăng lên rất cao. Lúc trước phải chờ lãnh đạo đi họp về để ký hồ sơ rồi mới đóng dấu, gửi phong bì đến từng đơn vị. Bây giờ có những hồ sơ từ khi chuyên viên tham mưu trình lãnh đạo ký đến văn thư phát hành chỉ trong vòng 30 phút” – ông Long nói và cho biết TP sẽ kiến nghị Trung ương tiếp tục cho TP áp dụng cơ chế đặc thù để thúc đẩy hiện đại hóa nền công vụ.
Xã có thể quản lý BV cấp huyện?
Ths Nguyễn Đặng Phương Truyền, Học viện Hành chính và Quản trị công, nhìn nhận việc phân cấp, phân quyền là nội dung không mới nhưng trong bối cảnh xây dựng chính quyền hai cấp thì đây là việc rất quan trọng.
Ths Truyền cho rằng Quốc hội cần quy định rõ cấp tỉnh được làm gì, cấp xã được làm gì.
Dù vậy, câu chuyện phân bổ biên chế nên được giao quyền cho cấp tỉnh, để cấp tỉnh xác định mỗi phường đó cần biên chế bao nhiêu dựa trên thực tiễn của từng địa phương.
Ths Truyền cho biết Trung ương quy định rõ việc sắp xếp bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện nhưng chính quyền cấp tỉnh cần được linh hoạt, chủ động hơn.
“Có nhất thiết phải giao cho cấp tỉnh quản lý Trung tâm y tế, BV cấp huyện không? Hay những xã nào có năng lực tốt hơn thì giao luôn cho xã?” – Ths Truyền gợi mở và cho rằng TP.HCM nên đánh giá lại năng lực chính quyền cấp xã để phân cấp cho phù hợp.
***
Trước đó, phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS. TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận TP.HCM là địa phương có dân số và quy mô kinh tế cao nhất của các nước. Thực tiễn TP.HCM đã đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét để hoàn thiện tổ chức bộ máy và phương thức vận hành.
Theo PGS.TS Lê Vũ Nam, để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, đòi hỏi TP.HCM phải nghiên cứu để tổ chức bộ máy và phương thức vận hành gắn với đặc thù.
Do đó, mục đích của hội thảo là nhằm trao đổi, thảo luận về thực trạng tổ chức và phương thức vận hành của chính quyền TP.HCM trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, bỏ ĐVHC cấp huyện và sáp nhập ĐVHC cấp xã; đồng thời đề xuất các giải pháp để hoàn thiện tổ chức bộ máy và phương thức vận hành của chính quyền TP.HCM trong thời gian tới.