TPHCM xếp thứ 2 thế giới về khả năng giữ chân cư dân
Ngày 28/7, theo thông tin từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh vừa được xếp hạng thứ 2 trong số 65 thành phố có khả năng 'giữ chân' cư dân tốt nhất thế giới năm 2025, theo báo cáo City Pulse 2025 của Viện nghiên cứu Gensler, được The Independent Singapore News dẫn nguồn.
Cụ thể, 61% người dân của TPHCM cho biết, họ "không có khả năng" hoặc "rất không có khả năng" rời thành phố.
Đứng đầu là Đài Bắc (Đài Loan) với 64%, đứng đầu danh sách các đô thị giữ chân cư dân tốt nhất thế giới năm 2025.

TPHCM ngày càng phát triển theo hướng xanh, sạch. Ảnh: S.X
Khi được hỏi về các tiêu chí quan trọng nhất khi chọn nơi ở, người tham gia khảo sát đánh giá cao các yếu tố cơ bản như: chi phí sinh hoạt (83%), mức độ an toàn và tội phạm (81%), chất lượng dịch vụ y tế (80%), cơ hội việc làm (74%) và hệ thống thuế (70%).
Báo cáo dựa trên khảo sát ý kiến của hơn 33.000 người tại 29 quốc gia, nhằm đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định ở lại hay rời bỏ nơi cư trú hiện tại.
“Người dân sống ở một thành phố càng lâu thì khả năng họ rời đi càng thấp, phần lớn do cảm giác tự hào và gắn bó ngày càng sâu sắc. Sự sôi động và sức hấp dẫn của đô thị là những động lực mạnh mẽ nhất khiến mọi người chọn ở lại thành phố của họ”, đại diện Viện nghiên cứu Gensler thông tin thêm.

Sau hợp nhất, TPHCM thu hút lượng lớn du khách. Ảnh: S,X
Đầu tháng 7, tại họp kinh tế - xã hội TPHCM 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố dặt mục tiêu lọt vào top 100 thành phố đáng sống trên thế giới.
Về quy hoạch sắp tới phải có sự điều chỉnh ở góc độ rộng hơn, với tầm nhìn và chiến lược mới, tận dụng được lợi thế của ba địa phương (TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu cũ).
Theo UBND TPHCM, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố mới 6 tháng đầu năm đạt khá, tuy nhiên 6 tháng cuối năm dự báo nhiều khó khăn khi thị trường thế giới có nhiều biến động.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, TPHCM mới có GRDP tăng trưởng ước đạt 6,56% (tính dầu thô) và đạt 7,49% (nếu không tính dầu thô). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16,2%; tổng thu hút vốn FDI đạt hơn 5,2 tỷ USD; thu ngân sách ước đạt 415.000 tỷ đồng, đạt 60% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công ước 46.800 tỷ đồng, đạt 32,1% kế hoạch.