Nhóm thực phẩm nào sắp bị siết quy định công bố?

Bộ Y tế đề xuất quy định rõ nhóm thực phẩm phải đăng ký bản công bố, tránh doanh nghiệp tùy ý áp dụng sai quy trình, gây rủi ro an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết Chính phủ nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là khâu công bố chất lượng sản phẩm.

Bộ Y tế đề xuất quy định thực phẩm bổ sung phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Ảnh minh họa

Bộ Y tế đề xuất quy định thực phẩm bổ sung phải đăng ký bản công bố sản phẩm. Ảnh minh họa

Dự thảo đề xuất quy định rõ loại thực phẩm nào chỉ cần công bố tiêu chuẩn áp dụng và loại nào phải thực hiện thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm. Mục tiêu là tránh tình trạng doanh nghiệp tùy ý phân loại, thực hiện sai thủ tục, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Theo Bộ Y tế, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và Nghị định 15-2018 đã thiết lập cơ chế pháp lý quản lý thực phẩm, nhưng nhiều vụ việc gần đây liên quan đến thực phẩm bổ sung, sữa bột, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả mạo cho thấy bất cập trong quản lý.

Trong khi đó, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (sửa đổi năm 2025) phân loại sản phẩm theo mức độ rủi ro, từ đó thay đổi nguyên tắc công bố.

Cụ thể, thực phẩm chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm và vật liệu bao gói chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không có chỉ tiêu vi chất sẽ chỉ cần công bố tiêu chuẩn áp dụng.

Ngược lại, các sản phẩm có mức rủi ro cao như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi sẽ phải đăng ký bản công bố sản phẩm.

Sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi phải đăng ký bản công bố trước khi lưu hành

Sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi phải đăng ký bản công bố trước khi lưu hành

Nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu phục vụ gia công hàng xuất khẩu, sản phẩm sản xuất nội bộ không tiêu thụ trong nước, hàng viện trợ... được miễn thủ tục công bố.

Dự thảo cũng làm rõ khái niệm "bằng chứng khoa học" để chứng minh công dụng sản phẩm, bao gồm tài liệu nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, tài liệu y học hiện đại hoặc cổ truyền; tránh tùy tiện quảng cáo.

Hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm cũng được quy định cụ thể theo từng nhóm thực phẩm nhằm tăng tính minh bạch và phù hợp với bản chất sản phẩm.

Hiện Bộ Y tế đã trình Chính phủ xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), dự kiến thông qua sớm nhất vào tháng 10-2025, có hiệu lực từ tháng 7-2026.

Trong thời gian chờ luật mới, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết để kịp thời xử lý các vướng mắc thực tiễn trong quản lý an toàn thực phẩm.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhom-thuc-pham-nao-sap-bi-siet-quy-dinh-cong-bo-196250728185038731.htm