TQ tiếp tục giữ nước ở các đập, đe dọa cuộc sống người dân hạ lưu Mekong
Trung Quốc cam kết không giữ nước ở đập Cảnh Hồng (thượng nguồn sông Mekong) cho đến cuối tháng này, song các nước hạ lưu lại báo cáo một thực tế khác xa lời hứa trên.
Mặc dù Trung Quốc cam kết không giữ nước ở đập Cảnh Hồng (trên thượng nguồn sông Mekong) cho đến cuối tháng này, mực nước ở các nước hạ lưu đã giảm trong tuần qua, theo Ủy ban sông Mekong (MRC).
Theo MRC (ủy ban liên chính phủ gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia), dòng nước đã bị chặn lại ở đập Cảnh Hồng từ ngày 29-5, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin.
Thực tế khác xa lời hứa của Trung Quốc
Cụ thể, ngày 30-5, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc cho biết kế hoạch giữ nước ở đập Cảnh Hồng sẽ bị hoãn lại đến cuối tháng này.
Tuy nhiên, số liệu các nước hạ nguồn ghi nhận cho thấy Trung Quốc chỉ đang hứa suông.
Từ ngày 30-7 đến ngày 3-8, mực nước ở các đoạn sông chảy qua tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) và thủ đô Vientiane (Lào) giảm khoảng 0,8-2,05 m.
Trong khi đó, số liệu đo được trên đoạn sông từ Nakhon Phanom (Thái Lan) đến Stung Treng, Kratie và Kampong Cham (Campuchia) cho thấy mức giảm khoảng 0,6 m.
Trong tuần qua, lưu lượng của sông Mekong đã giảm từ 1.507 xuống còn 997 m3/giây. Xét về mực nước tổng thể, lượng nước giảm khoảng 0,8 m (từ 536,32 m vào ngày 28-7 xuống còn 535,52 m vào ngày 3-8).
Theo bà Pianporn Deetes - giám đốc chiến dịch của Tổ chức Sông ngòi quốc tế tại Thái Lan (International Rivers), vào thời điểm này, mực nước ở khu vực Chiang Khong (miền bắc Thái Lan) thường ở mức khoảng 6-7 m. Tuy nhiên, hiện tại nó chỉ khoảng 3 m.
Về việc này, SCMP dẫn văn bản của Ban thư ký MRC cho biết hiện đây là mùa mưa, và lượng nước nhận được trong thời gian này là rất quan trọng đối với mực nước sông Mekong.
Theo văn bản, việc mực nước sông tăng hoặc giảm đột ngột, dù là do xả đập hay lũ quét, đặt ra rất nhiều thách thức đối với hệ sinh thái sông Mekong và cộng đồng người sống ven sông.
Thông báo chỉ để đối phó
Bà cho biết việc yêu cầu Trung Quốc thông báo trước khi xả hoặc giữ nước ở các đập ở thượng nguồn là quan trọng nhưng không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng mà cả con sông và người dân sống dựa vào nó phải đối mặt.
Ông Brian Eyler, trưởng dự án Mekong Dam Monitor, một chương trình giám sát mực nước do Washington tài trợ, cho biết sự suy giảm mực nước sẽ ảnh hưởng đến các cộng đồng dọc theo con sông gần Trung Quốc nhất, chẳng hạn như Houayxay ở Lào và Chiang Saen (Thái Lan).
"Trung Quốc đang giữ lại một lượng nước đáng kể, bất kể những gì họ đã hứa với hạ nguồn" - ông Eyler nói.
Theo ông, các dự án xây dựng thường được lên kế hoạch trước nhiều tháng. Chính vì thế, Trung Quốc hoàn toàn có thể thông báo sớm để các nước hạ nguồn có thời gian chuẩn bị hoặc thậm chí yêu cầu trì hoãn.
Tuy nhiên, nước này chỉ thông báo trước ba ngày - khoảng thời gian quá ngắn để các nước hạ nguồn kịp chuẩn bị ứng phó. Vì vậy, việc thông báo chỉ mang tính đối phó, giúp Trung Quốc né được việc bị các nước hạ nguồn chỉ trích là "thiếu liên lạc".
Sông Mekong chảy qua sáu quốc gia - Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia. Trung Quốc có 11 đập dọc theo thượng nguồn của tuyến đường thủy dài 4.909km - nơi khoảng 60 triệu người ở các nước hạ nguồn sống phụ thuộc vào.