'Trả lại' 8cm chiều cao cho người phụ nữ U70
Cách đây 20 năm, bà Trần Thị N. (sinh năm 1962) bắt đầu có biểu hiện đau vùng thắt lưng. Bà có uống thuốc Tây nhưng tình trạng đau vẫn không giảm nên chuyển sang uống thuốc Bắc.
Một ca phẫu thuật mổ cột sống của ê-kíp bác sĩ
Vài tháng sau, bà thấy tình trạng đau có giảm nhưng người bị phù lên nên bà ngưng việc uống thuốc. Nhiều năm sau đó, bà N. đến thăm khám tại một bệnh viện chuyên khoa ở TPHCM và được chẩn đoán bị vẹo cột sống do thoái hóa nặng kèm thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Tuy nhiên, bệnh viện không xử trí gì thêm. Đến năm 2019, bà thường xuyên bị đau âm ỉ vùng lưng-thắt lưng, tự ra nhà thuốc mua thuốc uống thì thấy tình trạng đau có giảm nhưng không hết hẳn.
Thời gian sau đó, những cơn đau lưng tăng dần và lưng bà N. bị vẹo rõ sang phải. Theo bệnh nhân này, có lẽ do mỗi lần đau lưng bà thường nghiêng sang phải thì thấy bớt đau nên sau thời gian dài, cơ thể vẹo hẳn.
Dù cơn đau lưng tăng, thuốc uống không còn hiệu quả nhưng bà vẫn không đi khám. Gần đây, bà N. thấy đau nhiều ở vùng thắt lưng, lan xuống hai chân, tê bì hai chân, đi lại khó khăn, ngửa người thì cơn đau nhiều hơn, đi khoảng 5-10m, bà phải nghỉ một lát mới tiếp tục đi được.
Lần này do quá bất tiện trong sinh hoạt nên bà mới quyết định nhập viện điều trị. Tại Đơn vị Cột sống - Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM), bà được ghi nhận vẹo cột sống thắt lưng sang phải, đi khoảng 10m phải nghỉ, khó cúi và ngửa người.
Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị thoái hóa nặng cột sống thắt lưng, gây biến dạng cột sống: vẹo cột sống ngực-thắt lưng, hẹp ống sống thắt lưng nhiều tầng L2L3, L3L4, L4L5, L5S1 gây chèn ép rễ thần kinh, mất thăng bằng cột sống.
Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật giải ép, ghép xương, cắt đĩa đệm hàn xương liên thân đốt cột sống thắt lưng kết hợp nắn chỉnh đường cong trước sau cột sống thắt lưng bằng ốc chân cung.
Ca phẫu thuật kéo dài 7 giờ 30 phút. Hiện dáng người bệnh nhân đi thẳng, cao thêm 8cm, người và phần đầu không còn đổ về trước khi đi hay đứng; hết đau tê hoàn toàn chân phải, chân trái còn tê rất ít, sức cơ hoàn toàn bình phục.
Bệnh lý khó, nghiêm trọng
BS.CKII Hồ Nhựt Tâm, Trưởng đơn vị Cột sống - Bệnh viện Trưng Vương, cho biết, tỷ lệ vẹo cột sống ở người trưởng thành chiếm tỉ lệ 2%-32%; thường bắt đầu ở độ tuổi khoảng 50, gặp ở cả nam và nữ. Nhiều báo cáo cho thấy, vẹo cột sống do thoái hóa chiếm tỷ lệ 68% ở những người trên 60 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tăng dần khi tuổi lớn hơn.
Theo bác sĩ Tâm, bệnh nhân nên đến bệnh viện điều trị khi bệnh lý ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày; gặp khó khăn khi vận động-cúi ngửa cột sống, đau thắt lưng nhiều khi ngồi trên 30 phút, đau lưng lan xuống chân, tê bì chân do ống sống và rễ thần kinh bị chèn ép hoặc góc vẹo quá lớn, làm hẹp lỗ liên hợp nơi rễ thần kinh đi ra; người bệnh phát hiện bản thân bị bất đối xứng cơ thể-vẹo, còng cột sống khi sinh hoạt.
"Đây là một bệnh lý khó, nghiêm trọng, cần điều trị kỹ thuật cao nên bệnh nhân nên đến các bệnh viện có chuyên khoa về phẫu thuật cột sống, đặc biệt các bệnh viện có kinh nghiệm về phẫu thuật nắn chỉnh vẹo cột sống", bác sĩ Tâm nhấn mạnh.
Vẹo cột sống người trưởng thành do thoái hóa là một bệnh liên quan đến cấu trúc giải phẫu cơ thể. Vì vậy, nguyên tắc điều trị đòi hỏi các bác sĩ phải can thiệp vào cấu trúc giải phẫu của cơ thể thông qua phẫu thuật, không thể có một loại thuốc nào có thể chỉnh sửa được bất thường cấu trúc trong cơ thể.
Trưởng đơn vị Cột sống - Bệnh viện Trưng Vương cho biết thêm, để phòng ngừa bệnh vẹo cột sống, người dân lưu ý cần ngồi hoặc đứng trong tư thế giữ cột sống thẳng; sử dụng hỗ trợ cơ học khi cần thiết (áo-nẹp cột sống chuyên dụng), không mang vác vật nặng nhiều.
Khi có các dấu hiệu sớm của thoái hóa cột sống như đau lưng có hoặc không lan xuống chân, đau lưng khi cúi ngửa hoặc ngồi lâu, phát hiện cột sống bị còng-vẹo dù ở mức độ nhẹ… thì người bệnh cần khám chuyên khoa cột sống để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.