Trả lại giá trị cho những cánh đồng

Trên những cánh đồng ở nhiều vùng nông thôn từng 'bờ xôi, ruộng mật', giờ đây cỏ dại mọc um tùm, xen lẫn rác thải và dấu vết bạc màu của đất. Đất nông nghiệp - máu thịt của bao thế hệ đang bị bỏ hoang - là thực trạng báo động, để lại những 'vết thương' sâu sắc không chỉ về kinh tế, môi trường mà cả trong văn hóa và tâm hồn dân tộc. Vì sao đất đai, thứ tài sản từng là niềm tự hào, lại trở thành gánh nặng? Và làm thế nào để gọi người nông dân trở lại với ruộng vườn?

Đất không chỉ là tài nguyên, mà còn là máu thịt, là ký ức của những mùa gặt rộn ràng, của những câu hò trên đồng. Ảnh minh họa

Đất không chỉ là tài nguyên, mà còn là máu thịt, là ký ức của những mùa gặt rộn ràng, của những câu hò trên đồng. Ảnh minh họa

Nguyên nhân cốt lõi của tình trạng đất nông nghiệp nằm ở giá trị kinh tế ngày càng suy giảm của nghề nông. Thu nhập từ trồng lúa không đủ nuôi sống gia đình, trong khi giá vật tư nông nghiệp leo thang và đầu ra nông sản bấp bênh. “Được mùa mất giá” không chỉ là câu nói cửa miệng mà là thực tế khắc nghiệt, đẩy người nông dân vào vòng xoáy rủi ro, lệ thuộc vào thương lái. Ruộng đất manh mún, khó cơ giới hóa, khiến việc áp dụng công nghệ hiện đại để tăng năng suất trở thành bài toán nan giải. Hiệu quả sản xuất thấp đã dập tắt niềm tin, khiến nhiều người bỏ đồng áng để tìm kế khác sinh nhai hoặc chấp nhận chi hàng trăm triệu đồng để đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài - đôi khi vẫn là công việc đồng áng, nhưng với mức thu nhập cao hơn.

Không chỉ vì kinh tế, sự dịch chuyển lao động còn phản ánh những đổi thay sâu sắc trong lối sống. Nhiều hộ gia đình ở quê giờ đây mua gạo ngoài chợ thay vì tự sản xuất, dấu hiệu rõ ràng của sự đứt gãy trong truyền thống canh tác. Thế hệ trẻ không còn thiết tha trở về quê. Công việc khan hiếm, đồng ruộng không còn là nơi nuôi dưỡng giấc mơ, mà trở thành biểu tượng của sự trì trệ. Trong khi đó, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa thiếu quy hoạch tổng thể đã làm trầm trọng thêm vấn đề.

Hậu quả của đất hoang không chỉ dừng lại ở kinh tế. Đất không canh tác sẽ bạc màu, trở thành ổ sâu bệnh và bãi rác, gây tổn hại môi trường và tạo vòng luẩn quẩn khó khắc phục. Nhưng tổn thất lớn hơn là sự mai một văn hóa. Đất không chỉ là tài nguyên, mà còn là máu thịt, là ký ức của những mùa gặt rộn ràng, của những câu hò trên đồng. Khi ruộng hoang, một phần “ký ức chung” của dân tộc bị xóa nhòa. Người từng cày xới trên đất cảm thấy tiếc nuối, còn thế hệ trẻ lớn lên trong sự xa lạ với đồng quê. Tình trạng này, nếu kéo dài, không chỉ đe dọa an ninh lương thực mà còn làm phai nhạt bản sắc văn hóa nông thôn - cội nguồn của dân tộc Việt.

Để giải quyết thực trạng này, cần trả lại giá trị đích thực cho đất đai và người nông dân. Trước hết, phải đảm bảo người làm nông sống được, tích lũy được, không còn phó mặc cho may rủi. Hỗ trợ vốn, kỹ thuật và đầu ra ổn định cho nông sản là chìa khóa. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với thị trường, cùng với đầu tư hạ tầng nông thôn đồng bộ, sẽ tạo động lực để nông dân gắn bó với ruộng vườn. Đổi mới quy hoạch, đặt người nông dân làm trung tâm của các chính sách phát triển, là cách để khơi dậy niềm tin và tự hào về nghề nông. Thực tế, một số địa phương cho tích tụ ruộng nhỏ lẻ thành vùng sản xuất tập trung là cách làm đúng có thể xoay chuyển tình thế.

Đất hoang không chỉ là câu chuyện của tài nguyên, mà còn là câu hỏi về bản sắc và tương lai. Làm sao để cánh đồng không còn lặng lẽ, để tiếng cười lại vang lên giữa mùa gặt? Câu trả lời nằm ở sự đồng lòng, từ chính sách vĩ mô đến hành động cụ thể, từ niềm tin của người nông dân đến sự sẻ chia của cả cộng đồng. Chỉ khi ấy, đất đai mới thực sự sống lại và ký ức đồng quê mới tiếp tục được viết nên.

Thái Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tra-lai-gia-tri-cho-nhung-canh-dong-post492154.html