Trả lại sự trong lành cho một dòng sông - Kỳ 1: Dòng sông đang bị 'bức tử'

Nha Trang được mệnh danh là vùng đất “tứ thủy triều quy”, vậy nhưng một trong những con sông quan trọng bậc nhất bao quanh một nửa thành phố này đang bị “bức tử”. Đó là sông Quán Trường, trải qua hàng trăm năm hình thành đã bị bồi lắng, tích tụ, lấn chiếm khiến lòng sông bị thu hẹp và ngày càng ô nhiễm môi trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, cảnh quan môi trường mà còn khó hiện thực hóa được định hướng tương lai về một đô thị sinh thái.

Kỳ 1: Dòng sông đang bị “bức tử”

TP. Nha Trang được bao bọc bởi con sông Cái với nhánh phía bắc đổ ra Cửa Lớn, còn nhánh phía nam là sông Quán Trường đổ ra Cửa Bé, phía bên ngoài là Biển Đông tạo nên một vòng nước khép kín bao bọc 4 phía. Vậy nên những dòng sông này được ví như một hồ điều hòa khổng lồ giúp cho phố biển trong xanh, mát lành. Thế nhưng, cùng với thời gian, quá trình đô thị hóa, bồi lắng, tích tụ khiến cho dòng sông này ngày càng ô nhiễm.

Nhánh sông đổ ra sông Quán Trường bị tắc nghẽn, thu hẹp ở khu vực thôn Phú Bình (xã Vĩnh Thạnh).

Nhánh sông đổ ra sông Quán Trường bị tắc nghẽn, thu hẹp ở khu vực thôn Phú Bình (xã Vĩnh Thạnh).

Những nhánh sông nay đã thành “ao tù, nước đọng”

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có mặt ở thôn Phú Bình (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang), nơi điểm đầu nguồn của sông Quán Trường. Ông Đặng Văn Bình (xã Vĩnh Thạnh) cho biết: “Sông Quán Trường có nhiều nhánh khác nhau, nhưng ở đây là nơi đầu nguồn con nước. Trước đây, nhánh sông này rất rộng nhưng gần chục năm nay, nhiều khu dân cư đã mọc lên khiến dòng sông bị thu hẹp, phía thượng nguồn chỉ có ít nước đọng lại như vũng ao tù. Không chỉ vậy, hạ lưu sông này rác thải rất nhiều, khi triều cường dâng lên kéo theo rác thải đổ về thượng nguồn và bị mắc lại gây ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”.

Ghi nhận của chúng tôi tại đây, nhánh sông Quán Trường qua thôn Phú Bình đang bị “bao vây” bởi những thửa đất len lỏi trong khu dân cư mới được hình thành. Xung quanh và giữa dòng sông um tùm cây cối, rác thải tràn ngập. Ông Phan Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh cho biết: “Việc nhánh sông bị tắc nghẽn bởi rác, cây bụi… trong khu dân cư là vấn đề diễn ra nhiều năm nay ở địa phương nhưng chưa giải quyết được. Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 của TP. Nha Trang, nhánh sông này sẽ được mở rộng để kết nối với dòng sông Cái. Cùng với việc mở rộng, cơ quan chức năng cũng cần sớm cải tạo, nạo vét nhánh sông này mới có thể giải quyết được thực trạng hiện nay”.

Bãi đổ xà bần, rác thải… ở xã Vĩnh Thái ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Quán Trường.

Bãi đổ xà bần, rác thải… ở xã Vĩnh Thái ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Quán Trường.

Xuôi về phía hạ lưu, sông Quán Trường uốn lượn qua các khu dân cư, khu đô thị dày đặc, khiến dòng sông như bị “bóp nghẹt” dòng chảy. Tại thời điểm chúng tôi ghi nhận (ngày 13-8), khu vực cầu Dứa - Phú Nông (xã Vĩnh Hiệp) nơi có sông Quán Trường chảy qua, thủy triều rút để lộ sình lầy, rác thải ngập tràn hai bên bờ. Tại khu vực này, suốt hơn 40 năm qua vẫn còn tồn tại 2 cơ sở thuộc da, chế biến da trâu, da bò ở thôn Vĩnh Châu, nằm ngay bên bờ sông Quán Trường. Khi phóng viên vào bên trong cơ sở hỏi về quá trình hoạt động, chủ cơ sở thuộc da xua tay nói: “Lâu nay chúng tôi không sản xuất, chế biến nữa rồi. Chúng tôi đã làm việc nhiều lần với các đơn vị chức năng của thành phố nên không trả lời thêm nữa”.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, sông Quán Trường chảy qua địa bàn với chiều dài khoảng 5km. Tại vị trí cầu Dứa - Phú Nông trước đây cũng có một nhánh sông ngược về phía tây kết nối với sông Tắc (một nhánh sông Quán Trường) ở vị trí thôn Vĩnh Điềm Thượng. Tuy nhiên, khi dự án hệ thống thoát lũ cầu Phú Vinh - sông Tắc hoàn thành đã làm bờ kè hai bên sông Tắc ngắt kết nối với sông Quán Trường (đoạn qua xã Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp), dẫn đến đoạn sông này nước không còn lưu thông, bèo và cây xanh phát triển dày đặc gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đối với 2 cơ sở thuộc da Vinh và Kim Sơn, trước đây được UBND TP. Nha Trang cấp phép hoạt động. Quá trình sản xuất cũng gây ra một số hệ lụy về môi trường, địa phương đã phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố nhiều lần làm việc yêu cầu khắc phục.

Thả lồng nhử vẹm, lấn chiếm lòng sông

Tại nhánh phía tây thượng nguồn của dòng sông Tắc, chúng tôi quan sát thấy từ cầu Phú Vinh đến đầu sông Tắc (có chiều dài khoảng 3km), hiện trạng dòng sông cũng bị lấp đầy bởi cây bụi, bèo, hoa sen, hoa súng… Ông Phan Văn Thắng (thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Thái) cho biết, ngoài cây cỏ, dòng sông cũng bị bồi lắng khối lượng lớn bùn và chất thải. Sau nhiều năm không nạo vét, dòng sông hiện nay đã tắc nghẽn. Khu vực này có một số hộ dân xây dựng hầm rút nước thải, còn lại là đổ ra đất trống hoặc xả thẳng ra sông Tắc nên đã gây ô nhiễm trầm trọng.

Cọc gỗ, giàn tre, nứa… nhử vẹm giăng kín sông Quán Trường.

Cọc gỗ, giàn tre, nứa… nhử vẹm giăng kín sông Quán Trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ khu vực cầu Dứa xuống cầu Bình Tân, lòng sông Quán Trường có rộng hơn nhưng dày đặc các cọc gỗ, giàn bằng tre để nuôi, nhử vẹm. Khi thủy triều rút để lộ ra hàng loạt cọc gỗ, bẫy nhử vẹm cắm sâu dưới lòng sông, tác động trực tiếp tới dòng chảy của sông Quán Trường. Tại khu vực thôn Vĩnh Xuân (xã Vĩnh Thái), tuy chính quyền địa phương đã có biển cấm nhưng tình trạng đổ xà bần, rác thải lấn chiếm lòng sông Quán Trường vẫn còn diễn ra. Ông Đặng Văn Tảo (thôn Vĩnh Xuân) cho biết: “Từ đầu năm 2024 đến nay, có nhiều tài xế chở xe tải đầy xà bần, vật liệu thải đổ ở khu vực đất trống của thôn. Quá trình tích tụ lâu ngày khiến khu vực này như một bãi rác tự phát, gây ô nhiễm lòng sông Quán Trường”. Ông Nguyễn Trường Nhật Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái thông tin, từ đầu năm đến nay, địa phương đã theo dõi, phát hiện xử lý 3 đối tượng có hành vi đổ xà bần, chất thải ra sông Quán Trường và sông Tắc. UBND xã đã báo cáo UBND thành phố sớm có biện pháp xử lý vấn đề này, trả lại môi trường trong lành cho người dân.

Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng thừa nhận, những năm gần đây, tình trạng nuôi, nhử vẹm khu vực sông Tắc diễn biến phức tạp. UBND TP. Nha Trang đã có nhiều chỉ đạo, xã cũng tích cực triển khai, ra quân xử lý nhưng do số lượng nhiều nên đến nay vấn nạn này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Từ năm 2023 đến nay, địa phương đã xử lý, tháo dỡ 75 trường hợp và hiện nay vẫn đang tiếp tục xây dựng phương án để xử lý. Để đảm bảo môi trường nguồn nước sông Tắc, sông Quán Trường về lâu dài, cần có giải pháp trồng rừng ngập mặn, khôi phục hệ sinh thái hai bên bờ sông.

Chưa xử lý dứt điểm

Ngược dòng thời gian trở về năm 1990, ở khu vực hạ lưu sông Tắc, qua xã Phước Đồng được biết đến là hệ sinh thái rừng chà là, đước rậm rạp với nhiều loài sinh vật đa dạng, phong phú… Thế nhưng đến năm 1996, cùng với phong trào nuôi tôm, hình thành các khu dân cư nên nhiều diện tích rừng ngập mặn bị phá. Tại khu vực phía thượng nguồn sông Quán Trường và sông Tắc, khó khăn lớn nhất hiện nay là lòng sông đã bị lồi lắng, tích tụ, cây bụi và lục bình khiến nước không thể lưu thông, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là để bảo đảm thoát lũ trong mùa mưa bão hàng năm. Ông Nguyễn Đắc Thanh (Khu đô thị Thái Hưng) cho biết, nhiều năm nay, sông Quán Trường bị tắc nghẽn, ô nhiễm nên mỗi khi thời tiết nắng nóng bốc lên mùi hôi thối từ các loài thủy sản chết, rác thải dồn ứ… xộc thẳng vào khu dân cư. Đặc biệt, tại các điểm cống thoát nước từ các khu dân cư, đô thị, nhà hàng, quán ăn xả trực tiếp ra sông Quán Trường. Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân hai bên bờ sông.

Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Thành Nhân - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, từ năm 2022 đến nay, thành phố đã quyết liệt vào cuộc yêu cầu UBND các xã, phường: Vĩnh Thái, Phước Đồng, Phước Hải và Phước Long phối hợp cùng các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương tổ chức tháo dỡ các trường hợp lấn chiếm mặt nước để đặt phao nổi, bè nổi, bẫy nhử, rớ và nuôi trồng thủy sản trên sông Tắc, sông Quán Trường. Đến nay, hầu hết phao nổi, bè nổi, bẫy nhử vẹm, rớ trên sông Quán Trường, sông Tắc ở tầng trên mặt nước đã được tháo dỡ. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số lượng lớn vật liệu tre, nứa, gỗ, dây... người dân đã đóng, thả xuống lòng sông làm giàn để nuôi vẹm chưa được tháo dỡ. Theo báo cáo từ các địa phương, quá trình xử lý còn những khó khăn vì chỉ thực hiện được khi thủy triều rút, trong khi số lượng cọc gỗ, bẫy nhử rất nhiều, nhân vật lực còn hạn chế. Thời gian tới, UBND thành phố yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, khi thời điểm nước triều xuống thấp, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tổ chức tháo dỡ, thu dọn các vật liệu nói trên để hạn chế ô nhiễm môi trường, khơi thông dòng chảy thoát lũ... Người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Sông Quán Trường có chiều dài khoảng 15km, chảy qua địa phận các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thái, Phước Đồng và 3 phường: Phước Long, Phước Hải, Vĩnh Trường rồi đổ ra Cửa Bé. Sông chia thành 2 nhánh: Nhánh phía đông (nhánh chính) có chiều dài 9km và nhánh phía tây (còn gọi là sông Tắc) dài 6km. Cùng với sông Cái, sông Quán Trường hòa vào biển lớn và tác động trực tiếp tới chất lượng nước ở vịnh Nha Trang.

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Nha Trang, từ ngày 1-1 đến 30-7, phòng đã tham mưu Chủ tịch UBND TP. Nha Trang ban hành xử phạt 12 trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường với tổng số tiền 84,6 triệu đồng. UBND các xã, phường cũng ban hành quyết định xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm liên quan. Hiện nay, một số khu vực dọc sông Tắc, sông Quán Trường vẫn còn tái diễn tình trạng đổ xà bần, rác thải tác động đến nguồn nước ở dòng sông như: Cầu Quán Trường (đường Võ Nguyên Giáp, giáp ranh phường Phước Hải và xã Vĩnh Thái); dọc vỉa hè đường ven sông Quán Trường; phát sinh điểm tập kết rác thải sinh hoạt không đúng quy định tại khu dân cư thôn Vĩnh Xuân (xã Vĩnh Thái)…

MẠNH HÙNG - VĂN KỲ - THÁI THỊNH

Kỳ 2: Hệ quả từ những dòng sông “tắc”

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202408/tra-lai-su-trong-lanh-cho-mot-dong-song-ky-1-dong-song-dang-bi-buc-tu-d196730/