Trả lời cử tri về các dự án nông nghiệp

Trước kỳ họp 11 HĐND tỉnh An Giang cử tri kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến dự án nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao các sở, ngành có liên quan trả lời.

Dự án WB9 tại huyện An Phú

Cử tri huyện An Phú đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiểm tra lại tiến độ thực hiện dự án WB9 và chất lượng công trình. Hiện nay, các đoạn đê chưa hoàn thành, trong khi đê hiện hữu bị thiệt hại nghiêm trọng dưới tác động của lũ. Khảo sát đoạn đập tràn chưa thi công, qua mùa lũ, nước chảy ra từ các đoạn này làm sạt lở nghiêm trọng, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của vùng, do không thể bơm rút nước để xuống giống sớm.

Theo ngành chức năng, tiểu dự án “Tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long, huyện An Phú” thuộc dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL” (dự án WB9).

Hiện nay, tiến độ thực hiện đạt 65%. Các nhà thầu thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, tiến độ thi công vẫn còn chậm, do công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm, nguồn vật liệu cát khan hiếm, giá cả vật liệu tăng cao, nguồn xăng dầu thiếu hụt...

Vừa qua, chủ đầu tư kết hợp với Ban Quản lý dự án tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng hạng mục công trình bị ảnh hưởng tác động do lũ để có phương án xử lý kịp thời; đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Qua đó, đoàn công tác nhận thấy hạng mục công trình tuyến đê Bắc Vĩnh Lợi bị thiệt hại bê-tông mái đê (đoạn K7+271), chiều dài 71m. Các hạng mục công trình khác cũng có một số vị trí bị sạt đất đắp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình.

Dự án được thiết kế với cao trình đê chỉ bảo vệ sản xuất phù hợp với lũ tháng 8. Do đó, khi lũ lên cao, nước tràn qua đê và các cống dưới đê. Giải pháp thiết kế thân và mặt đê được bảo vệ bằng bê-tông xi-măng cốt Neoweb và cốt thép. Trong mùa lũ vừa qua, công trình có những đoạn đê chỉ hoàn thành đắp đất hoặc một phần mái đê (chưa được bảo vệ bằng bê-tông trên toàn thân và mặt đê), bị dòng chảy cuốn trôi, gây sạt lở. Tuy nhiên, công trình có mua bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm PJICO An Giang, được công ty ghi nhận, thực hiện bảo hiểm.

Thời gian tới, chủ đầu tư cùng Ban Quản lý dự án, đơn vị thi công, giám sát, bảo hiểm kiểm tra, đánh giá và có biện pháp đảm bảo theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Đồng thời, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tiến độ, chất lượng thi công của nhà thầu hàng tuần, nhằm đạt hiệu quả đầu tư. Hiện nay, lũ đã rút, nhà thầu đang tập trung năng lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện công tác bê-tông mái đê, mặt đê và các đoạn đê còn lại, dự kiến hoàn thành trước lũ 2023.

Nâng cấp hạ tầng thủy lợi tại huyện Phú Tân

Theo cử tri huyện Phú Tân, thực hiện dự án “Nâng cấp hệ thống hạ tầng thủy lợi”, UBND tỉnh có Công văn 2655/VPUBND-KTN, ngày 19/5/2022, thống nhất theo nội dung đề nghị của Sở NN&PTNT An Giang.

Trong đó, năm 2022, tỉnh tiếp tục hỗ trợ huyện Phú Tân 9,6 tỷ đồng để khắc phục sạt lở tuyến đê rạch Cái Tắc - Phú Hưng (bổ sung đoạn bờ Bắc và bờ Nam), chiều dài 80m; gia cố kết hợp mở mới đầu ra kênh 26/3 (chiều dài 250m); nạo vét kết hợp cải tạo mặt cắt ngang kênh Thần Nông (đoạn từ kênh Km5 đến kênh 26/3), chiều dài 2.600m...

Đây là những công trình khắc phục sạt lở, cấp bách và bức xúc cần ưu tiên đầu tư, nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông, vận chuyển hàng hóa. Cử tri kiến nghị tỉnh xem xét tiếp tục hỗ trợ đầu tư dự án giai đoạn tiếp theo.

Tình hình sạt lở đất trong thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp. Nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Phú Tân, Sở NN&PTNT An Giang phối hợp sở, ngành liên quan, địa phương họp, thảo luận.

Qua đó, thống nhất kiến nghị UBND tỉnh xem xét tiếp tục hỗ trợ đầu tư dự án giai đoạn tiếp theo. UBND tỉnh thống nhất tại Công văn 4882/VP.UBND-KTN, ngày 31/8/2022, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Hoạt động doanh nghiệp tại Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên

Cử tri huyện Tịnh Biên đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh sớm giải quyết tồn tại đối với hoạt động của doanh nghiệp (trong phạm vi quản lý của đơn vị), phải đúng quy hoạch, tạo sự công bằng, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường...

Ngày 18/3/2021, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức khảo sát, kiểm tra thực tế hoạt động Bến thủy nội địa tạm tại Khu thương mại Tịnh Biên. Ngày 10/5/2021, đơn vị có Báo cáo 783/BC-UBND trình UBND tỉnh về việc xử lý tồn tại trong hoạt động của doanh nghiệp khu vực Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Để xử lý tồn tại trên, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh có nhiều văn bản đề nghị UBND huyện Tịnh Biên chỉ đạo đơn vị chức năng xử lý theo Khoản 6, Điều 7 Quyết định 40/2018/QĐ-UBND, ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh.

Ngày 7/9/2022, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tiếp tục có công văn đề nghị UBND huyện Tịnh Biên chỉ đạo đơn vị chức năng huyện thực hiện xử lý; phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh theo ý kiến của UBND tỉnh.

Hiện nay, UBND huyện Tịnh Biên ra quyết định thành lập tổ công tác, thực hiện theo công văn chỉ đạo của UBND tỉnh. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đang phối hợp UBND huyện Tịnh Biên xử lý các tồn tại nêu trên.

K.N

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tra-loi-cu-tri-ve-cac-du-an-nong-nghiep-a350768.html