Trả lời kiến nghị của cử tri đề nghị xử phạt nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật
Cử tri đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt các trường hợp nghệ sĩ, người có ảnh hưởng với công chúng quảng cáo sai sự thật.
Bộ VH-TT&DL vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến.
Cử tri tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết hiện nay, trên mạng xã hội có không ít nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật về chất lượng và công dụng của sản phẩm, nhiều trường hợp người dân đã bỏ tiền ra mua sản phẩm do nghệ sĩ mình yêu thích giới thiệu nhưng sau đó sử dụng không hiệu quả như đã quảng cáo.
Cử tri đề nghị cơ quan chức năng cần có sự quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động quảng cáo trên nền tảng số và các phương tiện truyền thông; kiểm tra, xử phạt các trường hợp nghệ sĩ, người có ảnh hưởng với công chúng quảng cáo sai sự thật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Với kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng trả lời: Để quản lý có hiệu quả về nội dung, hình thức quảng cáo trên mạng xã hội, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đề xuất bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và hoạt động chuyển tải sản phẩm quảng cáo của người có ảnh hưởng, như: tuân thủ các quy định của pháp luật về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo.
Trường hợp đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội thì phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm; thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo.
Các quy định trên nhằm tăng cường ý thức cho người chuyển tải sản phẩm nói chung, trong đó đặc biệt là người có tầm ảnh hưởng trong việc quảng cáo khi thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đến công chúng một cách trách nhiệm, trung thực và hiệu quả.
Ngày 4-7-2024, Bộ VH-TT&DL đã tham mưu Chính phủ có Tờ trình số 350 trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5-2025.
Các hành vi nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật về chất lượng và công dụng của sản phẩm thì được xử lý theo các quy định: Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nghị định số 72/2013 của Chính phủ quy định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng 2 dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 15/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định số 38/2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo...
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phạm vi quản lý lĩnh vực, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 3196 ngày 13-12-2021 về Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Trong đó, khoản 3, Điều 7 về quy tắc ứng xử đối với công chúng, khán giả có quy định: "Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức".
Khoản 4, Điều 8 về quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng quy định: "Không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân".
Ngay sau đó, UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo Sở VH-TT&DL/Sở VH-TT triển khai kịp thời, thường xuyên, liên tục và toàn diện quy tắc trên đến nhân dân, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng, hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn.
“Hiện nay, Bộ VH-TT&DL đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Quy trình thí điểm phối hợp, phát hiện, kiểm soát tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội từ các trường hợp không tuân thủ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2025” - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL nêu rõ.