Trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X về lĩnh vực cấp nước

Thực hiện đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang tại Văn bản 232/HĐND-TTDN ngày 9-7-2024 về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa X, UBND tỉnh trả lời các nội dung sau:

X. LĨNH VỰC CẤP NƯỚC

- Cử tri xã Hội xuân (huyện Cai Lậy), phản ánh từ chợ Hội Xuân đến Trường Mầm non Hội Xuân hiện nay do đường ống nước cũ, nhỏ kéo trước đây có đoạn ống bị hư hỏng nên nước yếu không đảm bảo đủ nước cho người dân sử dụng, đề nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước sớm lắp đường ống này cho người dân đảm bảo có đủ nước sinh hoạt trong thời gian tới.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Từ chợ Hội Xuân đến Trường Mầm non Hội Xuân, huyện Cai Lậy có chiều dài khoảng 750 m, trên tuyến này trước đây Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn Tiền Giang (cũ) đầu tư 2 tuyến ống D34 PVC. Tuy nhiên thời gian qua, với sự phát triển thêm các hộ dân trên tuyến này và khu vực lân cận, nên nhu cầu sử dụng tăng lên, khả năng cung cấp nước của tuyến ống bị hạn chế.

Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận ý kiến của cử tri và đã chỉ đạo, giao Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang phê duyệt chủ trương đầu tư công trình “Tuyến ống cấp nước HDPE D110, L = 1.000m đoạn từ cầu Ba Rài đến cống ông Tùng”, dự kiến thi công hoàn thành trong quí IV năm 2024, đảm bảo cấp nước cho người dân và các cơ quan khu vực từ chợ Hội Xuân đến Trường Mầm non Hội Xuân, huyện Cai Lậy trong thời gian tới.

- Cử tri xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy) phản ánh trên tuyến đường huyện 65B nước sinh hoạt do Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền giang cung cấp thường xuyên thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, đề nghị ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục để người dân có đủ nước sinh hoạt.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Đường huyện 65B đoạn từ cầu Chà Là hướng về xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy có chiều dài khoảng 1.800 m; tuyến ống cấp nước chính trên đường này gồm:

- Ống PVC D60, chiều dài 1.100 m;

- Ống PVC D34, chiều dài 750 m.

Hệ thống đảm bảo cung cấp nước cho người dân dọc tuyến ống cấp nước thuộc Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang quản lý. Tuy nhiên, trong mùa khô, do nhu cầu tăng cao sẽ bị thiếu nước cục bộ. Để giải quyết vấn đề trên, đầu năm 2024, Công ty đã thi công tuyến ống nối hòa mạng từ trạm Mỹ Thành Nam hỗ trợ cho trạm cấp nước Phú Nhuận.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, giao Công ty tiếp tục thi công công trình “Tuyến ống D110 đường huyện 66 đoạn từ cầu Chà Là - Mỹ Thành Nam đến ranh xã Thạnh Lộc” (đang chờ cấp phép của UBND huyện Cai Lậy để thi công) nhằm nâng cấp bổ sung lưu lượng cho khu vực cuối nguồn. Dự kiến thực hiện và hoàn thành cuối quý III năm 2024.

Dự kiến trong năm 2025, Công ty sẽ thực hiện đầu tư thêm công trình “Tuyến ống cấp nước HDPE D160, L=3.200m dọc theo đường huyện 65 từ cầu Bình Phú (Quốc lộ 1) đến cầu Cả Rắn (xã Phú Nhuận) đảm bảo nguồn nước cung cấp ổn định lâu dài cho người dân.

- Cử tri xã Hòa Định, Xuân Đông (huyện Chợ Gạo), đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành chức năng tỉnh có biện pháp sớm đưa nước BOO đến phục vụ sinh hoạt Nhân dân trên địa bàn xã Hòa Định, xã Xuân Đông.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Trên địa bàn xã Hòa Định và xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo có một số khu vực do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chủ trương giao Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang tiếp nhận và quản lý Hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Hòa Định và xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo.

Năm 2023, có 2 trạm cấp nước tại ấp Tân Thuận và Tân Hòa, xã Xuân Đông tự nguyện giải thể bàn giao cho Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang cung cấp nước cho khoảng 700 hộ dân. Ngoài khu vực trên, người dân ở các khu vực khác cũng muốn sử dụng nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang.

Tuy nhiên, do quy định về vùng phục vụ cấp nước theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch: “Một đơn vị cấp nước có thể có một hoặc nhiều vùng phục vụ cấp nước khác nhau, mỗi vùng phục vụ cấp nước chỉ do một đơn vị cấp nước thực hiện dịch vụ cấp nước.”; do đó Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang không thể thực hiện cung cấp nước trực tiếp cho người dân trên địa bàn.

Vào mùa khô hạn, xâm nhập mặn, do thiếu nguồn nước nên các doanh nghiệp tư nhân còn lại đề nghị mua nước sạch bán sĩ của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang cung cấp qua đồng hồ tổng để hòa chung với hệ thống hiện có để cung cấp nước cho người dân.

Căn cứ Thông tư 44/2021/TT-BTC ngày 18-6-2021 của Bộ Tài chính quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt, giá bán buôn nước sạch sinh hoạt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, giao Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp tư nhân trên về sản lượng nước tiếp nhận hàng năm để làm cơ sở tính giá nước sạch bán buôn (nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí).

Đến nay, Công ty đã xây dựng xong phương án giá bán nước sạch đang phối hợp với Sở Tài chính thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh xét, phê duyệt.

Sau giá bán nước sạch được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giao Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang triển khai thực hiện bán nước cho các doanh nghiệp để cung cấp cho người dân; đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét quy định cụ thể về vùng phục vụ cấp nước trên địa bàn xã Hòa Định và xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo để giao Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang cung cấp nước nước sạch sinh hoạt trực tiếp cho người dân trên địa bàn có nhu cầu sử dụng nước của Công ty đảm bảo chất lượng với mức giá hợp lý.

- Cử tri xã Bình Đông và xã Bình Xuân (TP. Gò Công), kiến nghị tỉnh có giải pháp nâng cấp hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, nhất là kết nối nguồn nước BOO về trên toàn địa bàn xã Bình Xuân, nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô và thời gian tới.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Hiện nay, khu vực xã Bình Đông và xã Bình Xuân, TP. Gò Công được cung cấp bởi 2 nguồn nước: nguồn nước tự sản xuất tại trạm Bình Đông, trạm Bình Xuân 1, trạm Bình Xuân 2 với tổng công suất 1.800 m3/ngày (nước ngầm); nguồn nước tiếp nhận từ Công ty Cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm với công suất 800 m3/ngày.

Vào mùa mưa, 2 nguồn nước này đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của khách hàng với 2.600m3/ngày. Vào mùa khô, nhu cầu sử dụng nước tăng lên rất cao khoảng 4.200 m3/ngày, do nguồn nước trên các kinh, rạch đã cạn kiệt, người dân tập trung sử dụng nguồn nước sinh hoạt của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang cung cấp cho nhiều mục đích ngoài sinh hoạt (trồng trọt, chăn nuôi,...), do đó đã vượt quá khả năng cung cấp của Công ty.

Để giải quyết căn bản vấn đề này trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tinh sẽ chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân TP. Gò Công và Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang tập trung một số giải pháp sau:

1. Đầu tư công trình “Tuyến ống cấp nước từ cầu Thành Công dọc theo đường tỉnh 873 đến Trạm cấp nước Bình Xuân 2 (ấp 2)”. Tuyến ống này sẽ tiếp nhận nguồn nước ngay sau Trạm bơm tăng áp Gò Công đảm bảo áp lực cung cấp nước vào khu vực các ấp 1, 2, 3, Thành Nhứt, Thành Nhì, vượt cầu Bình Xuân bổ cấp cho ấp 5, 6, 7 và ấp 4 xã Bình Xuân cũng như khu vực xã Bình Đông. Tổng chiều dài tuyến ống khoảng 8.500 m, giá trị khái toán 6 tỷ đồng, trong đó gồm 2 đoạn:

- Đoạn ống 1 từ cầu Thành Công đến cầu Bình Thành, ống HDPE D220 dài 5.000 m, kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng.

- Đoạn ống 2 từ cầu Bình Thành đến Trạm cấp nước Bình Xuân 2, ống HDPE D160 dài 3.500 m, kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng.

Trường hợp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt, sẽ sử dụng đoạn ống 2 làm tuyến ống nước thô, bố trí trạm bơm nước thô từ ao Rạch Vẽ đoạn cầu Bình Thành dẫn về trạm Bình Xuân 2 để sản xuất; dành thêm sản lượng nước tiếp nhận từ Nhà máy nước Đồng Tâm trên tuyến số 5 cấp về Khu công nghiệp Gia Thuận và các xã Gia Thuận, Tân Phước. Qua khảo sát ao Rạch Vẽ có trữ lượng lớn và nước chất lượng khá tốt vào mùa khô.

2. Giao Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang phối hợp, đề nghị Công ty Cổ phần Nhà máy nước Đồng Tâm tăng sản lượng nước cung cấp về các huyện, thành phố phía Đông của tỉnh khoảng 20.000 m3/ngày đêm, từ đó bổ sung nguồn nước Nhà máy nước Đồng Tâm cho xã Bình Đông và xã Bình Xuân.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang thường xuyên kiểm tra thủy lực mạng lưới đường ống cấp nước khu vực phía Đông để phát hiện các điểm nút bị “thắt cổ chai”, từ đó có giải pháp đầu tư nâng cấp các điểm này nhằm khơi thông áp lực đảm bảo cung cấp nước về đến cuối nguồn.

- Cử tri huyện Tân Phú Đông đề nghị sớm triến khai thi công các đường ống nước để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là mùa khô.

UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:

Năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giao Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã thực hiện đầu tư 02 công trình cho huyện Tân Phú Đông theo Quyết định 798/QĐ-UBND ngày 3-5-2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024, cụ thể:

- Đang thi công Tuyến ống cấp nước HDPE D63 đường Hai Thương nối dài đoạn từ đường tỉnh 877B đến hộ Lê Thị Cẩm Oanh, ấp Phú Hữu, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, chiều dài 1.200 m.

- Tuyến ống cấp nước D160 HDPE đường tỉnh 877B (đoạn từ tăng áp Bà Từ đến ngã 3 Pháo Đài) xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông, chiều dài 2.300 m, đang chờ UBND Huyện Tân Phú Đông cấp phép thi công (dự kiến thực hiện thi công trong quý III năm 2024).

- Tuyến ống HDPE D250, L=200m dẫn nước thô từ sông Tiền vào ao chứa 6 ha, xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông.

Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang phối hợp UBND huyện Tân Phú Đông thực hiện 5 tuyến ống vùng lõm bằng nguồn vốn hỗ trợ có trong Kế hoạch 435/KH-UBND ngày 17-10-2023, cụ thể:

- Tuyến ống đường Kênh Giữa, ấp Tân Xuân - Tân Thạnh, xã Tân Phú, HDPE D63 L=800 m.

- Tuyến ống nước đường Xuân An 1, ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, HDPE D63 L=450 m.

- Tuyến Tân Hòa 2, ấp Tân Hòa, xã Tân Thạnh, HDPE D63 L=950 m.

- Tuyến Tân Hòa 3, ấp Tân Hòa, xã Tân Thạnh, HDPE D63 L=850 m.

- Tuyến đường ống lộ Sáu Đồng, ấp Tân Ninh - Tân Thành, xã Tân Phú, HDPE D63 L=1.000 m.

Đầu tư các tuyến ống vùng lõm bằng nguồn vốn hỗ trợ khác, cụ thể:

- Tuyến ống đường huyện 83B (xã Phú Đông).

- Tuyến ống đường Rạch Đôi (xã Phú Tân).

- Tuyến ống cặp sông cửa Trung (xã Tân Thạnh).

- Tuyến ống Tân Hòa - Tân Lập (xã Tân Thạnh).

- Tuyến ống đường Bảy Thập (xã Phú Thạnh).

- Tuyến ống Kinh tế mới nối dài (xã Phú Tân).

Các tuyến ống này đã đưa vào khai thác sử dụng. Tính đến hết quý II năm 2024, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã tự thực hiện và phối hợp địa phương thực hiện được 12 công trình (1 công trình tuyến ống chính và 11 công trình tuyến ống vùng lõm). Trong quý III năm 2024, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện 2 công trình.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn nước ổn định lâu dài trong năm 2024 - 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông và Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang:

- Nghiên cứu, đầu tư xây dựng mới nhà máy nước mặt tại ao 6 ha xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông với công suất 8.000 m3/ngày đêm.

- Đầu tư tuyến ống chuyển tải D315, L=15 Km từ ao chứa 6 ha xã Tân Thới đến đường vào bến đò Tân Xuân xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông.

(còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/ban-doc/202408/tra-loi-kien-nghi-cua-cu-tri-truoc-ky-hop-thu-13-hdnd-tinh-tien-giang-khoa-x-ve-linh-vuc-cap-nuoc-1019133/