Trả lương trăm triệu, doanh nghiệp vẫn đỏ mắt tìm giám đốc marketing
Ngoài khả năng thấu hiểu khách hàng, khả năng phân tích, nhìn nhận vấn đề, không ngừng học hỏi để tư duy chiến lược không bị lạc hậu thì bản năng cũng là một yếu tố được đánh giá cao ở các giám đốc marketing.
Theo bà Tuệ Nguyễn, Giám đốc Văn phòng Hà Nộicủacông ty tư vấn và tìm kiếm nhân sự cao cấp RGF, mức lương của ngành marketing hiện khá cao so với mặt bằng chung thu nhập hiện nay.
Cụ thể, tại các doanh nghiệp đa quốc gia ở Việt Nam, lương tháng của quản lý thương hiệu vào khoảng 30 - 35 triệu đồng, quản lý thương hiệu cấp cao có thể đạt 60 - 70 triệu đồng, trưởng phòng marketing khoảng 60 - 70 triệu đồng và giám đốc marketing có thể lên đến 200 triệu đồng.
Đối với doanh nghiệp trong nước đã phát triển thành mô hình công ty mẹ - con hoặc có doanh số 1.000 - 2.000 tỷ đồng, lương tháng của một quản lý thương hiệu vào khoảng 20 - 30 triệu đồng, quản lý thương hiệu cao cấp là 30 - 40 triệu đồng và giám đốc marketing dao động từ 60 - 100 triệu đồng.
Đặc biệt, lương của chuyên viên cao cấp mảng marketing kỹ thuật số (digital marketing) tương đương mức lương của một giám đốc marketing truyền thống, vị trí quản lý có thể cao gấp đôi.
“Các tập đoàn từ Thái Lan, Indonesia sang làm việc với chúng tôi nhờ tìm kiếm nhân sự để xây dựng văn phòng ở Việt Nam cũng phải ngạc nhiên vì mức lương của nhân sự marketing cao hơn kỳ vọng của các nước”, bà Tuệ cho biết.
Dù vậy, một thực trạng được bà Tuệ chỉ ra tại tọa đàm "Khám phá sự nghiệp giám đốc marketing và thương hiệu" do Câu lạc bộ Giám đốc Sales & Marketing tổ chức cuối tuần trước, là nhân sự marketing đang rất khan hiếm, đặc biệt là vị trí cấp cao như giám đốc. Đây cũng là thực trạng chung ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Bà Tuệ cho biết, trong vòng 5 năm qua, khi Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn với các công ty nước ngoài, tình trạng thiếu hụt nhân sự cao cấp trong ngành marketing cả về số lượng lẫn chất lượng đang là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp.
Ở TP. HCM, nhu cầu nhân sự marketing luôn cao và nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài buộc phải đầu tư đào tạo nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định. Vì thế, vị trí giám đốc marketing tại nhiều doanh nghiệp vẫn do người nước ngoài đảm nhiệm mặc dù họ rất muốn địa phương hóa nhân sự này.
Thực trạng này ở Hà Nội còn nghiêm trọng hơn. Nhiều tập đoàn lớn tìm người ròng rã vài năm không được, vẫn phải dùng tới đại lý, các mảng chính vẫn phải nhờ chuyên gia marketing tư vấn.
“Trong 10 năm tới, ngành marketing, đặc biệt các vị trí nhân sự cấp cao vẫn là một thị trường sôi động cho những người có chuyên môn”, đại diện RGF nhận định.
Ngoài lý do thiếu hụt nguồn cung, việc doanh nghiệp đỏ mắt tìm giám đốc marketing một phần cũng do vị trí này ngày càng quan trọng trong các doanh nghiệp, đặc biệt trong việc hình thành và dẫn dắt chiến lược của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Quỳnh Trang, Giám đốc marketing IBM Việt Nam cho biết, tại IBM chiến lược marketing luôn là một phần quan trọng trong chiến lược chung của công ty, thậm chí có thời điểm dẫn dắt luôn chiến lược của cả công ty.
Gắn bó với IBM đã 15 năm, bà Trang bắt đầu từ vị trí giám đốc truyền thông khu vực miền Nam, trở thành giám đốc marketing và thương hiệu cho các thiết bị phần cứng ở khu vực Đông Nam Á, sau đó phụ trách về phần mềm ở Việt Nam rồi được bổ nhiệm làm giám đốc marketing toàn quốc.
Đó là một lộ trình thăng tiến dài nhưng khá tuần tự, không có đột phá nhưng tạo được thế mạnh. Nhờ trải qua các bộ phận và công việc khác nhau nên bà Trang cảm thấy khá vững vàng khi đảm đương vị trí giám đốc marketing quốc gia.
Chiến lược của IBM là địa phương hóa phương thức tiếp cận khách hàng thay vì địa phương hóa sản phẩm.
Bà Trang dường như may mắn hơn nhiều người khác khi ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch LeBros tiết lộ, có tới 77% trong số 360 giám đốc sales và marketing trên toàn cầu được khảo sát trong một nghiên cứu tin rằng chưa thể khai thác đủ tiềm năng về doanh số từ khách hàng kết nối. Điều này có nghĩa là vai trò của họ chưa hoàn thành, tiền bạc rơi đâu đó khắp nơi chưa thu được. Đó là vấn đề của marketing.
Khoảng 80% giám đốc marketing được khảo sát cho rằng không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng hiện tại. Có người chưa biết làm như thế nào, có người chưa biết giải quyết vấn đề kiểu gì. 95% cho rằng đang thiếu kiến thức về địa phương trong khi 42% cho rằng giá trị quan trọng của giám đốc marketing chính là thấu hiểu địa phương.
Làm giám đốc marketing ngày càng khó
Ngày xưa marketing được coi là quảng cáo, truyền thông, bán hàng nhưng nay những điều đó chỉ là một phần của marketing. Sau 15 năm kinh nghiệm, bà Tuệ cho biết sự sáng tạo, khả năng xây dựng các chiến dịch quảng cáo thu hút khách hàng là yếu tố quan trọng hàng đầu khi các doanh nghiệp đặt hàng giám đốc marketing từ RGF.
Tuy nhiên gần đây, tư duy chiến lược lại là yếu tố tiên quyết. Giám đốc marketing phải là những người có khả năng phối hợp đội, nhóm. Để sản phẩm ra được thị trường, họ phải dẫn dắt được bộ phận sản xuất. Để sản phẩm phân phối tốt trên thị trường, phải làm việc với các bộ phận trong chuỗi cung ứng. Để thu hút khách hàng thì thậm chí còn phải làm việc với bộ phận tài chính.
“Giám đốc marketing và chủ doanh nghiệp cần nằm trên một vòng tròn và tìm ra điểm chung về kỳ vọng và tư tưởng. Marketing hơn bao giờ hết phải đứng ở vị trí trên cùng trong các dự án, nếu không sẽ mặc định lùi lại phía sau làm chuyên môn, làm truyền thông thông thường”, bà Tuệ khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Lê Tùng, Giám đốc marketing Tập đoàn Sunhouse, muốn làm được điều đó thì chủ doanh nghiệp phải xác định trao quyền. Muốn được trao quyền thì những người có nguyện vọng làm giám đốc marketing phải chứng minh được năng lực.
Ông Tùng cho biết, ở Sunhouse hiện đang đào tạo ba nhân sự để chuẩn bị cho vị trí giám đốc marketing. Người nào muốn đảm nhiệm vị trí này, thứ nhất, đứng trước ban giám đốc phải làm thế nào bảo vệ được khách hàng. Thứ hai, phải hiểu và nắm bắt chuỗi giá trị của doanh nghiệp, hiểu rõ các phòng ban từ sản xuất đến bán hàng. Thứ ba, có khả năng dẫn dắt và kết nối.
Hiểu được khách hàng đã quan trọng nhưng hiểu và gắn với giá trị thực tế của công ty còn quan trọng hơn nhiều, ông Tùng nói.
Để bảo vệ ý kiến trước ban giám đốc, bà Trang cho rằng không nên bảo vệ ý kiến của mình mà xuất phát từ ban giám đốc trước. Cụ thể, phải hỏi doanh thu trong thời gian tới cần bao nhiêu, muốn tập trung vào đâu, ưu tiên gì. Kế hoạch marketing cần xuất phát từ nhu cầu khách hàng, ưu tiên doanh nghiệp, và đảm bảo hoàn thành.
Như ở Sunhouse, ngoài Chủ tịch Nguyễn Xuân Phú còn có bảy giám đốc ngành hàng và giám đốc tài chính. Như vậy, khi đứng trước ban giám đốc xin đầu tư, phải hiểu được từng giai đoạn và đáp ứng nhu cầu những khách hàng nào. Kinh doanh phát triển còn có thể xóa được nguy cơ xung đột giữa marketing và bán hàng.
Với bối cảnh hiện tại, bà Tuệ cho rằng giám đốc marketing được định vị là quản lý cấp trung, phải quản lý, dẫn dắt được nhóm nhân viên cấp dưới. Không chỉ có các kỹ năng mềm như huấn luyện, đào tạo để hướng dẫn cấp dưới mà còn phải đưa ra ý tưởng để họ tự dẫn dắt đến câu chuyện doanh nghiệp và được truyền cảm hứng.
Đồng thời, phải tạo được ảnh hưởng đối với nhóm lãnh đạo cấp trên, đặc biệt là những lãnh đạo thuộc thế hệ trước có cách suy nghĩ, tiếp cận theo lối mòn và áp đặt với mô hình quản trị sơ khai; thậm chí phải có sự kiên trì, đưa ra lộ trình thay đổi tư duy lãnh đạo.
Bên cạnh những tố chất một giám đốc marketing cần có ngoài năng lực khung là nắm được những suy nghĩ, mong muốn ẩn giấu sâu bên trong ảnh hưởng đến hành vi và quyết định mua hàng của khách hàng cũng như khả năng phân tích vấn đề thì năng khiếu, bản năng là yếu tố được các chuyên gia đánh giá cao.
Tuy nhiên, bà Tuệ cũng lưu ý, bản thân vị trí của người làm marketing trong tổ chức rất áp lực, cần phải đi học liên tục để tư duy chiến lược không bị lạc hậu.
Đặc biệt, một trong những thách thức lớn nhất đối với các marketer hiện nay là marketing kỹ thuật số đang trở thành xu hướng nóng. Nhân sự công nghệ trong ngành marketing kỹ thuật số có thể có thu nhập mức lương cao hơn cả giám đốc marketing.
Nhiều người còn nhận định tương lai vai trò dẫn dắt về chiến lược marketing sẽ tích hợp và chuyển dịch sang vị trí của giám đốc công nghệ.
Tuy nhiên, ông Lê Hùng, Giám đốc Mobio - công ty giải pháp công nghệ phần mềm cho ngành marketing, cho rằng, vai trò chiến lược dẫn dắt vẫn nên thuộc về giám đốc marketing, những người có nền tảng cơ bản và khả năng nhạy bén với thị trường.
Ông Hùng khuyên rằng giám đốc marketing không nên hành động “đơn độc” mà nên cộng tác cùng những người giỏi ở các mảng công nghệ thông tin, giải pháp phần mềm, liên tục tiến hành những thử nghiệm nhỏ trước khi chính thức áp dụng các công cụ công nghệ để việc thực thi chiến lược của họ trở nên hoàn thiện và đáp ứng sát với nhu cầu đòi hỏi của khách hàng, thị trường hơn.
Sự kiện "Khám phá sự nghiệp giám đốc marketing & thương hiệu" do Câu lạc bộ Giám đốc sales và marketing (CSMO) phối hợp cùng cơ quan chủ quản là Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD), Câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) và Câu lạc bộ Truyền thông tiếp thị Việt Nam (VMCC) tổ chức tại Hà Nội ngày 24/8/2019. TheLEADER.vn là đơn vị bảo trợ truyền thông cho sự kiện này.
Trong tháng 9/2019, CSMO sẽ tiếp tục tổ chức một chương trình đào tạo cho các thành viên của câu lạc bộ với 11 module đi sâu vào các khung công việc mà một giám đốc marketing cần phải hoạch định, ra quyết định và tổ chức thực thi, từ lên kế hoạch, phân tích, đo lường đánh giá đến đến lộ trình, cách thức chuyển dịch số hóa hoạt động marketing. Thậm chí sâu hơn nữa là module chuyên biệt về rào cản con người và các yếu tố văn hóa doanh nghiệp, cung cấp các kỹ năng thiết yếu mà một CMO ngày nay cần để chiến thắng.