Trả món nợ với tiền nhân

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền dành sáu năm nghiên cứu, tìm hiểu để vén bức màn bí mật của quá khứ, đi tìm bài bản, khuôn thước trong nghệ thuật hát Ca trù (còn gọi là Ả đào). Giáo sư Tô Ngọc Thanh gọi công trình nghiên cứu của anh là “vô tiền khoáng hậu”. Còn anh, chỉ giản dị rằng, anh đã trả được món nợ với tiền nhân, đưa Ca trù trở về những giá trị cốt lõi, tinh chất của nó.

- Phóng viên: Tôi tò mò tự hỏi, điều gì thôi thúc anh đi vén bức màn bí mật của quá khứ, với ca trù, một công việc rất khó khăn, nhọc nhằn như thế?

+ Bùi Trọng Hiền (BTH):Tôi được đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp từ bé, là một nhà khoa học, tôi nghiên cứu rất nhiều thể loại âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đặc biệt chú trọng mảng âm nhạc chuyên nghiệp của người Kinh như chèo, tuồng, hát xẩm, hát văn... Với một bề dày nghiên cứu như thế nhưng tôi nghe Ca trù, cái tai vẫn bị đánh lừa! Cho đến năm 2014, trong Liên hoan Ca trù Toàn quốc, tôi ngồi chấm thi với cụ Đẹ, cụ cứ làu bàu chê, “hát chả có phách gì cả, chỗ này phải đàn cung Nam sao lại đàn cung Bắc”. Lúc đó cụ đưa ra nhiều thuật ngữ mà tôi không hiểu, tôi chỉ nghe họ hát hay hay dở và chênh phô chứ chưa nghe được âm luật như cái tai của cụ. Lâu nay, cũng biết rằng các nghệ nhân nhà nghề luôn chê đào kép thời nay đàn hát không có phách, không có khuôn khổ. Nhưng thế nào là đúng thì các cụ không nói. Tôi cũng sực tỉnh, bao năm thân thiết với cụ Đẹ mà không để ý rằng ông là kép đàn nhà nghề cuối cùng của Việt Nam. Thế là ngay sau Liên hoan Ca trù năm 2014, tôi khăn gói xuống nhà cụ Đẹ, bắt đầu cuộc điền dã lớn nhất. Mục tiêu của tôi là khám phá ra bằng được âm luật của ca trù và khi xác định được lý thuyết cơ bản thì sẽ xác định được thế nào là đúng/sai. Trong một năm đó, tôi liên tục xuống nhà cụ Đẹ, phỏng vấn, ghi chép, gỡ băng phân tích, cùng ông nghe tư liệu để tìm ra cái gì thực sự đúng và quy luật nằm ở đâu. Có cả một mớ bòng bong về lý thuyết cần giải quyết. Trong khoảng 1 năm ấy, tôi đã hoàn thành các nghiên cứu cơ bản về cung điệu. Cuối năm đó tôi bị xuất huyết dạ dày, rồi đầu năm 2016, cụ Đẹ bị tai biến, đành tạm ngưng công việc để trị bệnh. Đến năm 2017, được cơ quan giao đề tài mở lớp tập huấn cho nhóm ca trù Phú Thị, tôi tiếp tục khám phá cấu trúc khổ đàn/ khổ phách, vừa nghiên cứu vừa dạy. Cái mà các cụ gọi là có “khuôn thước” hay không; hát “có phách” hay “không có phách” chính là nằm ở các khổ phách/ khổ đàn.

Đến năm 2018, tôi chấp bút tổng kết và tiếp tục phát hiện ra nhiều cái mới. Khi phát hiện ra mảnh ghép cuối cùng để ghép nối toàn bộ khổ phách/khổ đàn của ca trù, cảm giác vỡ òa ra tất cả, tôi hiểu dòng chảy đã được khai thông. Từ năm 2018- 2019 tôi đã công bố nghiên cứu này trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Sau 1954, hệ thống nhà hát cô đầu bị xóa sạch, bị xã hội mới kỳ thị, các đào kép đều phải mai danh ẩn tích. Ở làng quê, không còn lễ hội, giáo phường cùng lối hát cửa đình cũng giải tán… Đào kép người đi làm ruộng như cụ Nguyễn Phú Đẹ, người chuyển sang hát chèo như bà Phó Thị Kim Đức, người đi bán hàng xén như bà Nguyễn Thị Chúc. Người may mắn như bà Quách Thị Hồ, bà Nguyễn Thị Phúc còn được đi ngâm thơ ở Đài Phát thanh. May hồi đó, Viện Âm nhạc còn kịp thu được một số bài bản của bà Hồ, bà Phúc… Năm 1976, giáo sư Trần Văn Khê về nước, thu âm các bài của bà Hồ và bà Phúc mang ra nước ngoài. Từ đĩa thu đó bà Quách Thị Hồ được UNESCO vinh danh là giọng ca hay nhất thế giới. Lúc đó nhà nước mới phong NSND cho bà Hồ và ca trù được khôi phục trở lại. Một thể loại âm nhạc khó như thế, bị đứt đoạn lưu truyền hơn 50 năm không còn ai đàn hát, khi phục dựng rất khó. Chúng ta gần như mất hết. Ngày xưa các cụ trong lò đào tạo giáo phường, đi hát từ 5-6 tuổi, 16 tuổi mới ra hát, khuôn thước ngấm vào người, còn bây giờ, chỉ học được vài năm, rồi nghe băng tự học và đi hát, loại hình này không thể nghe băng tự học được nếu không có khuôn thước trong người.

Tôi nhớ, bà Phúc từng trả lời phỏng vấn giáo sư Trần Văn Khê rằng: “Tôi không được may mắn như bà Hồ, tôi mãi 12 tuổi mới được học phách và đi hát năm 20 tuổi”. Như thế bà mất tới 8 năm để ngấm và hiểu bài bản. Còn bây giờ, chỉ học vài ba bài, rồi nghe băng thì làm sao khuôn thước ngấm vào người được.

- Phóng viên:Gíao sư Tô Ngọc Thanh cho rằng, từ trước đến nay chúng ta tiếp cận di sản chủ yếu bằng tình cảm và cảm tính là chính, chúng ta thiếu những căn cứ khoa học, đó cũng là một trong những lý do khiến di sản mai một, thất truyền?

+ BTH: Thực ra là quá khó nên mọi người không muốn làm, không dám dấn thân. Đơn cử như miếng ghép cuối cùng trong khổ đàn/ khổ phách của ả đào là khổ rải. Để xác định chính xác nó là 11 nhịp khuôn thước, tôi phải ký âm tổng phổ rất nhiều bài bản ả đào, giai điệu nhạc hát, nhạc đàn, phách để đối sánh. Trung bình 2 khuông nhạc khổ rải tôi phải ký âm mất 5-6 tiếng, làm việc liên tục, mới phát hiện ra quy luật. Sau khi nhận ra quy luật rồi, tôi dành 2 tuần chỉ nghe nhạc của bà Hồ và bà Phúc, có bao nhiêu bài của các cụ tôi nghe hết và chỉ soi đúng khổ rải có thừa thiếu hay không. Khi xác định xong độ chính xác đến hoàn hảo của nó, tôi trào nước mắt. Chúng ta đang sở hữu một báu vật vô giá bởi tư duy âm nhạc của ca trù là tư duy độc nhất vô nhị trên thế giới, đó là cấu trúc lắp ghép các mô hình khổ đàn/khổ phách liền mạch và khép kín, cực kỳ chính xác.

- Phóng viên: Ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, vậy những công bố của anh có gây chấn động trong giới nghiên cứu, những người làm nghề vốn từ lâu được vinh danh từ ca trù hay không?

+ BTH: Khi nghiên cứu xong, tôi biết sẽ có những hiệu ứng trái chiều. Sẽ có những người nhận thức ra họ sai và chấp nhận sửa, ngược lại, có những phản ứng tiêu cực, vì chả lẽ lâu nay họ sai à? Năm 2017, khi tôi huấn luyện lớp ca trù Phú Thị, trong nhóm có những phản ứng khác nhau, lúc đầu họ phản ứng lại với lý thuyết tôi tìm ra, nhưng sau khi phân tích, nghe tư liệu, họ bị thuyết phục. Hay khi tôi mở băng cho NSND Thanh Hoài nghe, chị công nhận luôn, đúng là khó thật, chị thú nhận chị hát không có phách mà chỉ bắt chước giọng hát của bà Hồ. Người danh tiếng và giàu lòng tự trọng như chị, dám nhận mình sai, đó là một thái độ rất đáng trân trọng. Hay như CLB ca trù Hà Tĩnh, sau khi tôi mở băng cho họ nghe và chỉ ra khuôn thước chuẩn mực, họ im lặng ra về. Hôm sau, một người trong nhóm gọi cho tôi nói rằng “chúng em sốc quá, hóa ra từ xưa đến nay, chúng em không hiểu gì về ca trù”. Họ nhận thức được vấn đề. Nhưng cũng có nhiều phản ứng tiêu cực, đầu năm nay tôi định tập huấn cho một câu lạc bộ ở Hà Nội, có một đào nương đã phản ứng kiểu “em định dạy chị á???”. Ở đây, thái độ cầu thị rất quan trọng. Những người đó họ cho là họ đúng trong khi khoa học của tôi không phải là niềm tin hay cảm xúc mà là thực chứng. Nhiều người còn mỉa mai nói tôi nghiên cứu vì tôi yêu ca trù hay vì động cơ gì khác? Tôi thì hiểu rằng, nếu lớp tập huấn thành công, các đào kép tham dự sẽ trở về với cội nguồn còn những người kia vẫn mãi mãi đàn hát không có phách. Khó khăn lớn nhất chính là vượt qua bản thân mình, vì họ là NSƯT, NNƯT, huy chương đầy mình, họ có danh tiếng cũng từ ca trù, bỗng nhiên nhận mình sai, đâu có dễ.

- Phóng viên: Không thể chờ nhận thức và thái độ dũng cảm của các đào kép hiện nay, theo anh, chúng ta phải có những động thái như thế nào từ phía quản lý nhà nước để bảo vệ, gìn giữ đúng giá trị của di sản quý giá này?

+ BTH: Cục Di sản dự định mở một dự án quy mô toàn quốc, rất khó nhưng phải làm. Chúng ta cần những người có thể đàn hát chưa hay nhưng phải đúng. Trong kết luận báo cáo khoa học tôi nói rất rõ, người hát đúng và truyền cho giới trẻ cái đúng đó mới có giá trị. Từ trước đến giờ mọi người chỉ thích hát hay thôi. Nhưng phách đúng vô cùng quan trọng, cấu trúc lắp ghép của ca trù- đó mới là tinh chất, cốt cách, giá trị đích thực của di sản. Nếu anh không đúng thì không bảo tồn được di sản mà thực tế anh đang bảo tồn cái vỏ hào nhoáng, còn cái giá trị đẳng cấp của ả đào không bảo tồn được.

- Phóng viên: Gíao sư Tô Ngọc Thanh đánh giá cao những nghiên cứu của anh và coi đó là những nghiên cứu “vô tiền khoáng hậu”. Chúng tôi gọi anh là “báu vật” của ca trù. Còn anh, những việc làm gian nan, khó nhọc này có ý nghĩa gì với anh?

+ BTH: Đó là nghiệp của tôi. Ai cũng hiểu, để sáng tạo ra một thể loại âm nhạc như thế, người Việt đã mất cả nghìn năm tích lũy và phát triển. Đó là công sức của ngàn đời. Vậy tại sao chúng ta không giữ nó? Để nó mất đi tôi tự thấy mình áy náy với tiền nhân. Rất may chúng ta còn tư liệu, hệ thống băng đĩa để vén bức màn quá khứ. Có thể thế hệ hôm nay chưa thích ca trù, chưa hiểu hết giá trị của nó, nhưng con cháu chúng ta, ít nhất cũng có chỗ để nhìn lại, rằng ngày xưa cha ông ta đã từng rực rỡ, huy hoàng như thế!

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Ngày xuất bản: 16-02-2021

Ngày xuất bản: 16-02-2021

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH

Nội dung: VIỆT HÀ

Kỹ thuật & Đồ họa: NGUYỄN ĐĂNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chan-dung/tra-mon-no-voi-tien-nhan-634390/