'Trả nợ' cho di sản

Hơn 50 năm sống 'bám' trên Kinh thành Huế; những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; những cư dân đầu tiên sẽ dần rời khỏi khu vực này. Ước mơ 'trả món nợ di sản' của hàng ngàn hộ dân sống trong khu vực Kinh thành Huế dần trở thành hiện thực.

Hơn 50 năm sống “bám” trên Kinh thành Huế; những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; những cư dân đầu tiên sẽ dần rời khỏi khu vực này. Ước mơ “trả món nợ di sản” của hàng ngàn hộ dân sống trong khu vực Kinh thành Huế dần trở thành hiện thực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm các cư dân Thượng thành trước lúc họ chuyển đến nơi ở mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm các cư dân Thượng thành trước lúc họ chuyển đến nơi ở mới.

Bảo tồn giá trị do tiền nhân để lại

Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Cũng từ đó, những cư dân đang ở “nhờ” trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, nhất là khu vực 1 (KV1)” - khu vực bất khả xâm phạm theo Luật Di sản văn hóa cũng được nhà nước dự tính di dời. Nhưng từ đó đến nay, số hộ dân trong khu vực không những không giảm mà còn tăng lên hằng năm. Nếu năm 1995, có 1.838 hộ thì đến năm 2018, đã có khoảng 4.200 hộ dân, với hơn 20.000 nhân khẩu. Đây cũng là số hộ dân TT-Huế đã lên phương án di dời từ nay đến năm 2023 để bảo tồn và tôn tạo di tích Kinh thành. Như lời của ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, việc di dời các hộ dân sống trong Kinh thành Huế không chỉ nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử và bảo tồn các giá trị văn hóa do tiền nhân để lại, chỉnh trang cảnh quan đô thị và phát huy giá trị di tích phục vụ cho phát triển du lịch, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh, mà còn ổn định và nâng cao đời sống người dân sinh sống trong các khu vực di tích.

“Mở” lòng dân bằng khung chính sách

Hơn 40 năm làm Tổ trưởng tổ dân phố 14 P.Thuận Lộc (TP Huế- phường có nhiều hộ di dời nhất), ông Trần Văn Cẩm nhớ rõ từng nếp nhà, biết cụ thể từng hoàn cảnh, tâm tư của mỗi gia đình và nằm lòng thời điểm họ đến sống nhờ đoạn thành này. Ông nói, việc di dời dân cư ra khỏi KV1, Kinh thành Huế đã được nói nhiều, bàn nhiều và kiến nghị nhiều, nhưng vì nhiều lý do mà chưa thành. Trong khi đó, cuộc sống của người dân ở KV1, Kinh thành Huế đa phần đều khó khăn. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, lực bất tòng tâm, họ chấp nhận kéo dài cuộc sống tạm bợ, chất lượng thấp kém và bị đè nặng bởi “món nợ di sản”. Đây cũng là nút thắt khiến TT-Huế không thể giải quyết dứt điểm việc di dời dân cư ra khỏi KV1 khoanh vùng bảo vệ di tích trong nhiều năm qua.

Với quan điểm thực hiện chính sách có lợi nhất cho người dân và đảm bảo an dân, TT-Huế đã xây dựng khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế chia sẻ: Nút mở ý nghĩa nhất của khung chính sách là Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chuyển đối tượng từ không được đền bù, qua được hỗ trợ theo các mức quy định của Luật Đất đai. Đây là bước đột phá giúp TT-Huế giải quyết những điểm nghẽn về cơ chế chính sách kéo dài hàng chục năm qua. Nếu không có khung chính sách này, chúng ta không có hành lang pháp lý để giải quyết một cách đồng bộ các vướng mắc trong cuộc di dân lịch sử này.

Một trong những mẫu nhà mà cư dân Thượng thành chọn lựa khi đến nơi ở mới.

Một trong những mẫu nhà mà cư dân Thượng thành chọn lựa khi đến nơi ở mới.

Cuộc đổi đời của những cư dân nghèo

Hơn 4.200 hộ dân sinh sống trong KV1 Kinh thành Huế sau khi di dời, được bố trí đến định cư ở P. Hương Sơ, TP Huế. Mới đây, được lãnh đạo tỉnh, thành phố mời đi thăm nơi ở mới đang hoàn thiện hạ tầng; những cư dân đang sống “treo” ở Kinh thành Huế tâm trạng nôn nao, vừa mừng vừa lo. Họ mừng là vì sẽ được chuyển về nơi ở mới, chấm dứt cảnh “sống” bám di tích hàng chục năm qua. Nhưng cũng vì thế mà họ lo, không biết lấy tiền đâu ra để xây nhà. Bà Phan Thị Cháu (72 tuổi, trú P. Thuận Lộc, TP Huế) nói rằng, gia cảnh nghèo khó, một mình phải nuôi 2 người con bị tâm thần. “Bản thân tui cũng bị mù một con mắt, nhà lại neo người, chừ tiền không có làm răng xây được nhà. Mần răng mà tui yên tâm về chỗ ở mới được?” - bà Cháu bật khóc giữa hội trường.

Giải đáp tâm tư này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế cho biết, đối với 32 hộ nghèo, hộ khó khăn thuộc diện di dời đợt này, sẽ được thành phố, tỉnh xây nhà mới theo diện “chìa khóa trao tay”. Có 8 mẫu thiết kế nhà được đưa ra cho các hộ nghèo chọn và thống nhất chọn mẫu đồng bộ. Và, khi xây nhà xong họ chỉ việc dọn đến ở sau khi tiến hành di dân...

Mới đây, cùng những cư dân Kinh thành Huế đến thăm nơi ở mới mà họ sắp dọn đến, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế hứa “sẽ không có người dân nào bị bỏ lại phía sau” trong cuộc di dân lịch sử này. “Chính quyền sẽ cố gắng hết sức để bà con được đến một nơi ở mới hiện đại, tiện nghi và xanh - sạch - sáng hơn nơi ở cũ” - ông Thọ hứa. Để vận động các nguồn hỗ trợ, giúp đỡ đối với các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc dự án di dời, tái định cư, giải phóng mặt bằng KV1 Kinh thành Huế, UVT.Ư Đảng- Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế Lê Trường Lưu đã có thư kêu gọi hưởng ứng Quỹ “Vì người nghèo” năm 2019. Lời kêu gọi trên đã được các cấp, các ngành, cá nhân, tổ chức tích cực ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình. “Cuộc di dân lần này là một chủ trương lớn, theo nhận định của Chính phủ, Quốc hội thì đây là cuộc di dân mang tính lịch sử của tỉnh TT-Huế”- ông Thọ nói... Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hàng chục hộ dân đầu tiên sẽ dọn đến và đón cái Tết đầu tiên trong chính ngôi nhà mới của mình.

HẢI LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_219765_-tra-no-cho-di-san.aspx