Trả tiền cho người quay video vi phạm giao thông: Cẩn thận phản tác dụng
Trước thông tin, Cục CSGT đề xuất cơ chế trả tiền cho người gửi video về vi phạm giao thông, luật sư Phạm Văn Phất, Văn phòng Luật sư An Phát Phạm, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng sẽ phát sinh nhiều vấn đề nếu ban hành ra quy định mà không có khả năng thực hiện đầy đủ, thống nhất sẽ phản lại tác dụng.
Thưa luật sư, pháp luật hiện nay quy định như thế nào về việc sử dụng video của người dân quay được về vi phạm giao thông?
Luật sư Phạm Văn Phất: Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính. Tại Điều 64 Luật này cũng quy định, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, các biện pháp nghiệp vụ khác nhằm xác định thông tin, dữ liệu được thu thập từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Tại Điều 24 của Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an ban hành vào giữa năm 2020 có quy định về tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Đến cuối năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2021/NĐ-CP về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính (gọi tắt là Nghị định 135).
Vậy các bước để tiến hành xác minh, xử lý vi phạm từ video của người dân quay lại đang được quy định như thế nào, thưa luật sư?
Luật sư Phạm Văn Phất: Theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 135, dữ liệu do cá nhân, tổ chức thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền hoặc hiện trường xảy ra vụ việc để cung cấp; gửi qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng; dịch vụ bưu chính; kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Tiếp đến, cơ quan chức năng tiến hành xác minh dữ liệu và kết luận nội dung vụ việc. Trường hợp phát hiện có vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ cho người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật. Trường hợp xác định không có vi phạm hành chính hoặc không đủ căn cứ để chứng minh vi phạm hành chính thì không xử phạt vi phạm hành chính.
Trường hợp trong và sau quá trình xác minh, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hoặc dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp có dấu hiệu làm giả, làm sai lệch thì người có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư, camera bắt buộc lắp trên xe vận tải mới được Bộ GTVT chủ trì triển khai có được sử dụng để xử phạt?
Luật sư Phạm Văn Phất: Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Nghị định 135: “Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng kết quả thu thập được từ camera lắp trên phương tiện kinh doanh vận tải của tổ chức kinh doanh vận tải cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông”. Như vậy, camera bắt buộc lắp trên phương tiện kinh doanh vận tải cũng được coi là một nguồn dữ liệu xác định vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo pháp luật hiện nay, người dân có được trả công hay không? Nếu chưa thì quan điểm của luật sư như thế nào?
Luật sư Phạm Văn Phất: Pháp luật chưa có quy định về việc trả tiền cho tổ chức, cá nhân phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính. Theo luật thì đó là trách nhiệm của công dân.
Nếu đã trả tiền cho người cung cấp dữ liệu về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì cũng cần phải trả tiền cho người cung cấp dữ liệu về vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác (môi trường, xây dựng, đất đai ...). Điều này, chưa khả thi trong tình hình hiện tại.
Mặt khác, trả tiền cho người cung cấp dữ liệu về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ phát sinh thêm nhu cầu về nhân lực giải quyết thủ tục chi trả, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc chi trả tiền cho người cung cấp dữ liệu.
Hãy thử tưởng tượng hàng ngày có hàng chục nghìn các clip vi phạm được gửi đến cơ quan chức năng, thậm chí cùng một vi phạm mà có nhiều dữ liệu của nhiều người khác nhau cùng gửi đến sẽ cần thêm nhân lực giải quyết việc chi trả tiền cho người cung cấp dữ liệu. Nếu ban hành ra quy định mà không có khả năng thực hiện đầy đủ, thống nhất sẽ phản lại tác dụng. Vì vậy, theo tôi cần bàn bạc hết sức kỹ lưỡng về đề xuất này.
Xin cảm ơn luật sư!