Trả tiền cho nội dung tin tức: Canada có đi theo 'vết xe đổ' của Australia?
Theo truyền thông Canada, các nhà lập pháp nước này đang vướng vào tranh cãi với công ty công nghệ liên quan tới một đạo luật buộc họ phải trả tiền cho nhà sản xuất tin tức của Canada.
Theo truyền thông Canada, các nhà lập pháp nước này đang vướng vào tranh cãi với các công ty công nghệ liên quan tới một đạo luật buộc họ phải trả tiền cho các nhà sản xuất tin tức của Canada để có được nội dung - câu chuyện tương tự như đã xảy ra ở Australia cách đây vài năm.
Tuần trước, Google đã theo chân Meta, chủ sở hữu Facebook, công bố kế hoạch chặn người dùng Canada truy cập tin tức khi Đạo luật tin tức trực tuyến còn gọi là dự luật C-18 được ký thành luật và dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
Trong một tuyên bố gửi báo chí, người phát ngôn Zaitoon Murji, nói rằng Google phải đưa ra một "quyết định cực kỳ khó khăn" nhằm loại bỏ các liên kết tin tức của Canada khỏi các nền tảng tìm kiếm như Google News và Google Discover, gọi vấn đề này của họ với luật pháp là "không khả thi" và khó giải quyết thông qua các quy định. Ông Murji cho biết, Google cảm thấy thất vọng vì mọi chuyện diễn ra như vậy. Không một đề xuất nào của Google về việc sửa đổi dự luật C-18 được chấp thuận.
Sau động thái trên, Bộ trưởng Di sản Canada Pablo Rodriguez đã gửi tuyên bố bằng văn bản gọi động thái của các công ty công nghệ là "cực kỳ vô trách nhiệm và không thể tưởng tượng được, đặc biệt là khi họ đã kiếm được hàng tỷ USD từ những người dùng Canada" thông qua quảng cáo.
Kênh CTV News bình luận thử nghiệm về những quy định tương tự tại Australia cũng từng có một khởi đầu khó khăn, nhưng sau đó các công ty công nghệ, nhà sản xuất tin tức và chính quyền đã đạt được một điểm chung. Canada có thể học được một số bài học từ câu chuyện của Australia, mặt dù một số chuyên gia cho rằng thực tế khác biệt về kinh tế, chính trị và địa lý có thể dẫn tới kết quả khác nhau.
Tại cả Australia và Canada, các chính phủ đều ban hành quy định buộc các công ty công nghệ trực tuyến như Google và Facebook phải đồng ý trả tiền cho các nhà sản xuất tin tức để có nội dung được chia sẻ trên các nền tảng của mình. Các công ty công nghệ đều phản đối việc hai nước đưa ra những quy định đó.
Phó giáo sư Rob Nicholls của Đại học New South Wales được mạng BNN Bloomberg Canada dẫn lời nói rằng ở Australia, cả Meta và Google đều đe dọa sẽ rời khỏi quốc gia này nếu luật có hiệu lực.
Theo ông Nicholls, Google không có sự thay đổi đáng kể về các chính sách địa phương của họ, nhưng giờ đây họ sẽ tuân theo một lịch trình sản phẩm khác của Mỹ. Facebook cũng tạm thời cắt quyền truy cập tin tức năm 2021 để phản ứng lại quy định của Australia. Họ thậm chí còn chặn quyền truy cập vào các trang web khác như của sở y tế hay tổ chức từ thiện khiến Bộ Y tế Australia cảnh báo sẽ rút hết quảng cáo.
Sau một tuần thực hiện, cả Facebook và Google đều trở lại đàm phán với các nhà sản xuất tin tức ở Australia và kể từ đó đạo luật này chưa bao giờ phải áp dụng. Ước tính khoảng 150 triệu AUD (100,2 triệu USD) doanh thu hàng năm từ luật này đã được thu về, mặc dù con số đó chưa được như mong muốn của các nhà sản xuất tin tức.
Ông Nicholls cho rằng vị trí địa lý, khoảng cách giữa Canada và các thị trường khác, là một điểm khác biệt lớn so với bối cảnh của Australia, đất nước không có biên giới đất liền với Mỹ và cách xa các hoạt động chính của Meta và Google.
Phó giáo sư về báo chí kỹ thuật số Gavin Adamson của Đại học Toronto Metropolitan cũng cho rằng sự gần gũi của Canada với Mỹ làm tăng thêm sự phức tạp bởi các công ty công nghệ "không muốn bị đưa vào thế phải đàm phán với các nhà sản xuất tin tức ở một quốc gia có mạng lưới truyền thông lớn hơn nhiều lần".
Chủ nhiệm nghiên cứu luật thương mại điện tử và Internet Michael Geist của Đại học Ottawa nhận định một yếu tố khác so với bối cảnh của Australia là tình hình tài chính mà các công ty công nghệ đang gặp phải. Meta đang tập trung vào việc cắt giảm chi phí để có hiệu quả và họ không ngần ngại cắt giảm những chi phiếu lớn không mang lại nhiều giá trị cho công ty. Trong khi đó, Google cũng đã thực hiện cắt giảm việc làm trong năm nay khi đối mặt với những khó khăn tương tự của ngành công nghệ.
Ông Geist nói thêm rằng còn một khác biệt nhỏ nữa giữa hai bên. Đó là ở Australia, Chính phủ có nhiều tiếng nói hơn trong việc áp dụng luật đó đối với ai, trong khi ở Canada, Ủy ban phát thanh truyền hình và viễn thông lại là nơi đưa ra quyết định cuối cùng khiến các công ty lo ngại về vấn đề quy trình.
Google cho biết họ chưa nhận được sự đảm bảo từ Chính phủ Canada rằng những lo ngại chính của họ là buộc phải thanh toán cho các liên kết và trách nhiệm tài chính không giới hạn sẽ được giải quyết.
Đối với Meta, đây là cơ hội để phát đi tín hiệu tới các chính quyền về những quy định mà họ có thể chấp nhận và đây cũng là lý do khiến ông Geist cho rằng Meta sẽ khó có thể lùi bước trước những mối đe dọa đối với họ.
Ông Geist nói rằng quyết định của Meta là có thể dự đoán được vì công ty này từ lâu đã đe dọa xóa các liên kết khi đang chờ luật có hiệu lực, trong khi "phản hồi của Google thường ít chắc chắn hơn" vì "cách họ đánh giá tin tức không giống như Meta".
Ông còn chỉ ra rằng Meta đã chứng minh được tin tức có đóng góp rất ít cho nguồn cung tin tức của người sử dụng và có thể thay thế được. Ngược lại, kết quả tìm kiếm của Google lại chính là nguồn cung cho người sử dụng và việc gỡ bỏ kết quả tìm kiếm tin tức Canada sẽ khiến sản phẩm chủ lực của họ trở nên tồi tệ.
Ông Geist cũng lưu ý rằng Chính phủ Canada đã "tự dồn mình vào chân tường" với quan điểm dựa trên luật pháp khi xúc tiến kế hoạch của mình mặc dù có các lựa chọn khác có thể hỗ trợ cho tin tức. Nếu các "gã khổng lồ" công nghệ rút tin tức khỏi các nền tảng của họ, các nhà sản xuất tin tức Canada sẽ bị ảnh hưởng đáng kể về tài chính.
Bộ trưởng Rodriguez được kênh CTV News dẫn lời nói rằng Chính phủ sẽ có những hỗ trợ chưa xác định cụ thể cho các nhà sản xuất tin tức của Canada trong trường hợp Meta và Google chặn truy cập tin tức trong nước. Hiện nay, Chính phủ đang phối hợp với Google để làm rõ các bước tiếp theo./.