Trả trường chuyên về đúng nghĩa

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành thông tư mới về không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Theo đó, từ năm học 2024-2025, các trường THPT chuyên sẽ chỉ có các lớp chuyên, không được tuyển sinh lớp cận chuyên, chất lượng cao.

Cụ thể, Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4. Thông tư nêu rõ: Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Các lớp không chuyên đã được tuyển sinh và tổ chức trong trường THPT chuyên tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2012 và Thông tư số 12/2014 của Bộ GDĐT cho đến khi học hết lớp 12.

Như vậy, theo quy định mới, do hoạt động tuyển sinh các lớp không chuyên trong trường THPT chuyên vẫn thực hiện theo các thông tư cũ cho đến hết năm học 2023 - 2024, nên các trường THPT chuyên vẫn có thể tuyển sinh lớp không chuyên cho năm học này.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho biết, vì quy định phải thông báo thông tin tuyển sinh tối thiểu trước 60 ngày trong khi đó Thông tư đến ngày 15/4/2023 mới có hiệu lực. Hơn nữa, cần có thời gian 1 năm học để học sinh THCS biết và chuẩn bị về thay đổi này.

Thống kê cho thấy, cả nước hiện có 78 trường chuyên, trong đó 71 trường chuyên thuộc quản lý của địa phương, 7 trường chuyên thuộc các trường ĐH.

Về quy định mới nói trên, nhiều phụ huynh bày tỏ sự tiếc nuối, có người cho rằng vẫn nên giữ các lớp không chuyên trong trường chuyên. Chị Thu Nga (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, hệ thống trường công lập hiện nay còn thiếu nhiều so với nhu cầu của học sinh. Năm nào việc tuyển sinh đầu cấp nhất là tại Hà Nội đều rất căng thẳng, trong khi các trường chuyên được đầu tư cơ sở vật chất, môi trường học tập tốt như vậy sao phải bỏ hệ thống lớp không chuyên? Đó là chưa kể việc không có những lớp cận chuyên thì việc tuyển sinh đầu vào của các trường công lập top đầu ở Hà Nội càng cạnh tranh quyết liệt, cơ hội cho học sinh có môi trường học tập tốt, giáo viên có chuyên môn càng hiếm hoi.

Tuy nhiên, đóng góp cho dự thảo Thông tư về quy chế và hoạt động của trường THPT chuyên, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) đồng tình với đề xuất của Bộ GDĐT. Ông Phú cho rằng “cần đưa trường chuyên về đúng bản chất” là “phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập và phát triển năng khiếu về một số môn học”.

Tại TPHCM và Hà Nội, ngoài mô hình lớp thường trong trường chuyên còn có một số trường THPT không chuyên được tuyển lớp chuyên. Các nhà giáo cho rằng cũng nên xóa bỏ mô hình lẫn lộn này. Rằng trường thường chỉ nên có lớp thường, và trường chuyên cũng chỉ có lớp chuyên. Nếu cứ lẫn lộn như vậy, trường nào cũng đòi mở lớp chuyên có ổn không…

Chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân bày tỏ quan điểm, rất bất lợi khi mở lớp không chuyên trong trường chuyên, đó là việc tạo áp lực lên dạy thêm học thêm; tiếp tục dạy học theo kiểu cũ là coi trọng thi cử, điểm số, thu hết số lượng mũi nhọn vốn dĩ nó được rải đều ra các trường, dễ dãi lấy học sinh không đủ chuẩn vào trường tạo bất bình đẳng trong các địa phương và thu học phí cao hơn học sinh chuyên... Theo ông Ân, đã đến lúc phải thay đổi hệ thống chuyên theo hướng ít mà thực sự chất lượng, đào tạo tài năng chứ không phải tính đến chuyện ngày càng “phình” ra hệ thống trường chuyên bằng cách mở thêm trường, thêm lớp cận chuyên, chất lượng cao trong trường chuyên để thu hút người học dưới cái “mác” chuyên, trong khi việc học vẫn nặng về truyền thụ, ôm đồm kiến thức, học để luyện thi đội tuyển.

Vi Cầm

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tra-truong-chuyen-ve-dung-nghia-5711869.html