Trà và tơ lụa B'Lao qua cảm nhận của một người Nhật
Tôi tình cờ quen với một thương gia Nhật trong chuyến bay đêm tại Nội Bài. Lúc ấy khoảng bảy giờ tối, phòng cách ly dành cho khách hút thuốc chỉ có hai người.
Đêm Nội Bài mùa đông khá lạnh, êm ả. Nhìn sang tôi ông nhoẻn miệng cười rồi im lặng.
- Xin lỗi, ông là người Hàn Quốc?
Tôi hỏi ông một câu tiếng Anh thay lời chào. Ông nhìn tôi mắt sáng lên rồi trả lời bằng tiếng Anh giọng Bắc Mỹ đặc sệt:
- Không, tôi là người Nhật. Ông có phải chờ ai không? Nếu không chúng ta ngồi đây hút thuốc chuyện trò, mình còn những ba mươi phút nữa cơ mà! Ông đứng dậy chủ động bắt tay tôi với phong cách như một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
Ông tên là Yoshitaya, quê ở Tochigi, cả gia đình của ông làm nghề du lịch từ nghề trồng và chế biến trà. Riêng ông, được bố mẹ gửi sang Mỹ học thêm ngành thời trang để sau này cộng hưởng thêm trang sử dòng tộc trong thời kỳ kinh tế hội nhập toàn cầu. Yoshitaya đã nhiều lần đến Bảo Lộc để tư vấn về những đường nét trên sản phẩm tơ lụa.
Ông ấy chia sẻ: Người Bảo Lộc có thú uống trà một cách tao nhã, họ cho rằng mỗi lần thưởng thức 1 ly trà đều có hai suy tưởng, một là hướng nội là để tâm thức tĩnh trí hai là hướng ngoại để hội nhập kết giao tri âm tri kỷ. Mỗi buổi sáng chỉ cần nhìn ly trà nóng lan tỏa mùi hương, người Nhật có thể nhìn thấy trong làn khói mờ ảo ấy là cả một giang sơn hùng vỹ mà tiền nhân đã đổ máu giữ gìn”.
Nghe Yoshitaya giới thiệu về tâm thức trà Nhật, tôi chợt rùng mình, gai ốc nổi lên. Tuổi trẻ chúng tôi lòng yêu nước chỉ được hâm nóng khi tổ quốc có giặc ngoại xâm. Lúc ấy cả nước chít khăn tang lên đầu ra trận sống chết với kẻ thù, chứ gần như không để ý đến hồn nước qua một làn khói chập chờn bốc lên từ một ly trà bé nhỏ… Chia tay ông tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Sáng hôm sau tôi trở về Bảo Lộc, lúc xe lên đèo nhìn hơi nước trắng xóa cuồn cuộn bốc lên từ đá giữa cảnh núi đồi hùng vĩ, tôi chợt nhớ đến ly trà sương khói của Yoshitaya rồi liên tưởng đến hồn thiêng Đại Việt đến các vị tiên đế, các tiền nhân đã một thời chân trần mang gươm đi mở nước và hậu nhân đổ máu giữ gìn…
Mùa đông năm ngoái, từ cố đô Huế, ông điện thoại hẹn gặp tôi tại Bảo Lộc để thưởng thức trà mộc nguyên chất mà lần trước tôi đã mời ông tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Điểm hẹn tên gọi là Trà thất B’Lao. Đây là ý tưởng phục chế không gian thưởng thức trà cao nguyên đầy sáng tạo của một chủ nhân gốc Huế. Thất trà này được thiết kế và xây dựng từ phế tích của đình làng Công Hinh B’Lao, với nét kiến trúc khá độc đáo vừa kết hợp nét trầm mặc của Huế với cao nguyên trà. Vào nơi đây, người ta nhận ra được mùi của hương trầm hòa lẫn vào tiếng chuông đại hùng trầm bổng qua sóng âm thanh điện tử. Ngồi trong căn phòng tĩnh lặng trong hương khói, con người dường như cảm nhận được tiếng gọi của hồn thiêng sông núi đang ở đâu đó vọng về.
Yoshitaya trở lại Lâm Đồng theo hẹn, ngoài ông ra còn thêm Koshi, con gái của ông đang học Đại học Quốc gia Hà Nội. Koshi hiện thân của thế hệ trẻ hội nhập đầy năng động, cô nói tiếng Việt với âm sắc Hà Nội khá lưu loát. Đến khuôn viên Trà thất B’Lao, bố con Koshi thật sự bất ngờ vì sự hiện hữu thế giới trà đạo đã có mặt khắp nơi, cái hồn Samurai ở thế kỷ 21 không còn bó hẹp ở đất nước mặt trời mọc nữa. Có lẽ từ sự xúc động giữa cảnh vật có hình bóng quê nhà, nên ông giao tiếp một cách trịnh trọng rồi nhỏ nhẹ tham gia nghề trà như tâm sự với chính mình.
- B’Lao của các bạn được thiên nhiên ưu đãi. Người Pháp đã không nhầm khi chọn nơi đây là vương quốc trà từ năm 1927. Nhìn thổ nhưỡng, khí hậu và các cơ sở trà, tôi tin là nghề trà các bạn sẽ có địa chỉ, có thương hiệu trên thị trường đa quốc gia. Người Việt rất giỏi. Tuy nhiên, các bạn chú ý quá nhiều về số lượng xuất khẩu nhưng ít chú ý về sản phẩm vô hình mà trong thương trường gọi là hậu mãi. Nếu chỉ tính doanh số bán ra trên khắp thế giới, ở đâu người ta cũng làm được, họ chỉ cần mua sản phẩm thô của các bạn sau đó thay đổi hương liệu, nhãn mác, trà của các bạn sẽ có mặt ở thị trường Hồi Giáo, châu Âu hoặc Nam Mỹ. Nhưng doanh số vô hình lại mở rộng thương hiệu thay vì chi phí quảng cáo 15 đến 18% tổng doanh thu. Vì vậy đầu tư trà trực tuyến là quảng cáo thương hiệu tốt nhất. Đó là đầu tư tham quan về văn hóa trải nghiệm chè, như các bạn biết đấy! nơi nào có phong cảnh đẹp, thuận lợi đi lại, nơi đó có các dịch vụ kèm theo. Là một vương quốc chè nhưng tôi chưa phát hiện các chương trình du lịch khám phá chè trên mạng cũng như thực tế. Nếu Bảo Lộc có điểm đến thăm đồi chè và các nơi chế biến để du khách đến thưởng ngoạn thì quá lý tưởng. Nơi đó khách có thể đi dạo vườn, tự tay hái chè tươi, tự tay pha trà tạo thành một tua du lịch sinh thái và nơi đó có cả nhà nghỉ tại chỗ dành cho khách quốc tế và nội địa, riêng về món ăn nên chăng sử dụng các loại thực phẩm địa phương với loại nước uống chè tươi tinh khiết do chính họ pha mới gây được ấn tượng chuyến đi. Phát triển công nghệ bột trà xanh đóng gói để tặng khách mang về, chính họ tự quảng cáo cho ta. Nên có văn phòng du lịch lữ hành với đội ngũ nhân viên giỏi nghiệp vụ, sử dụng thành thạo ngoại ngữ để giới thiệu văn hóa chè và quảng bá những thế mạnh tiềm ẩn của địa phương. Các bạn có thể tưởng tượng áo dài Việt Nam với đường nét màu xanh của chè, bộ bàn ghế bằng tre bên trong nhà nghỉ với không gian là vườn chè tĩnh lặng, tự nó làm giảm đi hội chứng stress cho con người. Những sản phẩm kết nối từ chè còn gọi là sản phẩm phụ trợ hữu hình, đó là khu nghỉ dưỡng chữa bệnh từ chè xanh dành cho độ tuổi từ 40 trở lên. Những căn nhà này thiết kế mang dáng trà thất được trang trí bằng các bộ hoành phi, hay thư pháp hoặc một cảnh quan gì đó rất Việt. Về dụng cụ pha chế, gốm sứ Bình Dương và Bát Tràng hoàn toàn có thể thay thế hàng Trung Quốc, dụng cụ pha chế này sẽ được chào bán cùng với trà”. Ông quay sang tôi đập vai “Còn về tơ lụa, tôi học chuyên ngành thời trang tơ lụa. Tôi nhớ lần trước anh giới thiệu với tôi về nền văn minh lúa nước, trong đó người Việt chế biến từ gạo ra hàng chục sản phẩm mang hồn Việt kèm theo như bún, phở, bánh xèo, bánh căn, bánh hỏi… Vì vậy tơ lụa chỉ dệt ra để bán thì không mang lợi ích cao mà phải sáng tạo ra sản phẩm đặc thù riêng của nó như các sản phẩm từ gạo của các bạn.
Đấy! người Nhật là thế. Họ ở từ một nước xa xôi, nhưng có thể giới thiệu chi tiết về địa phương của đất nước khác với những con số biết nói, trong khi chính người Bảo Lộc đã và đang tồn tại trên khu đất vàng chỉ nghĩ đến doanh thu lợi nhuận từ nguyên liệu sơ chế. Thời hội nhập là thế giới phẳng, mọi biến động từ quốc gia này đến quốc gia khác được thông tin cập nhật tính bằng đơn vị phút giây. Bạn chỉ cần vài phút gõ vào trang Google thế giới sẽ nằm trong tay bạn.
Yoshitaya khởi động bàn phím bằng vi tính xách tay, mở trang Web chè Việt Nam chỉ vào màn hình với hàng chữ tiếng Anh chi chít:
- Hiện nay mua sắm trực tuyến qua mạng là việc trao đổi hết sức thuận lợi. Muốn vậy trang web chè Việt phải thật phong phú, đa ngôn ngữ kèm theo hình ảnh minh họa sinh động gây được tiếp thị tiềm thức cho khách hàng trên toàn thế giới. Đến thế kỷ xa lộ thông tin toàn cầu, nhưng còn rất nhiều quốc gia chưa biết đến chè Việt Nam. Trong chiến thuật quảng cáo trực quan tại vương quốc chè này, nên chăng ngay ngã ba đoạn tiếp nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20, hoặc đầu đèo Bảo Lộc có thể xây dựng một tượng đài chào đón khách hàng của vương quốc trà và tơ lụa B’Lao. Dưới tượng đài có một trang web đầy ấn tượng nhưng dễ nhớ để truy cập. Ông tắt máy vi tính ôm mặt có vẻ mệt mỏi, đập vào vai tôi:
- Trên thế giới hiện nay, con người đối mặt với cuộc sống số. Người ta đã quá mệt mỏi khi phải sống chung với sự ồn ào, ô nhiễm và khẩn trương. Vì vậy họ rất cần một nơi nào đó để thư giãn lấy lại sinh lực. Khách nước ngoài hay người Việt có thu nhập cao đi nghỉ dưỡng không phải tìm đến khách sạn 5 sao để ăn thức ăn nhanh. Họ chỉ muốn tìm nơi yên tĩnh với không khí thiên nhiên trong lành, đầy ắp không gian cây lá với những món ăn chưa bao giờ được trải nghiệm trong đời. Vùng đất B’Lao của các bạn sẽ là điểm đến tuyệt vời, nếu các bạn biết khai thác.