Trà Việt, từ đời thường đến tín ngưỡng dân gian
Trà là thức uống phổ biến khắp thế giới, nhưng riêng ở Việt Nam, trà là phương thuốc quý, được tôn như vị thần để hàng năm tổ chức cúng tế, cầu bình an, hạnh phúc cho bản làng.
Trong bản đồ trà thế giới, trà shan tuyết cổ thụ giống nguyên bản - Camellia Sinensis hiện hữu ở 5 quốc gia: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Myanmar và Thái Lan. Việt Nam vinh dự và may mắn là quốc gia sở hữu vùng trà shan có diện tích đứng đầu thế giới (8.508,5 hecta - nguồn từ Hiệp hội Chè Việt Nam 2019), với những vùng trà nguyên sinh, chưa từng được khai thác, mọc hoang dã ở núi cao thuộc vòng cung Đông – Tây Bắc.
Trà shan cổ thụ được giới chuyên môn của ngành trà thế giới nhận định là “vàng xanh”, bởi giá trị của nó qua thời gian, đủ sánh ngang với vàng. Những bánh trà trọng lượng 357g được gia công ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội thuộc thập niên 1920 – 1930… đấu giá tại thị trường trà quốc tế ở Hồng Kông, Đài Loan, khi về đến Việt Nam đã được thổi lên đến… 1,7 tỷ đồng (2019).
Trà - từ một sự tình cờ
Dùng trà, trồng trà, chế biến trà… đàm đạo đủ chuyện về trà, nhưng để trả lời câu hỏi ai là người đầu tiên phát hiện ra trà, có rất nhiều thuyết giải huyền thoại: nào là trà do Thần Nông phát hiện – gọi tên, trà do Đạt Ma sư tổ ngủ gật trong lúc thiền định nên tự giận mình, bứt lông mi ném xuống đất, mọc lên trà…
Xét về mặt địa lý, trà shan tuyết hoang dã thường mọc ở cao độ hơn 1.000m so với mực nước biển, trong các tán rừng già. Vị trí của cây trà trong vùng núi, thường mọc theo các khe nối giữa hai quả núi với nhau và cây trà càng trên cao, càng là những cây lớn, đại thụ. Qua mỗi mùa trà ra quả (mùa thu hàng năm), khi quả trà khô đi, sẽ tự rụng và theo đường nước, đợi mưa đến, trôi xuống thấp hơn và sinh trưởng tự nhiên ở đó.
Xét về tập tính dân tộc, trong tất cả các dân tộc sống trên vùng núi cao có cây trà, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả 4 nước còn lại có trà shan cổ thụ, người H’mông là tộc người sống trên cao nhất. Do vậy cũng là người ở gần với cây trà shan nhất.
Trong đời sống thường ngày, người H’mông gọi trà là Xùa Zề (trà thuốc). Họ cũng lưu truyền nhau tích truyện về việc phát hiện ra trà của tổ tiên rằng: “Xưa kia có vợ chồng người H’mông đi tìm vùng đất mới để sống; đi mệt, họ dừng lại dưới một gốc cây cổ thụ, bắc nồi nước để nấu ăn, vô tình cơn gió mạnh khiến các cành cây va đập, rớt vào nồi nước một chiếc lá, khi uống nước thấy trong người sảng khoái, tinh thần thoải mái, từ đó người H’mông phát hiện ra cây trà”.
Lối uống trà lá tươi như huyền thoại của người H’mông, cũng chỉ riêng Việt Nam còn lưu giữ. Trà được hái cả cành, lá, bó lại, bỏ vào nồi nấu sôi, cho ra vị trà xanh nguyên thủy, thanh mát và thuần khiết. Đây là cách phổ biến, cổ truyền trong tục uống trà của người Việt nay vẫn lưu giữ ở nhiều vùng miền, đặc biệt ở Nghệ An, với vùng trà Gay nổi tiếng cùng tục gọi trà đã đi vào thơ ca, huyền thoại: “Trưa nắng hè, gọi nhau râm ran chè xanh” (ca từ của nhạc sĩ An Thuyên).
Người miền cao cúng trà
Với người H’mông, trà là phương thuốc quý, có thể chữa đủ các bệnh thường gặp như đau bụng, nhức đầu, căng thẳng… Đặc biệt trong đời sống tâm linh, người H’mông coi cây trà là vị thần, được thờ phụng, tôn kính, hàng năm làm lễ tạ ơn thần trà đã mang lại no ấm, hạnh phúc.
Lễ cúng trà thường bắt đầu vào mùa xuân, khi vụ trà đầu tiên ra chồi sau 4 tháng ngủ đông. Lễ cúng trà của người H’mông được biết đến đầu tiên, diễn ra ở vùng trà shan Suối Giàng, tỉnh Yên Bái.
Trong ngày cúng trà, lễ vật mang theo có rượu, và quan trọng nhất là con gà trống còn sống. Bàn thờ lập xong, thầy cúng đọc các lời khấn nguyện, nội dung cảm tạ thần trà ban cho dân bản sung túc, có cái ăn cái mặc, có trà để hái, để làm thuốc, và cầu mong vụ trà năm nay sẽ lại sinh sôi, phát triển, búp trà to như ngón tay trẻ con, hái mãi không bao giờ cạn. Khi cầu nguyện xong, con gà được hóa kiếp, mang lời khấn ấy lên tâu với thần linh. Sau đó thầy cúng luộc gà, bày lên bàn thờ dưới gốc trà, và cùng chia với dân bản, uống rượu. Sau lễ cúng, mọi người cùng ra vườn trà, xem thầy cúng chỉ dân bản cách hái trà như tổ tiên để lại.
Khu vực cư trú thấp hơn người H’mông là người Dao. Trong đời sống tâm linh của người Dao, cũng có lễ cúng cây trà cổ thụ. Nếu quan sát kỹ, sẽ thấy nghi thức cúng lễ của người Dao và H’mông có nhiều khác biệt. Mâm cúng của người Dao giản đơn, lễ vật là con gà đã luộc, vài chén rượu, nén nhang, tất cả bày ngay gốc trà.
Vai trò thầy cúng rất quan trọng, ông liên tục khấn vái liên tục trong gần 2 giờ đồng hồ. Nội dung mời tổ tiên về dưới gốc cây trà to nhất vùng, ăn mâm cúng, và ban bình an cho dân làng, cho vụ mùa trà sắp tới. Còn con gà trong lễ cúng trà của người Dao không còn là linh vật chuyển tải lời cúng như trong nghi thức H’mông, mà chỉ đơn thuần là lễ vật mời gọi thần linh, ông bà tổ tiên về dự tiệc.
Thần trà của người Kinh
Từ hai văn hóa và tín ngưỡng dân gian của người H’mông, Dao, khi trà du nhập xuống vùng đồng bằng, trong tục thờ Mẫu của người Việt – cũng có một vị thần trà.
Thờ Mẫu là một tín ngưỡng đa thần giáo cổ xưa của người Việt, mỗi khi các ông bà đồng thực hành tín ngưỡng, họ lấy thân xác của mình để các vị thần nhập về. Có tổng cộng 36 vị tượng trưng cho 36 giá đồng, có nam, có nữ, có cậu bé, có các vị quan trấn biên cương, có vị chuyên dùng thuốc cứu người… Và trong 36 vị đó, có Cô Tám Đồi Chè.
Quan niệm trong lễ cúng của người dân tộc với cây trà cổ thụ, họ gắn với sự đơn sơ, mộc mạc, chân thành, nhưng khi xuống đồng bằng, lễ cúng trở nên đối lập, với quan niệm càng đẹp, các vị thần càng cảm thấy vui tươi, thoải mái, và sẵn sàng ban ơn cho người thực hành nghi lễ những điều họ cầu khẩn. Người trình đồng quan niệm, khi họ bỏ ra cho lễ cúng càng nhiều tiền, thần linh sẽ ban lại cho họ nhiều hơn với niềm tin rằng: “Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”. Nói một cách dễ hình dung hơn là nếu bỏ ra một triệu, thánh thần sẽ ban cho nhiều tỷ (!?).
Trở lại lai lịch vị thần trà trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Cô Tám Đồi Chè sinh thời vua Lê Lợi (1385 – 1433), cô giúp vua đánh đuổi ngoại xâm; thường ngày, cô trồng trà, hái búp trà làm thuốc chữa bệnh cho người trong vùng Phong Mục, Thanh Hóa ngày nay. Sau khi thác, cô được người dân thương mến lập đền thờ, và đưa vào 36 giá đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Ở giá đồng Cô Tám Đồi Chè, người trình đồng nhảy tưng bừng, múa điệu tay tiên theo lời ca miêu tả việc cô Tám hái lá trà làm thuốc, tán lộc cho người tham dự bằng tiền mặt trong không khí vui tươi, sôi động, hào hứng.
Từ những phong tục uống trà, từ những thực hành nghi lễ dân gian về trà, có thể khẳng định mỗi vùng trà ở xứ Việt là một vùng văn hóa đặc sắc, dị biệt, gắn liền với tộc người, với tính dân gian… tạo thành dấu ấn rất riêng của trà Việt, một thức uống gắn liền với thần thoại, huyền thoại và giai thoại đầy thú vị.
Bài và ảnh: Lam Phong
___________________
(*) Tựa đề là bài thuyết trình của tác giả tại hội thảo Sáng kiến trà toàn cầu lần thứ 6, do Đại học California, Davis tổ chức ở Mỹ.