Trà Vinh, 20 năm nỗ lực thực hiện bảo vệ môi trường

Năm 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, tạo tiền đề hoàn thành kế hoạch 05 năm 2026 - 2030.

Nhìn lại giai đoạn 2020 - 2025 nói riêng, trong 20 năm qua (2004 - 2024) nói chung, Trà Vinh luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường (BVMT), xem đây là một trong những vấn đề quan trọng, thể hiện rõ: trong 23 chỉ tiêu Nghị quyết năm 2025, tỉnh tiếp tục đề ra 03/23 chỉ tiêu về môi trường để triển khai thực hiện.

ĐVTN thị xã Duyên Hải và đại biểu tham gia vệ sinh bãi biển xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học, ngày Môi trường thế giới và ngày Đại dương thế giới năm 2024.

ĐVTN thị xã Duyên Hải và đại biểu tham gia vệ sinh bãi biển xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học, ngày Môi trường thế giới và ngày Đại dương thế giới năm 2024.

Thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) “về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Nghị quyết số 41-NQ/TW), mặc dù từng thời điểm thuận lợi và khó khăn, nhưng tỉnh đã nỗ lực thực hiện BVMT đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 30-KH/TU, ngày 12/5/2005 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW; đồng thời, quán triệt đến toàn Đảng bộ; chỉ đạo các Huyện ủy, Thị ủy, các Đảng ủy trực thuộc tổ chức thực hiện. UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1191/QĐ-UBND, ngày 15/7/2005 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW; Quyết định số 2009/QĐ-UBND, ngày 27/10/2007 về việc ban hành chiến lược BVMT tỉnh Trà Vinh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Trong 20 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều Chỉ thị về thực hiện BVMT; trong đó, Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 28/12/2016 “về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường các đô thị, khu dân cư, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh”, Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 19/10/2022 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh”.

BVMT trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện lồng ghép với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và XDNTM. Giai đoạn 2004 - 2024, UBND tỉnh phê duyệt 330 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 10 báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, 33 dự án cải tạo, phục hồi môi trường, 01 đề án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung, 59 đề án BVMT chi tiết, 46 giấy phép môi trường (từ năm 2022 đến nay theo Luật BVMT năm 2020); phân quyền Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận 158 bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, tổ chức kiểm tra, xác nhận 69 dự án, 02 đề án cải tạo, phục hồi môi trường cho các đơn vị khai thác khoáng sản, 07 đề án BVMT, cấp 17 đề án bảo vệ môi trường đơn giản...

Song song đó, cấp huyện, thị xã, thành phố cấp, xác nhận 822 bản cam kết BVMT, 8.102 đề án bảo vệ môi trường đơn giản, 1.935 kế hoạch BVMT, 151 giấy phép môi trường, 145 kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu...

Trong 20 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung BVMT tại các khu vực trọng điểm, tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn và quản lý chất thải; chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp, các dự án Nhà máy Nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải; tăng cường kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ y tế; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng, trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm; thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp tại các đô thị, ưu tiên chú trọng theo hướng tái sử dụng, tái chế chất thải.

Với quan điểm đó, UBND tỉnh phê duyệt, giao các sở, ngành có liên quan đầu tư 21 trạm quan trắc, quan trắc tự động, liên tục; lắp đặt 124 camera nhằm giám sát tại các điểm nóng môi trường trên địa bàn tỉnh; quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa, hạn chế việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển...

Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh có 08 bãi rác được hỗ trợ đầu tư xây dựng và bàn giao cho các huyện quản lý, vận hành. Để tăng cường năng lực và hạ tầng kỹ thuật thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt, các địa phương cải tạo, khắc phục các bãi rác, đến nay đã khắc phục ô nhiễm 16 bãi rác (đóng cửa 06, nâng cấp, cải tạo 10 bãi rác); 09/09 huyện, thị xã, thành phố ban hành đề án thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn quản lý.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nhân, Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải, thực hiện chủ trương xử lý, trám lấp giếng khoan không sử dụng nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất, giữ vững trạng thái các tầng chứa nước nhằm ngăn chặn kịp thời sự thẩm thấu, thông tầng giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa các tầng chứa nước với nhau... thị xã đã tham gia tích cực, nhất là công tác vận động, tuyên truyền, được người dân đồng thuận.

Nhằm bảo vệ nguồn nước mặt sông nội tỉnh, UBND tỉnh phê duyệt khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông nội tỉnh, các tuyến kênh trục và kênh cấp I, gồm 21 tuyến sông nội tỉnh và 138 tuyến kênh trục, kênh cấp I theo Quyết định số 196/QĐ-UBND, ngày 16/02/2024, phục vụ kiểm soát nguồn thải, quản lý chất lượng môi trường nước mặt sông nội tỉnh, bảo vệ nguồn nước. Đối với vùng đô thị, vùng ven đô thị, người dân được cung cấp nước sạch đạt 96,2%.

Nước thải công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động đều xây dựng hệ thống xử lý, thu gom lượng nước thải phát sinh; Khu Công nghiệp Long Đức, đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 2.000m3/ngày đêm để xử lý toàn bộ lượng thải phát sinh của doanh nghiệp trong khu công nghiệp; vùng nông thôn, rác sinh hoạt ở các khu vực dân cư sinh sống tập trung và dân cư sống dọc các tuyến đường đều được thu gom rác. Trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế sử dụng hóa chất thông qua hoạt động kiểm soát lưu hành và sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục cho phép.

Qua 20 năm triển khai thực hiện, các cấp ủy, chính quyền, các ngành và địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41-NQ/TW, đạt nhiều kết quả quan trọng, đã đi vào cuộc sống. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về BVMT được nâng lên rõ rệt.

Có thể thấy, những thành tựu về BVMT thời gian qua đã góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nhất là góp phần cho Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025.

Với kết quả đạt được, Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về BVMT theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, cacbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái; hướng đến đạt được mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa cacbon.

Chỉ tiêu môi trường

- Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh 99,5% dân cư thành thị; 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh (trong đó nước sạch 85%).

- Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý 99,5%; chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 98,5%, nông thôn 78 - 80%; tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg được xử lý đạt 100%.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 4,2% diện tích tự nhiên.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/tra-vinh-20-nam-no-luc-thuc-hien-bao-ve-moi-truong-42246.html