Trà Vinh mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP

Tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các mặt hàng OCOP trên địa bàn để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Sản phẩm OCOP của Trà Vinh được trưng bày tại một cửa hàng ở Ao Bà Om. Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN

Sản phẩm OCOP của Trà Vinh được trưng bày tại một cửa hàng ở Ao Bà Om. Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN

Tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất các mặt hàng OCOP trên địa bàn để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng nội lực và gia tăng giá trị, tỉnh Trà Vinh có nhiều tiềm năng để phát triển với nhiều sản phẩm đặc sản, độc đáo thu hút được nhu cầu của người tiêu dùng.

Qua 4 năm thực hiện, số lượng sản phẩm OCOP đã có sự phát triển khá tốt, nhưng về tính giá trị, hiệu quả kinh tế mang lại chưa vẫn tương xứng. Trong phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh hiện đang tồn tại những hạn chế, vướng mắc, như: qui mô sản xuất nhỏ, việc ứng dụng khoa học nghệ tiên tiến còn thấp, mẫu mã bao bì sản phẩm chưa thu hút mạnh mẽ người tiêu dùng, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc,…

Đây là những nguyên nhân làm cho giá trị sản phẩm OCOP đạt thấp, sản phẩm chưa vươn ra được các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.

Vì vậy, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh phát triển sản phẩm OCOP.

Cụ thể, các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP nếu được tỉnh chọn tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, được tỉnh hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng, mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/năm; nếu tham gia hội chợ, triển lãm trong nước được tỉnh hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng và phí vận chuyển, nhưng không quá 40 triệu đồng/năm; tỉnh hỗ trợ 50% chi phí xây dựng website, đăng ký sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến các mặt hàng thịt, cá, rau, củ, quả, thức ăn chăn nuôi được tỉnh hỗ trợ 70% vé máy bay khứ hồi khi đi khảo sát, tìm kiếm phát triển thị trường ở nước ngoài; hỗ trợ 50% chi phí xây dựng điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt”, mức hỗ trợ tối đa không quá 80 triệu đồng/điểm và ở mỗi huyện được hỗ trợ 01 điểm, thành phố, thị xã không quá 2 điểm bán hàng.

Cùng với chính sách ưu đãi, tỉnh giao Sở Công Thương tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, như: xây dựng, quản lý logo nhận diện; hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn hiệu, xây dựng quy trình đóng gói; đăng kí nhãn hiệu, áp dụng và công bố các tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ xúc tiến thương mại,…

Ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện tỉnh đã có 180 sản phẩm OCOP của 120 chủ thể; trong đó có 3 sản phẩm được công nhận 5 sao là mật hoa dừa và đường hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh FARM, dừa sáp sợi - VICOSAP của Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè, còn lại là sản phẩm đạt 4 sao và đạt 3 sao.

Trong số 120 chủ thể của sản phẩm OCOP trong tỉnh chỉ có hơn 20% là doanh nghiệp, còn lại là hộ kinh doanh chiếm trên 60% và hợp tác xã, tổ hợp tác chiếm gần 18%. Do vậy, phần lớn sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn còn sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ và chưa tiếp cận được nhiều với các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.

Các sở, ngành, địa phương đang xúc tiến hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tổ chức các cửa hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm đặc sản, hàng lưu niệm, quà tặng du lịch, sản phẩm OCOP.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 7 cửa hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm, gồm: cửa hàng tại số 6A Nguyễn Thị Minh Khai, phường 1, thành phố Trà Vinh; cửa hàng đặc sản quê Hai Ửng, tại ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành; cửa hàng Khu Du lịch biển Ba Động, huyện Duyên Hải; cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm đặc sản tại Khu Di tích Ao Bà Om; cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc sản tại ấp Rạch Dừa, xã Đại Phước, huyện Càng Long; cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản hợp tác xã tại số 40, Nguyễn Thái Học, phường 1, thành phố Trà Vinh./.

Huỳnh Phúc Sơn/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tra-vinh-mo-rong-thi-truong-cho-san-pham-ocop/294099.html