Trà Vinh phát huy sức mạnh tổng hợp trong kháng chiến chống Mỹ và cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng Trà Vinh, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước

Trong những ngày tháng Tư này, Trà Vinh tổ chức các hoạt động kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng Trà Vinh, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024). Nhân dân Trà Vinh tự hào đã giải phóng Trà Vinh cùng lúc với giải phóng Sài Gòn vào lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975. Đạt được thắng lợi vẻ vang đó có nhiều nguyên nhân, trong có đó nguyên nhân rất quan trọng là chúng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ - quân - dân trong kháng chiến chống Mỹ và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Hướng đến kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng ngày 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh thành lập đoàn đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ của Người và viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh (trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh thắp hương các ngôi mộ liệt sĩ).

Hướng đến kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng ngày 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh thành lập đoàn đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ của Người và viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh (trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh thắp hương các ngôi mộ liệt sĩ).

Trước hết đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng bộ tỉnh Trà Vinh dày công xây dựng trong kháng chiến chống thực dân Pháp và tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Trà Vinh là một địa bàn tranh chấp gay gắt, ác liệt, Mỹ - Ngụy đã dùng mọi phương tiện chiến tranh hiện đại cả bom napan, chất độc hóa học, pháo đài bay B52... để hủy hoại con người và sự sống; chúng dùng mọi thủ đoạn thâm độc như: xây dựng ấp chiến lược, khu trù mật, đóng đồn, chiếm đất, gom dân, đôn quân, bắt lính, tù đày, tra tấn, bắn giết những người yêu nước. Đặc biệt, chúng tìm mọi cách để gây mâu thuẫn, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, chia rẽ giữa quần chúng nhân dân với cách mạng... nhằm đè bẹp ý chí đấu tranh của Nhân dân ta. 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi xóm làng, mỗi gia đình ở Trà Vinh đều bị Mỹ - Ngụy gây tội ác, gây mất mát, đau thương, vợ phải xa chồng, con phải mất cha; ruộng vườn bị tàn phá, môi trường sống bị hủy hoại.

Với sự lãnh đạo của Đảng bộ, vai trò tập hợp đoàn kết của Mặt trận dân tộc giải phóng và các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, tin tưởng và đi theo Đảng làm cách mạng; trong các tổ chức của Đảng, của Mặt trận, đoàn thể, trong lực lượng vũ trang,... có đầy đủ các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo. Trong các cuộc đấu tranh chính trị, hàng vạn đồng bào Kinh - Khmer - Hoa luôn sát cánh bên nhau.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã huy động trên 180.000 lực lượng quần chúng Kinh - Khmer - Hoa nổi dậy đấu tranh chính trị và tham gia phục vụ chiến đấu (trong đó có trên 25.000 người ở thị xã Trà Vinh và 3.000 sư sãi) (Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh: Lịch sử tỉnh Trà Vinh tập 3 (1954 - 1975), năm 2005 trang 322). Đặc biệt, trong buổi sáng ngày 30/4/1975, ta đã vận động được 5 vị sư, trong đó có sư Đa Ra trực tiếp vào Tòa hành chính ngụy kêu gọi tên Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sơn đầu hàng và đưa hắn ra chùa Phướng gặp cách mạng để viết lời kêu gọi lực lượng ngụy quân, ngụy quyền trong tỉnh đầu hàng.

Sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và quân dân Trà Vinh còn xuất phát từ việc chúng ta biết phát huy yếu tố chính trị, tinh thần to lớn. Các cấp ủy, Mặt trận, các đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta xác định cuộc chiến tranh do Mỹ - Ngụy tiến hành là cuộc chiến tranh xâm lược, là phi nghĩa; còn cuộc chiến tranh của Nhân dân ta tiến hành là cuộc chiến tranh để giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đó là cuộc chiến tranh chính nghĩa; luôn tin tưởng vào đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng và vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Từ đó, Mỹ - Ngụy dù đã sử dụng nhiều loại vũ khí tối tân để tàn phá, đàn áp, bắn giết thì ý chí căm thù giặc của Nhân dân ta càng thêm sâu sắc; lòng yêu nước của Nhân dân càng nâng cao, tinh thần đấu tranh quật khởi càng thêm mạnh mẽ, Nhân dân ta quyết “một tấc không đi, một ly không rời”; cán bộ, đảng viên quyết “bám dân, bám địa bàn”; lực lượng vũ trang “bám lấy thắt lưng địch mà đánh”, “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; kẻ trước ngã, người sau xông lên, con nối tiếp cha, vợ thay chồng đảm đương công việc ở hậu phương, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Trong kháng chiến, mỗi xóm làng của quê hương Trà Vinh trở thành pháo đài chống Mỹ, mỗi người dân là một chiến sĩ; ngay cả trong vùng địch kiểm soát, người dân cũng có nhiều phương thức thích hợp để đấu tranh với kẻ thù, nhiều gia đình, cơ sở thờ tự là nơi nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng; nhiều người dân, lực lượng học sinh, trí thức, công thương gia, kể cả nhiều người trong lực lượng ngụy quân, ngụy quyền là cơ sở cách mạng,... Trong kháng chiến chống Mỹ, toàn tỉnh có trên 17.000 liệt sĩ, gần 8.000 thương binh; trên 3.300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm nghìn gia đình có công với cách mạng; riêng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng ta có 43 đồng chí hy sinh và 126 đồng chí bị thương, chứng tỏ sự hy sinh vô cùng to lớn của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sức mạnh tổng hợp còn bắt nguồn từ việc Đảng bộ, quân, dân Trà Vinh đã kết hợp nhuần nhuyễn 3 mũi đấu tranh chính trị, quân sự và binh vận.

Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào đấu tranh chính trị của Nhân dân Trà Vinh phát triển mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Trà Vinh. Ngay sau khi Mỹ - Ngụy lật lọng, không thi hành Hiệp định Giơnevơ, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng, Nhân dân Trà Vinh đã tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ; chỉ riêng năm 1956, đã có hàng trăm cuộc đấu tranh chính trị diễn ra trên khắp địa bàn tỉnh.

Tiếp đến là cuộc đấu tranh năm 1957 do Acha Luis Sa Rát lãnh đạo và cuộc đấu tranh đấu tranh ở Châu Thành do ông Ma Ha Sơn thông lãnh đạo; cuộc đấu tranh ngày 20/9/1960, quy tụ hàng chục ngàn đồng bào các giới, các dân tộc tiến vào tỉnh lỵ, đấu tranh trực diện với tỉnh trưởng ngụy, hỗ trợ cho phong trào Đồng Khởi đang diễn ra khắp các địa phương trong tỉnh; cuộc đấu tranh của đồng bào, sư sãi ở Châu Điền, Tam Ngãi, Hòa Ân, Phong Phú (Cầu Kè) năm 1961 đòi thả Sư cả Thạch Som và chống địch chiếm đóng chùa; hay cuộc đấu tranh chống bắt lính của đồng bào và sư sãi trên địa bàn Trà Cú trong tháng 02/1975, trong cuộc đấu tranh này có 02 vị sư là Dương Sum và Kim Sóc bị địch giết hại. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ta đã huy động hàng chục vạn quần chúng đấu tranh chính trị, làm lung lay ý chí của ngụy quân, ngụy quyền, hỗ trợ cho mũi quân sự tiến công tiêu diệt địch.

Sự phát triển phong trào đấu tranh cách mạng ở Trà Vinh đòi hỏi phải xây dựng lực lượng vũ trang. Ngày 14/5/1959, tại ấp Láng Cháo (xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải), Tỉnh ủy tổ chức ra mắt lực lượng vũ trang của tỉnh mang tên “Tiểu đoàn Cửu Long”. Từ đây, lực lượng vũ trang của tỉnh đã hỗ trợ tích cực cho phong trào đấu tranh chính trị, binh vận trên địa bàn tỉnh. Sau khi thành lập, lực lượng vũ trang tỉnh không ngừng lớn mạnh và lập nên nhiều chiến công vang dội như: Trận phòng ngự chống càn tại ấp Bùng Binh (xã Long Hòa, huyện Châu Thành) của Trung đội bộ đội địa phương huyện Châu Thành vào ngày 17/9/1962, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên địch, thu 37 súng các loại; trận phòng ngự chống càn tại ấp An Định Giồng (xã Tân An, huyện Càng Long) của Đại đội Bộ binh 511 và Đại đội Bộ binh 509 vào ngày 26/5/1974, ta đã xóa sổ một đại đội bảo an của tỉnh, 02 đại đội bảo an bị thiệt hại nặng nề, địch bị thiệt hại 230 tên, mất 150 khẩu súng các loại, 04 máy thông tin PRC10, 01 máy bay ném bom Xkyraiđơ (khu trục), 01 máy bay trinh sát L19 và 03 máy bay trực thăng bị bắn rơi; trận phục kích tại ấp Thầy Linh (xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần) của Đại đội Bộ binh 509 vào ngày 12/6/1967, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 41 tên địch, thu 35 súng, 01 máy thông tin PRC10; trận tiến công Dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình của Đại đội Bộ binh 509, Tiểu đoàn 501 vào đêm 31, rạng sáng ngày 01/01/1968, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 60 tên địch, thu 40 súng, bắn cháy, bắn hỏng 3 xe thiết giáp M113; trận tập kích phân chi khu Đức Mỹ của Đại đội bộ đội địa phương huyện Càng Long vào đêm 10, rạng sáng ngày 11/10/1974, tiêu diệt 13 tên địch; đặc biệt là trận tiến công cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta đã tiêu diệt 310 tên địch, loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên, thu trên 34.000 súng các loại, 16 khẩu pháo 105 và 155 ly, 01 máy bay L19, 37 tàu thuyền, hơn 240 xe các loại, hàng trăm máy thông tin, hàng chục tấn đạn, dược,... (Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Những trận đánh của lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Trà Vinh - tập 1).

Ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (vào tháng 7/1954), Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo giáo dục trong Đảng bộ và cơ sở quần chúng, xây dựng tổ chức bộ máy thông qua thân nhân gia đình binh lính, sĩ quan ngụy để xây dựng phát triển cơ sở trong lòng địch. Trong 21 năm chống Mỹ, cứu nước, công tác binh vận đã có những đóng góp rất quan trọng, các cơ quan, cán bộ binh vận, kể cả cơ sở binh vận trong lòng địch và quần chúng làm binh vận đã sáng tạo nhiều nội dung, phương thức hoạt động, làm cho công tác binh vận trở thành 01 trong 03 mũi giáp công lợi hại đánh vào lòng địch, đạt hiệu quả cao. Nhiều cơ sở, cán bộ, quần chúng làm binh vận đã dũng cảm vượt quan gian khổ, ác liệt, tích cực hoạt động và hy sinh thầm lặng vì sự nghiệp cách mạng. Công tác binh vận đã phục vụ 808 trận lớn nhỏ, có 224 trận nội ứng, 66 vụ ly khai, 34 trận binh biến, 25 trận phản chiến, 169 trận diệt ác khởi nghĩa và 290 trận với các hình thức khác.

Một số chiến công điển hình của công tác binh vận như: Năm 1955, ở Châu Thành, một trưởng ấp ở Kỳ La giao cho cách mạng 4 khẩu súng; ở thị xã Trà Vinh, công tác binh vận giúp lực lượng vũ trang tiêu diệt 4 tên tề, điệp ác ôn; Năm 1961, cuộc binh biến do 3 nội tuyến của ta trong đại đội bảo an địch đóng tại chùa Bacsama (xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè), tiêu diệt 2 tên ác ôn, toàn bộ đại đội theo về với cách mạng, mang theo 70 súng và trên 10.000 viên đạn; năm 1969, cơ sở nội tuyến của ta trong lòng địch (Trung úy Huỳnh Chí Thiện) phục vụ lực lượng ta tiêu diệt căn cứ pháo binh của địch ở Tầm Phương, thu 35 khẩu súng các loại, 03 máy thông tin, phá hủy 2 khẩu pháo 105 ly và trên 10.000 quả đạn pháo, phá hủy 3 xe GMC và 01 xe Jeep,... (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh: Tổng kết công tác binh vận trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ).

Phát huy sức mạnh tổng hợp vừa là nguyên nhân vừa là bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn tỉnh giành thắng lợi vào ngày 30/4/1975. Bài học đó cần được phát huy trong xây dựng và phát triển tỉnh Trà Vinh. Trong đó cần quan tâm các giải pháp:

Một là, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xây dựng khối đoàn kết các tầng lớp, giai cấp, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Trà Vinh định cư ở nước ngoài đoàn kết một lòng, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Hai là, tiếp tục thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” để mọi người dân phát huy quyền làm chủ của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát triển tài năng, sức sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng, mang lại lợi ích cho mình và cho quê hương, đất nước. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, gương mẫu, tận tụy với công việc, “nói đi đôi với làm”, thực sự là công bộc của Nhân dân. Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, những đặc trưng tốt đẹp và khát vọng vươn lên của con người Trà Vinh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ba là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước với nhiều hình thức, nội dung phong phú trên tất cả các lĩnh vực: Lao động, sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu,... Chú trọng bồi đắp tinh thần yêu nước và nâng cao giác ngộ chính trị của Nhân dân, làm cho Nhân dân tin tưởng tuyệt đối, chấp hành và thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Đồng thời, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không hoang mang, dao động trước những diễn biến phức tạp của tình hình; không để kẻ xấu và các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động chống Đảng, Nhà nước, tham gia biểu tình, tung tin xấu độc trên mạng xã hội; tích cực tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xấu độc của các thế lực thù địch…

Bốn là, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ tỉnh; tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Chủ động đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh; phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quân sự, công an, biên phòng trong công tác tham mưu và giải quyết kịp thời, có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Xây dựng tổ chức Đảng trong lực lượng vũ trang trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Phát huy sức mạnh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí tự, tự cường, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện tốt quyền dân chủ để phát triển tài năng, sức sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng, mang lại lợi ích cho mình và cho quê hương, đất nước; đồng thời tăng cường tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển Trà Vinh ngày càng văn minh, giàu đẹp.

TRẦN BÌNH TRỌNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/1019/g-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-36775.html