Trà Vinh tăng cường thu hút đầu tư, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế
Trà Vinh đang tập trung xúc tiến mời gọi đầu tư với nhiều hình thức, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là thực thi minh bạch các chính sách ưu đãi đầu tư, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Kinh tế khởi sắc tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế và thu hút đầu tư
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022 của tỉnh tiếp tục có bước phát triển, lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng khá, sức mua đạt trên 4.500 tỷ đồng (từ đầu năm đến nay đạt hơn 30.600 tỷ đồng), thu nội địa thực hiện đạt gần 4.000 tỷ đồng (bằng trên 76% dự toán), các hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công thương, các chỉ tiêu về thương mại như tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng khá cao so với cùng kỳ, dịch vụ du lịch phục hồi nhanh, sức mua hàng hóa trên địa bàn ổn định và có hướng tăng mạnh từ nay đến Tết Nguyên đán, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số điểm du lịch của tỉnh hoạt động hiệu quả, kết hợp lưu trú, ăn uống tại chỗ, thu hút khách từ các địa phương khác đến tham quan, nghỉ mát. Trà Vinh đã tổ chức hiệu quả 2 phiên chợ hàng Việt tại thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải, thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, mua sắm, đóng góp vào tăng trưởng các chỉ tiêu về thương mại.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2022, Trà Vinh đặt kế hoạch sản lượng thủy sản là 235.115 tấn (sản lượng nuôi trồng 171.570 tấn, khai thác đánh bắt 63.543 tấn). Trong 8 tháng đầu năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 54.309 ha (bằng 100,2% kế hoạch); sản lượng thu hoạch đạt 133.151 tấn (bằng 77,6% kế hoạch).
Triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), tỉnh đã tổ chức cập nhật dữ liệu tàu cá về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác lên hệ thống VN-Fishbase đúng quy định. Đồng thời, triển khai lắp đặt thiết bị VMS đạt 100% số tàu hoạt động. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh không có tàu vượt ranh giới.
Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, tỉnh đang đầu tư 2 dự án hạ tầng thủy sản, gồm Dự án Xây dựng hệ thống thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi thủy sản tại huyện Trà Cú với mức đầu tư 20 tỷ đồng và Dự án Hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản các xã Dân Thành, Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Định An, huyện Trà Cú, với mức đầu tư 188 tỷ đồng và Dự án Nuôi tôm công nghiệp huyện Duyên Hải, quy mô phục vụ khoảng 900 ha, tổng mức đầu tư 428 tỷ đồng.
Trong chuyến khảo sát về nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và đầu tư hệ thống thủy lợi mới đây tại Trà Vinh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao kết quả mà tỉnh đã đạt được trong quản lý sản xuất, nuôi trồng thủy sản, đã có nhiều giải pháp khắc phục các tồn tại trong nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Trà Vinh có tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, đóng góp lớn vào sản lượng thủy sản cả nước. Tỉnh cần tập trung hơn nữa đầu tư hạ tầng cho những vùng nuôi tập trung, nâng cao năng suất và giá trị thủy sản; ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, hệ thống hóa dữ liệu vùng nuôi, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và tăng cường quản lý, giám sát hoạt động tàu cá đánh bắt.
Tập trung xúc tiến, thu hút mời gọi đầu tư, tạo nguồn lực tăng trưởng kinh tế
Nhấn mạnh những vấn đề cần quan tâm nhằm tập trung hoàn thành các nhiệm vụ chỉ tiêu năm 2022, tạo đà tăng trưởng cho những năm tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn đề nghị các ngành, địa phương tập trung rà soát những chỉ tiêu có nguy cơ đạt thấp để nỗ lực thực hiện và bắt tay ngay vào công việc sau những ngày nghỉ lễ 2/9; chú ý khắc phục, cải thiện các chỉ số phát triển trên các lĩnh vực và tập trung dồn sức cho công tác xây dựng nông thôn mới, công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm…
Đặc biệt, Trà Vinh tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão, thiên tai, kế hoạch sản xuất cây lúa, cây màu và điều hành hệ thống thủy lợi hiệu quả; tập trung quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới và công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư. Toàn tỉnh sẽ tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; hoàn thành Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, Trà Vinh đang tập trung các giải pháp chuyển đổi số, nhất là trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngày 26/1/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu cho lĩnh vực kinh tế số đến năm 2025 đạt tối thiểu 30% doanh nghiệp áp dụng ít nhất một nền tảng số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 4 dự án đầu tư trong nước thuộc các lĩnh vực: điện gió, giáo dục, xăng dầu, sản xuất khí hydro xanh, với tổng vốn đăng ký khoảng 11.754 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 379 dự án còn hiệu lực, trong đó có 37 dự án đầu tư nước ngoài (tổng vốn đăng ký 3,06 tỷ USD) và 342 dự án đầu tư trong nước (tổng vốn đăng ký 134.822,73 tỷ đồng).
Trà Vinh đang triển khai các hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp và thủy sản, thực thi các chính sách ưu đãi, linh hoạt vận dụng nhiều phương thức để thực hiện có hiệu quả việc xúc tiến đầu tư. Tỉnh còn thành lập Tổ công tác để tham dự tất cả các cuộc hội nghị, hội thảo trực tuyến về công tác xúc tiến đầu tư do các bộ, ngành Trung ương tổ chức.
Cùng với đó, các dự án kêu gọi đầu tư tại Khu kinh tế Định An, các cảng biển, Khu công nghiệp Long Đức, Khu công nghiệp Cổ Chiên, Khu công nghiệp Cầu Quan, Khu công nghiệp Ngũ Lạc được tỉnh và các địa phương công bố minh bạch những chính sách ưu đãi về đất đai; hỗ trợ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động…, nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.