Trà Vinh: Thực hiện nghiêm việc xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội
Thực hiện đúng quy định về công tác tổ chức và quản lý lễ hội; Quản lý, xây dựng và thực hiện Quy ước khóm, ấp; Tổ chức Cuộc thi 'Đại sứ văn hóa đọc' năm 2020 là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp và Hậu Giang.
Trà Vinh: Thực hiện nghiêm việc xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội
Thời gian qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, qua đó bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc.
Cụ thể, công tác xã hội hóa trên lĩnh vực hoạt động văn hóa, nhất là việc tổ chức lễ hội được thực hiện tốt, phát huy được giá trị của lễ hội gắn với nhiệm vụ đột phá phát triển du lịch theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy. Các lễ hội được quản lý, tổ chức đảm bảo về an ninh trật tự, theo hướng văn minh, không có hiện tượng mê tín và các hủ tục lạc hậu.
Bên cạnh đó, ngành VHTTDL luôn đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương và của tỉnh về việc xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội. Các cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức lễ hội chịu trách nhiệm về nội dung chương trình và quá trình tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật. Các lễ hội được tổ chức trang nghiêm, thực hiện đúng quy chế, nội quy quy định của Ban Tổ chức; công tác vệ sinh môi trường, trật tự, an toàn trong lễ hội được đảm bảo.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 20/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, địa phương.
Đồng thời xây dựng, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là lễ hội nhằm phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị lễ hội gắn với phát triển du lịch; Tiếp tục đầu tư các chương trình, dự án, từng bước xây dựng hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa ở cơ sở.
Đồng Tháp: Quản lý, xây dựng và thực hiện Quy ước khóm, ấp
Để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý về xây dựng, thực hiện Quy ước khóm, ấp trên địa bàn năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản gửi Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố về việc quản lý, xây dựng và thực hiện Quy ước khóm, ấp.
Theo đó, Sở VHTTDL yêu cầu các đơn vị nói trên triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác rà soát, xây dựng Quy ước khóm, ấp theo Quyết định số 30/2018/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 năm 2018 của UBND tỉnh; Hướng dẫn số 15/HD-VPTTBCĐ ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào Tỉnh về kiểm tra, rà soát quy trình xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung Quy ước khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Tài liệu Hướng dẫn xây dựng và thực hiện Quy ước khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Hướng dẫn cấp xã theo dõi, quản lý và hỗ trợ khóm, ấp tuyên truyền, phổ biến nội dung Quy ước sau khi được cấp có thẩm quyền công nhận; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình rà soát, xây dựng Quy ước cho cán bộ phụ trách cấp xã và khóm, ấp.
Bên cạnh đó, lồng ghép công tác xây dựng, thực hiện Quy ước vào nội dung Phong trào để triển khai thực hiện; tổ chức rà soát, kiểm kê, đưa tập quán xã hội vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể để bảo tồn và phát huy giá trị theo thẩm quyền. Tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện, thị xã, thành phố ban hành văn bản triển khai các nội dung hướng dẫn về xây dựng, thực hiện Quy ước khóm ấp, lồng ghép trong các tài liệu chuyên môn của các ngành thành viên. Tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp định hướng nội dung Quy ước khóm, ấp phù hợp với tình hình thực tế và đặc trưng văn hóa của từng địa phương.
Đồng thời kiểm tra, giám sát các hoạt động triển khai xây dựng, thực hiện Quy ước khóm, ấp theo định kỳ và đột xuất, báo cáo kết quả thực hiện để kịp thời khắc phục những khó khăn, bất cập; đề ra giải pháp trong thời gian tới.
Hậu Giang: Tổ chức Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" năm 2020
Nhằm khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với thanh thiếu niên nhi đồng, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ, Sở VHTTDL tỉnh Hậu Giang đã xây dựng Kế hoạch tổ chức Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" năm 2020.
Cuộc thi dành cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 và sinh viên tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, đại học và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, thí sinh sẽ dự thi bằng cách gửi các bài dự thi độc lập. Với đối tượng học sinh, thí sinh có thể chọn 1 trong 3 đề; với đối tượng sinh viên, thí sinh có thể chọn 1 trong 2 đề.
Bài dự thi trình bày bằng một trong hai hình thức: viết hoặc quay clip, với ngôn ngữ trình bày tiếng Việt (riêng với đối tượng học sinh, ở Đề 3 có thể dùng thêm tiếng Anh).
Thí sinh nộp bài dự thi và phiếu thông tin dự thi đến hết ngày 30/6/2020. Lễ trao giải dự kiến trong tháng 8/2020. Bài dự thi đạt giải sẽ được chọn thi vòng chung kết do Bộ VHTTDL tổ chức./.