'Trả vốn'
Vốn đầu tư công là một trong những yếu tố tạo động lực tăng trưởng. Thế nhưng chưa giải quyết được tình trạng giải ngân chậm thì bây giờ lại xuất hiện tình trạng trả lại vốn. Từ ngữ được dùng là 'điều chỉnh giảm vốn', nhưng thực chất là trả lại. Con số đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hơn 7.110 tỷ đồng.
Thực ra con số này không lớn so với một lượng vốn khổng lồ của đầu tư công năm 2023, được tính cả trăm ngàn tỷ đồng, nhưng nó cũng cho thấy cách xây dựng kế hoạch, đề xuất phân bổ vốn của các ngành, địa phương - ở một khía cạnh nào đó - vẫn chưa được tính toán kỹ lưỡng.
Tình trạng trả lại vốn không phải năm nay mới diễn ra, mà nó đã diễn ra từ những năm trước. Như năm 2022 có 5 bộ và 47 địa phương kiến nghị điều chỉnh giảm gần 13.000 tỷ đồng.
Dù ở dạng nào – tiến độ giải ngân chậm hay kiến nghị trả lại vốn thì nó cũng đều ảnh hưởng đến mục tiêu đầu tư công là thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra công trình hạ tầng. Từ góc nhìn này cho chúng ta thấy, đây cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Nếu không, tình trạng này có thể (mà khả năng là rất cao) sẽ tái diễn ở những năm tới.
Để được phân bổ vốn, tất cả được bắt đầu từ xét duyệt công trình, chương trình và dự án. Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, từ Chính phủ đến người đứng đầu các địa phương đều đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy. Có những giải pháp mạnh tay như điều chuyển vốn, thậm chí quy trách nhiệm cho người đứng đầu… nhưng có vẻ như những giải pháp này ít được thực hiện. Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm vẫn tái diễn (dù là nguyên nhân như thế nào), nhưng cũng chẳng thấy người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm. Về nguyên tắc, anh đã đề xuất công trình, dự án thì anh phải hình dung dự án sẽ được thực hiện như thế nào chứ không thể đến khi phê duyệt vốn rồi, thực hiện chậm thì viện nhiều lý do khách quan. Không làm quyết liệt điều này thì tình trạng chậm tiến độ vẫn còn.
Giờ đến lượt trả lại vốn. Từ tháng 7 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Việc phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước phải phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch tài chính 5 năm, bảo đảm các cân đối vĩ mô, an toàn nợ công; đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, tính toán hợp lý cơ cấu nguồn lực ngân sách Trung ương và địa phương. Nghị quyết cũng quy định thứ tự ưu tiên khi phân bổ vốn. Nghĩa là để được phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ, có đầu mục (dự án, chương trình, công trình), có thứ tự ưu tiên.
Các vấn đề cần mổ xẻ đó là: Nguyên nhân vì đâu các bộ ngành, địa phương xin điều chỉnh giảm vốn? Có thể điều này sẽ rơi vào những trường hợp sau đây: Có dự án rồi, có được nguồn vốn phân bổ rồi nhưng khi triển khai trong thực tế gặp vướng mắc, chẳng hạn như chậm tiến độ trong giải phóng mặt bằng thì chúng ta sẽ tập trung các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc này. Từ những công trình cụ thể sẽ đề ra một giải pháp tổng thể cho việc giải phóng mặt bằng. Hay như vướng mắc về thủ tục, kể cả thủ tục thanh toán… đều phải được xây dựng những giải pháp xử lý có tính nguyên tắc. Tránh để tình trạng năm nào khi giải ngân vốn đầu tư công chậm thì những nguyên nhân này cũng được nêu ra. Chẳng lẽ chúng ta không rút ra được một kinh nghiệm gì từ những điều đã vấp phải?
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/tra-von-130801.html