Trác Văn phát triển sản xuất nông sản an toàn

Những năm gần đây, xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên) đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, với việc áp dụng trồng rau, củ quả hữu cơ, VietGAP (gọi chung là nông sản an toàn). Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của xã đang tiếp tục phát triển, với đa dạng các loại nông sản, tạo ra bước đột phá, nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của người dân.

Từ khoảng 10 năm trước, để phát triển nông nghiệp xã Trác Văn đã quy hoạch vùng sản xuất nông sản an toàn có diện tích 20 ha. Cùng với đó, mô hình sản xuất mới theo hướng hàng hóa, chất lượng được đầu tư xây dựng. Trên địa bàn xã thành lập Hợp tác xã (HTX) rau hữu cơ Trác Văn, với gần 20 thành viên, sản xuất trên diện tích 4 ha. Tại diện tích này, thành viên HTX trồng các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nông sản của các thành viên HTX sản xuất khi đưa ra thị trường đều được đóng gói có tem nhãn ghi rõ xuất xứ, nguồn gốc để tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

Rau ăn lá được trồng trong nhà lưới tại Trác Văn bảo đảm chất lượng và năng suất.

Rau ăn lá được trồng trong nhà lưới tại Trác Văn bảo đảm chất lượng và năng suất.

Cùng với HTX rau hữu cơ Trác Văn, trên vùng quy hoạch còn có Nông trại Hapy Farm sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Trên diện tích 3 ha, nông trại được quy hoạch phân rõ từng khu sản xuất, cho từng loại cây trồng, sản phẩm. Song song với phát triển sản xuất, nông trại tổ chức các chương trình trải nghiệm cho khách hàng và học sinh những trường mầm non, tiểu học trong vùng đến tìm hiểu, nhận biết về quy trình sản xuất rau, củ, quả... giúp nâng cao uy tín và chất lượng của các loại nông sản. Gần đây, Nông trại Hapy Farm đã dành 0,55 ha (1,5 mẫu) cho chị Phạm Thị Ngọc Bé, người dân trong xã cùng đầu tư phát triển sản xuất theo hướng mới. Tại diện tích này, chị Bé xây dựng 5 nhà lưới có tổng diện tích 1.500 m2 chủ yếu trồng các loại rau, củ quả, trong đó dành riêng 1 nhà lưới trồng dâu tây từ khoảng tháng 8 đến cuối năm. Ngoài ra, chị bố trí diện tích trồng 3 sào ổi lê Đài Loan và 3 vạn cây hoa cúc đón thị trường dịp cuối năm. Theo chị Phạm Thị Ngọc Bé, đồng đất Trác Văn rất phù hợp với nhiều loại cây trồng nên chị đã áp dụng hệ thống nhà lưới và đa dạng các loại cây trồng, trong đó có dâu tây với mong muốn khai thác được tiềm năng, thế mạnh của đất và nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất.

Thực tế việc phát triển theo hướng sản xuất nông sản an toàn đem lại hiệu quả cao trên đồng ruộng Trác Văn. Phần lớn lượng sản phẩm sản xuất ra đều được tiêu thụ qua hợp đồng cho các chuỗi cửa hàng nông sản sạch tại thành phố Hà Nội, một phần cung cấp tại thành phố Phủ Lý. Do có được liên kết tiêu thụ, giá bán nông sản luôn bảo đảm ổn định và tăng trong nhiều năm qua (ở tùy từng thời điểm của mùa vụ). Giá trị bình quân trên diện tích sản xuất nông sản an toàn tại Trác Văn đạt hơn 20 triệu đồng/sào/năm, gấp 7 lần cấy lúa. Với diện tích trồng dâu tây, tuy mới trồng vụ đầu tiên (năm 2023) đã đạt giá trị trên 30 triệu đồng/sào. Ông Nguyễn Văn Phóng, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Trác Văn đánh giá: Sản xuất nông sản an toàn đã làm thay đổi tư duy của người nông dân, thay đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây là yếu tố quan trọng để sản xuất nông nghiệp của xã tiếp tục phát triển.

Hiệu quả sản xuất nông sản an toàn tại Trác Văn đã được chứng minh. Tuy nhiên, để mở rộng diện tích, đa dạng hóa các loại sản phẩm cần giải quyết tốt những khó khăn, hạn chế về chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Có như vậy, sản xuất nông sản an toàn mới phát huy tốt hiệu quả, trở thành hướng đi chủ lực trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/trac-van-phat-trien-san-xuat-nong-san-an-toan-135669.html