Trách nhiệm Bộ Công Thương đến đâu trong đại án Gang thép Thái Nguyên?
Bộ Công Thương là đơn vị giới thiệu nhà thầu phụ được cho là không đủ năng lực để thi công dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên.
Ngày 10-11, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên phúc thẩm đối với 12 bị cáo trong vụ đại án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Kết thúc phần xét hỏi, HĐXX tuyên bố chuyển sang tranh luận. Đại diện VKS đề nghị tòa giảm án cho hai bị cáo là Hoàng Ngọc Diệp (cựu thành viên Hội đồng quản trị TISCO) và Đậu Văn Hùng (cựu tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS).
Đối với 10 bị cáo còn lại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan kiểm sát đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bộ Công Thương có trách nhiệm gì?
Tại phần xét hỏi, một nội dung đáng chú ý được đề cập là trách nhiệm của Bộ Công thương. Theo lời khai của một số bị cáo tại TISCO, Bộ Công Thương giới thiệu Tổng công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ. Sau này, cơ quan tố tụng xác định VINAINCON không đủ năng lực, là một phần nguyên nhân khiến dự án “đắp chiếu” hàng chục năm qua.
Được triệu tập tới tòa, đại diện Bộ Công Thương thừa nhận từng có văn bản giới thiệu VINAINCON cho VNS và TISCO, văn bản do một thứ trưởng ký. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chỉ giới thiệu chứ không yêu cầu bắt buộc thực hiện.
Cũng theo vị này, sau khi dự án bị “treo”, Bộ Công Thương đã có rất nhiều giải pháp, bao gồm việc đưa vào danh sách “12 đại dự án” được Chính phủ chỉ đạo khắc phục. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước triển khai các biện pháp tháo gỡ.
Đáng chú ý, đại diện VKS dẫn lại lời một số bị cáo về việc Bộ Công Thương giới thiệu VINAINCON. Vị đại diện một lần nữa khẳng định văn bản của Bộ Công Thương chỉ mang tính giới thiệu, không mang tính chất bắt buộc, chọn hay không thì phải căn cứ theo quy định pháp luật.
“Vậy Bộ Công Thương có phần trách nhiệm nào trong việc giới thiệu VINAINCON, từ đó dẫn tới hậu quả?” - kiểm sát viên hỏi. Đáp lời, đại diện Bộ Công Thương không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà viện dẫn một số văn bản để cho rằng bộ đã làm đúng quy định.
Trước đó, hồi tháng 4-2021, khi tuyên án sơ thẩm, HĐXX cho rằng cần xem xét trách nhiệm Bộ Công Thương - cơ quan chủ quản của TISCO và VNS. Theo tòa, Bộ Công Thương đã đưa ra các chủ trương, quyết định không đúng quy định pháp luật, đồng thời giới thiệu và lựa chọn đơn vị không đủ năng lực, tức VINAINCON, để thực hiện phần C của hợp đồng 01#EPC. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả của vụ án.
Bị cáo buộc thiếu năng lực, nhà thầu phụ nói “dư sức”
Để làm rõ vấn đề liên quan đến năng lực của nhà thầu phụ, tòa triệu tập ông Hoàng Chí Cường, cựu Tổng giám đốc VINAINCON. Tuy nhiên, ông Cường có đơn xin vắng mặt, một đại diện khác của VINAINCON có mặt.
Trước bục khai báo, đại diện VINAINCON cho biết theo hợp đồng ba bên với TISCO và Tập đoàn Khoa học công nghệ, thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), tiến độ dự án sẽ được tính từ thời gian bàn giao bản vẽ thiết kế. Tuy nhiên, quá trình triển khai, việc bàn giao bản vẽ không đúng tiến độ, dẫn tới thi công chậm. Vị đại diện cho hay VINAINCON từng có văn bản đề nghị MCC và TISCO khẩn trương bàn giao bản vẽ để đáp ứng tiến độ, công ty cũng có rất nhiều tài liệu chứng minh về việc chậm bàn giao bản vẽ như đã nêu.
Nói về cáo buộc thiếu năng lực, đại diện VINAINCON tái khẳng định quan điểm ở phiên tòa sơ thẩm, rằng công ty hoàn toàn đủ khả năng thi công. Việc này được chứng minh ở nhiều khía cạnh, bao gồm sự thẩm định của chủ đầu tư trên hồ sơ trước khi ký kết hợp đồng. “Dự án gang thép Thái Nguyên chỉ có quy mô vừa so với năng lực của VINAINCON, chúng tôi từng thực hiện một dự án xi măng có số vốn đầu tư lớn hơn rất nhiều” - vị đại diện nói. Vị này cho rằng việc Bộ Công Thương giới thiệu VINAINCON cho TISCO là điều hết sức bình thường.
Bào chữa cho bị cáo Đặng Văn Tập (cựu phó giám đốc thường trực Ban quản lý dự án TISCO), luật sư cũng cho rằng hồ sơ vụ án không có tài liệu nào cho thấy VINAINCON thiếu năng lực, cáo buộc này chỉ mang tính suy đoán dựa trên tình trạng đình trệ của dự án.
Thực tế, VINAINCON là một công ty lớn trong lĩnh vực xây dựng, đã thực hiện rất nhiều dự án lớn về xây lắp tại Việt Nam. Nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là do nhà thầu Trung Quốc với hàng loạt vi phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra…
TISCO tiếp tục từ chối nhận bồi thường
Tại tòa phúc thẩm, TISCO được xác định với tư cách nguyên đơn dân sự. Giống với phiên sơ thẩm hồi tháng 4-2021, đại diện TISCO tiếp tục khẳng định không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường số tiền 830 tỉ đồng.
Tuy nhiên, đại diện VKS đã phản ứng khá gay gắt trước ý kiến trên của đại diện TISCO. Theo kiểm sát viên, TISCO chỉ có 35% vốn đầu tư, còn lại của Nhà nước, vậy với lý do và tư cách gì TISCO không đòi bồi thường? “TISCO không có quyền định đoạt số 65% vốn nhà nước trong công ty mình. Không thể có chuyện hiểu không đúng trong việc bồi thường, gây hoài nghi” - vị này quyết liệt.