Trách nhiệm bồi thường khi người lao động bị tai nạn như thế nào?

Hỏi: Chồng tôi làm thợ hồ, đang làm việc tại công trình thì bị tai nạn, thương tích rất nặng. Chủ thầu chỉ hỗ trợ ít tiền thuốc mà không chịu bồi thường vì chồng tôi không có hợp đồng lao động, như vậy có đúng không? (Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Bình Chánh).

Trả lời: Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

1. Những đối tượng áp dụng luật này bao gồm:

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.

- Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

- Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

- Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

- Người sử dụng lao động.

- Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Như vậy, khi xảy ra tai nạn lao động, người lao động không ký hợp đồng lao động vẫn có thể được hưởng chế độ bồi thường, hỗ trợ từ người sử dụng lao động.

2. Chế độ trợ cấp, bồi thường tai nạn lao động như sau:

a. Trợ cấp tai nạn lao động: Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, nếu nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn gây ra (căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động).

Mức trợ cấp quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH:

a) Ít nhất 12 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động;

b) Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tính theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

b. Bồi thường tai nạn lao động: Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động này gây ra thì được bồi thường.

Mức bồi thường quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH:

a) Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

b) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này:

Như vậy, nếu nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn gây ra thì người sử dụng lao động chỉ có trách nhiệm trợ cấp tai nạn lao động; trường hợp nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động không phải hoàn toàn do lỗi của người lao động thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bồi thường như các quy định nêu trên.

Luật gia ĐẶNG THU HIỀN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/trach-nhiem-boi-thuong-khi-nguoi-lao-dong-bi-tai-nan_149246.html