Trách nhiệm bồi thường vụ 'trâu điên' húc người
Một người phụ nữ đi đường tại Thanh Hóa bị con 'trâu điên' húc gãy xương sườn phải nhập viện cấp cứu. Trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu trâu thế nào?
Luật sư Trịnh Thị Tuấn (Giám đốc Công ty Luật Sao Việt) cho biết: Theo nội dung thông tin thì con trâu được một người dân ở tiểu khu Đông Hòa mua từ Nghệ An về, nhốt tại nhà bị sổng chuồng và lao ra đường tông vào xe người phụ nữ (trú tại tiểu khu Đông Hòa, xã Nông Cống).

Hình ảnh trâu húc bị thương người phụ nữ đi đường
Như vậy, con trâu đã được mua về là tài sản của người mua, thì chủ sở hữu con trâu (súc vật) là người đã mua con trâu về. Và lỗi do người này nhốt không chắc chắn nên để con trâu sổng chuồng lao ra húc người. Hậu quá làm cho người này bị gãy xương sườn.
Căn cứ quy định tại Điều 582, Điều 603 Bộ luật dân sự quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và quy định trường hợp bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.

Luật sư Trịnh Thị Tuấn phân tích vụ việc
Cụ thể, “Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Tại “Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”
Về mức bồi thường thiệt hại: Căn cứ Điều 590 Bộ luật dân sự (hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết 02/2022 của Hội đồng Thẩm phán TANCTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) quy định chi phí và tổn thất tinh thần cho trường hợp sức khỏe bị xâm phạm như sau:
“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Do đó, chủ sở hữu súc vật (con trâu) phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo mức đã được quy định tại Bộ luật dân sự như đã nêu.
Trước đó, vào khoảng 9 giờ 36 phút ngày 14/7, tại tiểu khu Đông Hòa, xã Nông Cống. Thời điểm trên, con trâu được một người dân ở tiểu khu Đông Hòa mua từ Nghệ An về, nhốt tại nhà bị sổng chuồng và lao ra đường tông vào xe người phụ nữ (trú tại tiểu khu Đông Hòa, xã Nông Cống).
Clip camera ghi lại vụ việc cho thấy, con trâu lao tới tông thẳng vào xe máy người phụ nữ điều khiển xe máy. Cú tông mạnh khiến người phụ nữ ngã ra đường.
Chưa dừng lại ở đó, con trâu còn tiếp tục xông tới húc mạnh vào mạn sườn người phụ nữ, khiến người này phải chồm dậy, bỏ chạy. Hậu quả người phụ nữ bị gãy xương sườn.
Hiện, lực lượng chức năng đang vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/trach-nhiem-boi-thuong-vu-trau-dien-huc-nguoi-485842.html